Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất xảy ra vào lúc 15 giờ 8 phút 19 giây chiều nay (14/12) theo giờ Hà Nội.
Động đất xảy ra ở độ sâu 12km, tại tọa độ 20.861N-105.112E, trên khu vực huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, gây rung chấn nhẹ cho khu vực xung quanh. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc là nơi có hoạt động địa chấn nhiều nhất và thường xuyên nhất ở Việt Nam do khu vực này có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, kéo dài khoảng 200km, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Khu vực Tây Bắc từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6.9 tại lòng chảo Điện Biên. Năm 1983, xảy ra trận động đất 6.7 độ tại thị trấn Tuần Giáo. Năm 2001, xảy ra trận động đất 5.3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ. Mới nhất, ngày 27/2/2020, một trận động đất mạnh 5.3 độ xảy ra tại Mộc Châu (Sơn La) gây rung chấn đến Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nơi đây cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng.
Cũng trong sáng nay, tại “điểm nóng” Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ba trận động đất liên tiếp đã xảy ra với cường độ nhẹ, từ 2.6-2.8. Như vậy, chỉ trong 3 ngày qua, khu vực này ghi nhận 8 trận động đất.
Gần hai năm trở lại đây, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là điểm nóng về động đất với hàng trăm trận, trong đó trận động đất lớn nhất mạnh 4.7 độ, gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn. Số lượng các trận động đất ở Kon Tum trong gần hai năm qua gấp hơn 6 lần động đất xảy ra ở khu vực này trong hơn một thế kỷ.
Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, động đất ở Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước, tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.