Đờn ca tài tử rồi cũng phai nhạt, nếu…

TP - PGS.TS Vũ Nhật Thăng vừa tham gia xây dựng hồ sơ di sản Đờn ca tài tử trình UNESCO. Ông là chuyên gia hàng đầu về âm nhạc cổ điển phương Tây, nghiên cứu sâu các loại hình âm nhạc đặc thù của Việt Nam, trong đó có ca trù. Cuộc trò chuyện với ông xoay quanh hai di sản quốc gia này.
PGS.TS Vũ Nhật Thăng .

Khi được hỏi vì sao giới trẻ không thích kịch Noh cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác mà rồi chúng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, người Nhật trả lời: “Về già, người ta mới thích”, ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Tôi có lần xem kịch Noh ở Việt Nam. Chính người Nhật nói: “Hát Noh đến chúng tôi cũng không hiểu, chúng tôi cứ làm lại như cũ”. Có lẽ đất nước người ta coi trọng truyền thống đã đành, họ còn có tiền, mới có thể bảo tồn kỹ lưỡng như vậy. Họ cứ làm đúng như cũ, người dân có thể không cần biết tại sao lại diễn như thế.

Tôi tâm đắc lối suy nghĩ này. Nghệ thuật dân tộc người trẻ không thích lắm đâu. Nhưng rồi ai chả già. Đến lúc ấy, nghĩ về dân tộc mình, nghệ thuật cổ truyền của mình, mới biết bản sắc của mình rất đáng quý. Đến lúc nào đấy, trải qua hết các thứ nghệ thuật tân kỳ thì lại thấy cần phải dành cho truyền thống một góc riêng. Chứ tôi không dám nói nghệ thuật cổ ấy hay. Nghệ thuật là sự thay đổi, sự đa dạng, rất khó nói cái này hay hơn cái kia.

Ông nhận xét gì về ca trù hiện nay?

Ca trù chỉ rộ lên từng đợt- đợt làm hồ sơ, rồi đợt hồ sơ được công nhận. Tôi rất hy vọng dần dần kinh tế khá lên người ta sẽ quan tâm thưởng thức thường xuyên hơn. Có người nói nên đưa ca trù vào nhà trường, tôi không dám có ý kiến như thế.

"Tài tử - cải lương là nghệ thuật cổ truyền cuối cùng của chúng ta, sinh muộn nhất. Tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống từ đấy trở về trước, đều phải bảo tồn. Vì ngay cả đờn ca tài tử rồi cũng phai nhạt dần. Máy móc vào nông thôn rồi, tất cả cứ cuốn hết lên. Không có thời gian nông nhàn nữa thì làm sao chơi đờn ca tài tử với nhau được!"

Vì nhà trường có nhiều cái phải học. Nhưng đúng là phải nghiên cứu rõ luật lệ của nó, xây dựng những chương trình biểu diễn mang tính mẫu mực. Tuy vậy toàn quốc biểu diễn giống nhau thì lại không ra cái gì nữa. Chỉ cần những đơn vị mẫu mực, còn thì có thể biểu diễn khác đi.

Có người nói về cải biên ca trù. Tôi là người không thích nghe nhạc cải biên, nhưng tôi không phủ nhận. Có thể cải biên theo nhiều kiểu nhưng Việt Nam và châu Á nói chung bị ảnh hưởng lớn của nhạc châu Âu. Tôi dạy nhạc phương Tây mấy chục năm, anh ảnh hưởng tôi biết ngay.

Nhưng ngay cả như thế cũng không sao, với điều kiện những người làm nói thẳng: Cái đó là cải biên - dưới ảnh hưởng của nhạc châu Âu. Còn cải biên thành một loại ca trù mới với hy vọng nó có thể tiếp nối truyền thống, hơi khó trong khi người hát ca trù còn chưa sống được bằng nghề.

Đờn ca tài tử đang sống tương đối mạnh và hiện đã được trình lên UNESCO chờ công nhận. Nên ứng xử thế nào để bảo vệ di sản này?

Nhạc tài tử mà sau này thành ra cải lương mới có trên dưới trăm năm tuổi, thì ăn thua gì với ca trù hơn nghìn năm. Hiện đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ, nhưng nó không phải cứ mãi như thế đâu. Cải lương cũng có thể sống được nhưng khó hơn. Vì nó phải diễn, phải sống bằng nghề, còn tài tử thì không. Tức là người ta bận nhiều việc, nhưng vẫn có thể cắt thời giờ ra để đờn ca tài tử cho vui.

Đờn ca tài tử trên sông nước Ảnh: Hoàng Sơn.

Rất buồn cười chuyện ngóc ngách trong chuyên môn. Ông tài tử diễn thì làm sao bằng ông cải lương diễn tài tử, vì ông ấy nhà nghề. Nhưng những người chơi kiểu nghiệp dư lại không ưa những người chuyên nghiệp…

Xã hội thay đổi, dân ca bị ảnh hưởng mới ghê. Tôi vừa phát hiện ra cái hò miền Trung mất mới tiếc. Vào khoảng những năm sau cách mạng vẫn còn nhiều lắm. Hoặc ca kịch Huế từng được đưa lên ngang hàng với cải lương vào những năm 1910, rồi cũng không phát triển được. Cũng do bản thân nghệ thuật ấy. Không sống được rộng rãi trong dân thì đành chịu.

Theo Báo giấy