> Thêm cớ gẫm tiếp Kim Lân
> Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và Dòng chảy V "Những con chữ"
Câu nói đó đã gợi cho NSND Đào Trọng Khánh viết kịch bản phim tài liệu nghệ thuật Dòng chảy không có tận cùng, đồng đạo diễn Vũ Minh Bảo, Nguyễn Lê Văn, Đài Truyền hình VN sản xuất. phim dựa trên hồi ký và những ghi chép của hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền, tư liệu của Kim Lân và bạn bè, đoạt Cánh diều Vàng Đạo diễn xuất sắc nhất, Cánh diều Bạc cho phim.
“Tôi nghe từ dưới đáy sâu thẳm của tiềm thức, có tiếng thì thầm: con đã tìm thấy dòng chảy của đời mình rồi đấy”.
Dòng chảy nghệ thuật và dòng chảy cuộc đời ấy được bắt đầu bằng hình ảnh quả đồi cháy ở Nhã Nam, giữa cái xóm của gia đình văn nghệ sĩ thời kháng Pháp 9 năm. Nguyễn Thị Hiền tự sự: “Tôi nhớ những buổi chiều, mẹ dẫn chúng tôi đi chơi, quanh quả đồi cháy. Sau này tôi nghĩ cuộc đời mẹ cũng cô đơn vắng vẻ như quả đồi ấy, nhưng tâm hồn bà còn chứa đựng cả một cánh đồng. Tôi không quên, tiếng thầy gọi tôi: Hiền ơi! Thầy đây!”.
“Dòng chảy” lại đưa Hiền và các em ở Nhã Nam theo bố mẹ về Hà Nội. “Lần đầu tiên tôi thấy cảnh các cô nữ sinh đạp xe quanh Bờ Hồ, cảnh tượng mà tôi không bao giờ trông thấy ở Nhã Nam. Tôi nhìn cành cây khô trên mặt nước hồ và nghĩ, dù gia đình tôi ở kháng chiến về còn nghèo khổ, nhưng dòng chảy của cuộc đời tôi đã khác rồi. Thầy mẹ cho tôi đi học vẽ, niềm say mê kỳ lạ của tôi từ bé. Tôi nghe từ dưới đáy sâu thẳm của tiềm thức, có tiếng thì thầm: con đã tìm thấy dòng chảy của đời mình rồi đấy”.
Hình ảnh phim đơn sơ giản dị, từ cảnh những năm tháng chiến tranh trên nóc nhà cao, dân quân bắn máy bay, phía dưới nhìn xuống Hồ Gươm, dàn nhạc giao hưởng, và những họa sỹ đang vẽ những bức tranh, bánh xe lửa qua cầu, những cồn cát miền Trung.
Tất cả nằm trong dòng chảy cuộc đời và hội hoạ đưa Nguyễn Thị Hiền từ cô bé ở Nhã Nam tới một hoạ sỹ thành danh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn.
Ở tuổi 70, Nguyễn Thị Hiền vẫn “chảy”, dòng chảy có lúc hiền hòa có lúc mãnh liệt nhưng không lúc nào dừng lại. Chắc hẳn chị thấm thía câu nói của cha chị- Kim Lân: “Hiền, nghệ thuật không phải chỉ đến đây là tận cùng mà đến chỗ tận cùng, còn nhiều chỗ tận cùng khác”.