Đòn roi chỉ gieo hận thù

Không ít thầy cô cho rằng trong giáo dục cần dùng đến đòn roi với học trò vì tình thương. Thế nhưng, việc dùng bạo lực không bao giờ đồng nghĩa với lòng yêu thương bởi nó gây ra sự đau đớn với những hậu họa khủng khiếp.
Hình ảnh cô học trò lớp 1 ở Lao Cai bị giáo viên đánh vì viết sai chính tả gây nhức nhối về "đạo làm thầy".

Nghề giáo trước đây còn được gọi là nghề “gõ đầu trẻ”. Các cụ đồ nho, những ông giáo làng khi dạy học vẫn lăm lăm chiếc thước trong tay để gõ, đánh học sinh. Ngày nay, dư luận phản ứng mạnh trước việc nhà giáo dùng đòn roi, nhiều thầy cô trăn trở thiếu cái roi mình khó có thể hết lòng dạy dỗ các em.

Không ít giáo viên (GV) cho rằng việc dùng đòn roi trong nhiều trường hợp là cần thiết khi các biện pháp khác đã không có tác dụng. Khi việc dùng roi bị lên án, nhiều GV thấy mình như bị tước đi quyền làm thầy. Rồi khi có GV nào đó lên tiếng xin lỗi vì đánh học trò lại vang lên không ít tiếng thở dài "thế này thì hỏng".

Đánh học sinh được một lần sẽ có lần thứ hai. Đánh em này vì lý do này thì có thể lại đánh em khác vì lý do khác. Và sẽ có vô vàn lý do để người thầy thanh minh cho việc cần phải đánh với lý lẽ “thương cho roi cho vọt”.

Ngay cả một kẻ sát nhân, khi đứng trước tòa cũng có lý lẽ cho hành vi của mình.

Nói về việc dạy trẻ bằng đòn roi, chị Thu Hà, tác giả của cuốn sách giáo dục “Con nghĩ đi, mẹ không biết” thốt lên rằng: “Ngàn lần nên nhốt câu “Vì thương nên mới đánh” vào tù”.

Bởi vì, theo người mẹ này, đánh mắng không bao giờ đồng nghĩa với yêu thương. Có chăng chỉ là vì sự kỳ vọng quá lớn và lòng khoan dung quá bé mà thôi. Hoặc là vì tuyệt vọng, vì bất lực chứ không có bất kì tình yêu nào tồn tại trong khoảnh khắc đó.

Đòn roi để lại hậu quả khủng khiếp về lâu dài nhưng lại có thể giải quyết ngay vấn đề trước mắt, đứa trẻ có thể trẻ có thể vì sợ hãi sẽ dừng ngay hành vi lúc đó. Trong khi, các biện pháp khác theo ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) đòi hỏi sự kiên trì, nhiều thời gian và hiệu quả chưa thấy được ngay.

Không thể phủ nhận thầy cô ngày nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ các em. Đành rằng, chúng ta cần thông cảm, sẻ chia với nhà giáo về những áp lực mà họ phải đối diện hàng ngày; thông cảm cho những phút nóng giận không kiềm chế được rất chi là con người… Nhưng việc nhà giáo xem đòn roi như một phương thức giáo dục cần thiết để học trò nên người thì trăm lần, ngàn lần không thể chấp nhận được.

Giáo dục chỉ đồng nghĩa với sự yêu thương, không bao giờ đến từ đòn roi (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Dùng đòn roi trong bất kỳ trường hợp nào, đối với bất kỳ ai đều là sự bất lực, bất lực một cách nhẫn tâm.

Một khi tin vào đòn roi như một phương pháp giáo dục thì người ta sẽ khước từ tìm đến các phương pháp giáo dục tích cực hơn. Thế nên, hiện nay nhiều người thầy đặt mình ở hai thái cực hết sức tệ hại và vô trách nhiệm là không đánh đòn không dạy dỗ được thì đành… "mặc kệ nó".

Không được đánh thì buông xuôi mặc kệ là thái độ không có trách nhiệm dạy dỗ và giáo dục. Nếu vậy sẽ không cần đến trường học, sẽ không tồn tại nghề giáo với trách nhiệm nặng nề nhưng cũng cao cả.

Vẫn có những người lập luận nhờ đòn roi mà mình trưởng thành. Được dạy dỗ bằng bạo lực nên trong tiềm thức của họ xem đòn roi là việc bình thường cần thiết. Bởi đôi khi GV cũng là nạn nhân của việc bị giáo dục bằng đòn roi.

Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực. Bạo lực chỉ sinh ra sự uất hận và lòng hận thù. Người thầy mang trách nhiệm dạy dỗ đánh mắng để giải quyết vấn đề. Các em học sinh “thụ hưởng” những lời lẽ xúc phạm, những cái tát, những vết lằn bởi roi vọt sẽ dùng gì để giải quyết vấn đề của mình? Dùng gì để đáp trả vào cuộc đời?

Theo Theo Dân trí