Đồng loạt tăng giá cước: Vẫn chưa có câu trả lời sáng tỏ

TP - Chiều qua (8/11), Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông thời gian qua, giải thích những lùm xùm quanh việc tăng cước 3G. Tuy nhiên việc ba nhà mạng đồng loạt tăng giá cước có phải là hành vi bắt tay nhau hay không vẫn chưa sáng tỏ.

> Nhà mạng tìm cách chặn dịch vụ gọi điện miễn phí
>Microsoft mua Skype với giá 'khủng'

Trước vấn đề được báo chí và khách hàng quan tâm số 1 việc ba nhà mạng chiếm hơn 97% thị phần đồng loạt tăng cước 3G ngày 16/10 có vi phạm Luật Cạnh tranh không? Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: Hôm nay chúng tôi nói về chủ trương điều chỉnh gói cước 3G còn việc doanh nghiệp có lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá cước của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để bắt tay nhau, lợi dụng vị trí thống lĩnh độc quyền gây hại cho người tiêu dùng hay không là một nội dung khác.

“Nội dung này Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông xem xét. Nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thắng nói.

Giá cước 3G còn biến động

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo giá thành của doanh nghiệp cho thấy năm 2013 giá thành dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đ/MB (chưa VAT) và 184,4đ/MB (gồm VAT) trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường hiện nay là 110 đ/MB (gồm VAT), bằng 60% giá thành.

Cũng theo ông Hải, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông giá cước phải được xác định trên cơ sở giá thành, các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng biện luận: Giá cước được ban hành trên ba cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường và mặt bằng giá cước khu vực, thế giới. Giai đoạn đầu, để thu hút thuê bao, nhà mạng bán dịch vụ thấp hơn giá thành. Bây giờ nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng lên nhưng nguồn cung không đáp ứng nên phải điều chỉnh để doanh nghiệp có nguồn thu, tái đầu tư mạng lưới.

Vì vậy, thời gian tới, theo lộ trình tất cả các dịch vụ, trong đó có 3G được điều chỉnh, đảm bảo bán giá cước bằng giá thành. Ông Thắng cũng cho rằng: việc tăng giảm giá thành là việc bình thường trong kinh doanh. Sau khi giá cước bằng giá thành thì xu hướng giá thành có thể sẽ giảm đi nhưng trước mắt vẫn phải điều chỉnh để giá cước bằng giá thành.

Gần 8 triệu thuê bao bị ảnh hưởng

Theo Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có trên 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước, trong đó có 18,94 triệu thuê bao dùng dịch vụ 3G (chiếm 20,77%). Đợt tăng cước 3G giữa tháng 10 vừa qua, 8,66% khách hàng trong tổng số 91 triệu thuê bao di động, ước khoảng 7,88 triệu thuê bao di động bị ảnh hưởng. Mức tăng trung bình ước tính 20%.

Giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ không tăng được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định. “Chúng tôi công khai chuyện này. Chất lượng dịch vụ 3G ở một số khu vực, tại một số thời điểm có giảm đi”.

Theo Thứ trưởng Thắng để đảm bảo chất lượng dịch vụ, bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp nâng cấp hạ tầng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về dịch vụ 3G, Bộ sẽ thành lập một hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ 3G, đảm bảo người tiêu dùng được hưởng dịch vụ tương xứng với giá tiền bỏ ra. Tuy nhiên lộ trình cụ thể chưa được tiết lộ.

Tăng cước để hỗ trợ vùng sâu vùng xa?

Nói về tác động của việc tăng cước 3G với 7,88 triệu khách hàng, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, viễn thông khác với các ngành khác. Doanh nghiệp viễn thông phải bằng doanh thu của mình đóng góp vào quỹ viễn thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa. Khách hàng sử dụng dịch vụ 3G là những người có thu nhập khá trong xã hội. Vì thế, phải điều tiết khách hàng có thu nhập bù đắp cho hàng triệu khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Báo giấy