Đồng Nai: Ô nhiễm từ những bãi rác tự phát

TP - Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trên 2.100 tấn chất thải phát sinh. Trong đó, chất thải công nghiệp nguy hại chiếm hơn một nửa. Và chỉ có 25% lượng rác được xử lý hợp vệ sinh.
Bãi rác Trảng Dài - TP Biên Hòa gây ô nhiễm khu dân cư xung quanh
Bãi rác Trảng Dài - TP Biên Hòa gây ô nhiễm khu dân cư xung quanh.

Đường đi của rác

Theo thống kê của Sở Tài nguyên- Môi trường Đồng Nai, ngoài lượng rác thải được xử lý hợp vệ sinh thì 47% lượng rác được phân loại, tái chế tại các cơ sở mua bán phế liệu, còn lại rác được thu gom tập kết về 43 bãi rác tự phát ở các huyện, TP Biên Hoà để chôn lấp và đốt.

Tại những bãi rác tự phát này lại tiếp nhận thêm một lượng lớn rác thải được đổ trộm. Không được xử lý đúng quy định, nhiều khu vực dân cư đã bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Với lượng rác thải khổng lồ trên, nhưng đến nay tỉnh Đồng Nai mới chỉ có một nhà máy xử lý rác đúng nghĩa, đó là nhà máy xử lý rác của Cty CP Đồng Xanh với công nghệ xử lý rác hiện đại được nhập về từ Đan Mạch.

Qua quy trình xử lý khép kín, Cty này đã sản xuất ra sản phẩm phân hữu cơ, nước rỉ rác được tái sử dụng cho sản xuất và Cty này đang hướng đến sản xuất gạch blok từ nguồn rác thải. Tuy nhiên, hiện nay Đồng Xanh cũng chỉ mới xử lý được 200 tấn rác/ngày và công suất tối đa theo thiết kế của nhà máy này cũng chỉ đạt tới 400 tấn rác/ngày. Đây mới chỉ là con số quá nhỏ so với lượng rác khổng lồ trên 2.100 tấn/ngày.

Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Đồng Nai đã cho phép 23 hợp tác xã và 19 cá nhân được hợp đồng với các tổ chức để thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Còn rác công nghiệp không nguy hại thì giao cho 394 công ty, doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở mua bán phế liệu nhưng trong số này mới chỉ có 64 đơn vị có giấy phép kinh doanh, 17 đơn vị có làm thủ tục cam kết bảo vệ môi trường.

Thực tế thì rác công nghiệp được các doanh nghiệp phân loại và tái chế tại các cơ sở mua bán phế liệu, rác không sử dụng được thì được chôn lấp tại 43 bãi rác " lậu" tự phát tại các huyện nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì vậy, thời gian qua, Cảnh sát môi trường Đồng Nai đã phát hiện nhiều vụ đổ trộm và chôn lấp chất thải công nghiệp trái phép.

Bãi rác đua nở, người dân lãnh đủ

Ô nhiễm nhất hiện nay có thể kể đến bãi rác Trảng Dài, tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Bãi rác này hiện đã nằm cạnh khu dân cư phường Trảng Dài. Hàng ngày mùi hôi từ bãi rác này phát tán xa hàng cây số. Người dân đã phản ánh nhiều, nhưng tình hình ô nhiễm từ bãi rác này vẫn không thay đổi.

Bà Nguyễn Thị Lê, người dân khu phố 4 bức xúc: Mùi hôi của rác bốc ra cả ngày đêm, ruồi nhặng vào đầy nhà, mùa mưa năm trước, nước rỉ rác hoà chung với nước mưa tràn vào nhà không tài nào chịu nổi. Ở gần bãi rác, ông Lê Tư, cũng vô cùng bức xúc việc nước rỉ rác thấm vào mạch nước ngầm, tràn xuống giếng làm nguồn nước ô nhiễm nặng.

Ông Tư nói: "Năm 2007, tôi đào 1 cái giếng sâu 16 m nhưng bơm lên nước đen sì, có mùi hôi, không thể sử dụng được. Đến năm 2009, tôi khoan tiếp cái giếng sâu trên 30 m nhưng cũng phải chịu tình trạng tương tự. Con cháu tôi nhiều đứa sử dụng nước này tắm cũng bị ghẻ ngứa khắp mình".

Tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom người dân địa phương này đã chịu hết nỗi với bãi rác tự phát của ông Nguyễn Tư Hiệp lập từ năm 2006. Mặc dù bị đình chỉ hoạt động từ cuối năm 2008 nhưng hiện nay các loại rác thải công nghiệp vẫn được tập kết về đây và rác được xử lý bằng cách đốt, do vậy bãi rác này lửa luôn cháy âm ỉ, bốc khói suốt này lẫn đêm.

Bà Trần Thị Dần tổ trưởng tổ 1, ấp Sông Mây bức xúc cho biết: "Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân cư ngụ tại đây phải khổ sở, lo lắng phải hít khói bốc lên từ bãi rác khổng lồ trên. Chúng tôi đã nhiều lần phản ảnh tình trạng này lên các cơ quan chức năng nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm". Các hộ dân ở đây cho biết, xe chở rác vẫn chở rác vào đổ. Lượng rác cũ chưa cháy hết thì rác mới lại được bổ sung thêm.

Một cán bộ Sở Tài nguyên- Môi trường Đồng Nai nhìn nhận, hiện nay tỉnh Đồng Nai chưa có bãi rác xử lý rác đạt tiêu chuẩn. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 7 khu xử lý rác thải sinh hoạt và 3 khu xử lý rác liên huyện, liên đô thị. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án này diễn ra rất chậm do thiếu vốn. Chính vì vậy, phải chấp nhận các bãi rác tạm. Nếu mạnh tay đóng cửa hàng chục bãi rác này thì các địa phương không biết chứa rác ở đâu.