Đòn của ông Trump gây hiệu ứng ngược ở Iran

TP - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lưng với thỏa thuận hạt nhân Iran đã gây ra hiệu ứng bất ngờ. Nhiều người Iran đang cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ đã giúp các lực lượng Iran bị chia rẽ xích lại gần nhau và cùng chia sẻ cảm giác giận dữ với Mỹ.

Lực lượng vệ binh cách mạng Iran diễu binh. Ảnh: AP.

Những đấu đá luẩn quẩn biến thành bạo lực và giận dữ từ khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani ký thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với phương Tây. Những người có tư tưởng ôn hòa ủng hộ ông Rouhani kêu gọi cần có thêm tự do chính trị, trong khi những người theo đường lối cứng rắn và các giáo sĩ chỉ trích điều mà họ cho là quan điểm quốc tế yếu đuối của Iran.

Nhưng những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Iran đều khiến người Iran với nhiều quan điểm chính trị khác nhau cùng nổi giận và xích lại gần nhau về quan điểm. Những người bảo thủ nói: “Tôi đã nói mà”, còn những người ôn hòa bày tỏ thất vọng trước những phát biểu của ông Trump.

Cuối tuần qua, sau nhiều tuần rào đón, Tổng thống Mỹ thông báo sẽ không xác nhận Iran thực hiện đúng Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran - thỏa thuận đã giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran kể từ năm 2013. Ông Trump gọi Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là “lực lượng khủng bố suy đồi”. Và có lẽ điều gây tranh cãi nhất là việc ông Trump gọi vùng biển ngăn cách Iran với các đối thủ Ảrập là “Vịnh Ảrập” chứ không phải “Vịnh Ba Tư”.

Trong một căn phòng tối đầy báo và tài liệu tôn giáo, một cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cười rạng rỡ. “Ngược với điều người ta nghĩ, tôi không cho là ông Trump chống lại Iran”, ông Hossein Shariatmadari nói với phóng viên CNN trong văn phòng của ông tại trụ sở của Kayhan, tờ báo đặc biệt bảo thủ của Iran.

“Thực tế là ông Trump đã làm điều tuyệt vời cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tốn nhiều thứ để thuyết phục mọi người rằng chia rẽ nội bộ sẽ chỉ có lợi cho Mỹ. Nhưng ông Trump đã giúp chúng tôi làm điều đó. Kết quả là chúng tôi có được sự gắn kết và đoàn kết với nhau”, ông Shariatmadari nói. Người đàn ông này tự gọi mình là “đại diện của lãnh đạo tối cao”.

Ông Shariatmadari nói rằng, những phát biểu của Tổng thống Trump cho thấy “bộ mặt thật” của Mỹ, và giải thích rằng khả năng bị trừng phạt trở lại sẽ giúp Iran quay lại thời kỳ “kinh tế kháng chiến”, tức một hệ thống kinh tế tự lực mà các lãnh đạo nước này muốn thúc đẩy từ lâu. “Vấn đề chính của ông Trump với chúng tôi là tầm ảnh hưởng của chúng tôi ở khu vực chứ không phải chương trình hạt nhân của chúng tôi”, ông Shariatmadari nói.

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên là phát biểu của những người bảo thủ nổi tiếng ở Iran lại đang được nhắc lại bởi chính những tiếng nói ôn hòa nhất trong chính phủ. Thứ 7 tuần qua, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, một trong những kiến trúc sư của thỏa thuận hạt nhân và là người chỉ trích Lực lượng vệ binh cách mạng với quan điểm diều hâu, viết trên Twitter: “Hôm nay, người dân Iran – những cậu bé, cô bé, đàn ông, phụ nữ - đều là IRGC, đứng vững bên những người bảo vệ chúng ta và khu vực chống lại sự hiếu chiến và khủng bố”.

Trong phát biểu của mình, ông Trump không gọi IRGC là một tổ chức khủng bố dù trước đây ông dọa như vậy. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ thông báo kế hoạch triển khai “các biện pháp trừng phạt cứng rắn” đối với đội quân ưu tú của lực lượng vũ trang Iran, gọi đó là “lực lượng khủng bố cá nhân và dân quân suy đồi” của nhà lãnh đạo tối cao Iran. “IRGC đã đánh cắp phần lớn của nền kinh tế Iran và chiếm các nguồn lực tôn giáo lớn để tài trợ cho chiến tranh và khủng bố ở nước ngoài”, ông Trump nói cuối tuần qua.

Ông Rouhani, dù từng công khai chỉ trích những người bảo thủ trong lúc ông đang vận động tái tranh cử, nay cũng lên tiếng bảo vệ IRGC sau phát biểu của Tổng thống Mỹ. “Nhà nước Iran chưa và sẽ không bao giờ cúi đầu trước bấp kỳ sức ép nào từ nước ngoài”, ông Rouhani nói. Ông khẳng định IRGC sẽ “tiếp tục cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố khu vực”.

Chọn tên gọi gây tranh cãi

Cuộc đối đầu giữa Iran và chính quyền của ông Trump nóng lên khi sức mạnh và ảnh hưởng chính trị của Tehran đang lên đến đỉnh điểm: giành được ảnh hưởng rộng lớn ở Iraq và Syria, trong khi củng cố quan hệ mạnh mẽ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Iran cũng đã thu phục được quốc gia giàu tài nguyên khí đốt là Qatar trong khi quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh này bất hòa với các nước láng giềng Ảrập.

Nhiều người Iran ôn hòa nói họ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và cơ hội để Iran tiếp cận các thị trường quốc tế, nhưng họ nói rằng những điều này không được ảnh hưởng đến chủ quyền cũng như niềm tự hào quốc gia chưa từng có hiện nay của Iran. “Tôi đã 81 tuổi và tôi biết Mỹ luôn cố đàn áp chúng tôi. Chúng tôi đã bị đe dọa suốt 40 năm qua. Đất nước này đứng vững như một ngọn núi”, CNN dẫn lời cụ Hadaytollah Rabiyee.

Với nhiều người ở đây, lỗi lầm chính trị lớn nhất của ông Trump là cách gọi vùng biển giữa Iran và các quốc gia Ảrập láng giềng. Hai phe gọi vùng biển này theo tên của mình, Vịnh Ba Tư hoặc Vịnh Ảrập, tùy thuộc từng phe. Trong bài phát biểu của mình, ông Trump gọi tên “Vịnh Ảrập”, một cách thể hiện rõ ràng rằng Mỹ đã chọn một phe trong tranh chấp tên gọi kéo dài mà Mỹ từ lâu vẫn tránh.

“Với việc dùng thuật ngữ sai là ‘Vịnh Ảrập’, ông Trump khiến chúng tôi đoàn kết hơn”, CNN dẫn lời luật sư Momed Sadek Saiki.

Theo Theo CNN, BBC