Dominique Hardy với 'Hành trình song song'

Đã nhiều năm đeo đẳng với đề tài văn hóa Việt, nhưng năm 2007 vừa qua mới thật là một năm bận rộn nhất với Dominique Hardy.

Dominique Hardy và gốc đa thời thơ ấu

Tại Berstett, một trường học ở La Cie Mediane phía đông nước Pháp, chị đã tổ chức một cuộc trưng bày khá kỳ lạ làm nhiều người phải lưu ý: cuộc trưng bày về những biểu hiện của thế giới tâm linh trong văn hóa Việt.

Người đến dự là những học sinh Pháp và cả những thầy cô giáo, những bậc phụ huynh, là những người Pháp chưa có cơ hội đến Việt Nam, họ đã ngạc nhiên, tò mò và xúc động nghe Dominique nói về những cảm nhận của mình về đất nước này.

Dominique Hardy là biên kịch của Nhà hát trẻ Strasbourg, đồng thời cũng là giám đốc nghệ thuật của Hội Văn hóa Pháp Á (Archipel Indigo). Việt Nam đối với chị không hề xa lạ, bởi bà nội chị là người Việt, thuở nhỏ chị đã từng sống với nội ở Huế.

Mỗi lần chạy chơi đến đầu ngõ, bà nội lại dặn dò: đừng đùa nghịch ở gốc cây đa, cây đa thiêng lắm, phạm tới sẽ bị quở...

Theo cha về Pháp năm lên 8, lớn lên chị đã là người Pháp 100% với văn hóa Pháp, với vóc người cao, với đôi mắt màu hạt dẻ. Nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận ra ngay tố chất Việt Nam nơi tiếng nói và cử chỉ dịu dàng của chị.

Trong tim chị, Việt Nam luôn gợi lên những nỗi hoài nhớ bất tận. Nỗi hoài nhớ đó đã khiến Dominique nhiều lần quay lại Việt Nam để làm nhiều chương trình về văn hóa Việt: sau vở kịch Cả một thế giới (2000) là Kiều (2002) và năm nay là Hành trình song song - một chương trình nhằm sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu những chuyện kể và tập tục trong đời sống tâm linh Việt Nam.

Hành trình song song là cuộc đi song đôi giữa Dominique với một người bạn gái Việt Nam; họ đi đến những đình làng miền quê, những nhà sàn góc núi, những đền chùa và am miễu ẩn mình sau phố phường náo nhiệt...

Dominique để người bạn gái Việt Nam dẫn mình tìm lại những mảnh vỡ của nguồn cội xa xưa: những chuyện kể, những điều kiêng cữ, những niềm tin đã ăn sâu trong tâm thức người Việt...

Đó cũng là hành trình song song của hai tố chất Pháp - Việt trong một cuộc trở về. Và cũng có thể hiểu là hành trình song song của hai thế giới, thế giới có thể nhìn thấy bằng mắt và thế giới chỉ thị hiện trước con mắt sâu thẳm của tâm hồn.

Một góc phòng trưng bày tại Berstett

Tại cuộc trưng bày ở Berstett, người đến xem có thể uống một cốc chè xanh Việt Nam trong lúc ngồi đọc một câu chuyện cổ; họ cũng có thể nghe một bài hát chầu văn hay xem những vật dùng trong nghi lễ dân gian; hoặc nằm nghỉ một lát trong chiếc màn tuyn đem từ Việt Nam sang, xem một đoạn phim về lễ bỏ mả của dân tộc Tà Ôi trên vùng núi miền Trung; hoặc được mời thử làm như một người Việt, thắp một cây nhang lên bàn thờ tổ tiên và thì thầm một lời khấn nguyện.

Sau cuộc trưng bày ở Berstett, cuối năm nay Dominique lại phấn khởi tiếp tục tổ chức một trưng bày khác trong hai ngày 8 và 9-12 tại Bruxelles (Bỉ), lần này với qui mô lớn hơn với địa điểm là Nhà hát Montagne Magique.

Dominique chưa dừng ở đó, chị vẫn còn say sưa với nhiều dự tính về đề tài này trong năm 2008.

Với Dominique, cuộc tìm kiếm này không hề xuất phát từ sự tò mò của một khách du lịch. Chị đi từ tình yêu và nỗi nhớ muốn tìm về nguồn cội. Chị cho biết trong những lần trưng bày tới sẽ bổ sung một phần tâm đắc của chị về việc tái hiện hình ảnh cây đa trong những làng Việt, phố Việt, bởi trong tâm thức Việt thì cây đa là hình ảnh của quê nhà.

Cây đa trên sân khấu của Dominique không chỉ là một cái cây được tạo dựng như một phông cảnh, nó sẽ là một nhân vật có sự sống, là hình ảnh sống động của cội rễ, là chỗ neo đậu của tâm hồn trong những hành trình muôn nẻo của con người hiện đại.

Theo Trần Thuỳ Mai
Tuổi trẻ