Đói và khát ở rốn lũ

TP - Vượt trên nước lũ đục ngầu, người dân vùng rốn lũ Cồn Nâm Quảng Bình không quản nguy hiểm tính mạng, cứu giúp nhau bằng cả tấm lòng nồng hậu. Thế nhưng, khó khăn còn đó, họ đang đói, đang khát…
Đây là những gói mì tôm đầu tiên đến với người dân Cồn Nâm (Quảng Bình) sau bốn ngày bị nước lũ cô lập

>> 67 người chết và bị thương vì lũ
>> Căng sức cứu lụt

Vợ chồng chị Dùng trên nền nhà còn sót lại . Ảnh: H.N

Sau nhiều ngày trông chờ sự hỗ trợ phương tiện từ huyện Quảng Trạch không được, sáng qua (7-10) PV Tiền Phong tự mình lặn lội về vùng rốn lũ của Quảng Bình.

Nước mắt

Thôn Cồn Nâm, một trong 4 thôn vùng cồn bãi xã Quảng Minh, sau lũ nhìn từ trên thuyền xơ xác, tiêu điều. Mấy người ở gần bờ sông thấy thuyền cập bến chạy ùa ra, nhưng khi biết không phải đoàn cứu trợ, họ thất vọng. Mọi người cho biết, PV Tiền Phong là người ngoài đầu tiên bước chân lên vùng cồn bãi này.

Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Dùng nằm sát bến đò bị nước lũ cuốn trôi, trơ lại móng nhà. “Nhà tui nằm sát bờ sông thấy nước lên quá nhanh, vợ chồng khóa cửa, dắt con vào làng trú nhờ. Khoảng 13 giờ chiều, nghe nước réo rầm rầm, nhìn ra thấy ngôi nhà lắc lư rồi đổ sập. Rứa là trắng tay”, chị than.

Chị Nguyễn Thị Khiên men theo đường làng còn ngập nước, nói: “Nhà tui có 3 con bò thì cả 3 con đều bị lũ cuốn trôi. Gạo cơm, đồ đạc chi trong nhà cũng trôi hết. Chồng thì bị mắc lũ trong rừng không biết chết sống ra sao, 3 đứa con nhỏ nhịn đói đã 4 ngày ni không có chi ăn”. Không chỉ nhà chị Khiên mà ở Cồn Nâm hầu hết trâu, bò đều bị lũ cuốn trôi.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Trưởng thôn Cồn Nâm, quần xắn tới bẹn, thông báo: “Sáng nay đi một vòng đến các thôn khác tìm trâu bò của dân bị trôi mà không được con nào. Rứa là hết, dân tui chết đói mất thôi”.

Anh Sơn cho biết, nước bắt đầu vào làng tối ngày 3, đến sáng ngày 4-10 nước ngập trắng xóa cả làng. Đến buổi chiều cùng ngày, gần nửa làng ngập đến nóc. Làng có 118 con trâu, bò thì nay chỉ còn 45 con, trong đó nhiều con sắp chết vì ngập nước quá lâu. Hầu hết lợn, gà, lúa, gạo và của cải trong nhà bị ngập hoặc bị trôi hết.

“Làng tui có 92 hộ, hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là làm nông nghiệp mà chỉ duy nhất được một vụ đông xuân vì không có nước ngọt. Nay lại gặp cảnh trâu bò chết gần hết, không biết lấy chi mà cày cấy” - anh Sơn nói.

Đây là những gói mì tôm đầu tiên đến với người dân Cồn Nâm (Quảng Bình) sau bốn ngày bị nước lũ cô lập. Ảnh: Hoàng Nam

Tình người

Trưởng thôn Cồn Nâm được người dân ở đây coi như một vị anh hùng trong lũ. Là thôn làm nông nghiệp, thuyền bè không có, nước dâng cao, anh Sơn đánh trần, không một mảnh áo phao, cứ thế trầm mình trong dòng nước dữ đục ngầu mỗi khi có tiếng ai đó kêu cứu.

Ở tuổi 37, có sức khỏe và giỏi bơi lội, anh Sơn đã hàng chục lần lao xuống nước, băng qua dòng nước lũ để đến những hộ neo đơn, già cả để giúp họ đến nơi an toàn. Sau lũ, người anh chi chít vết thương, rớm máu.

Bà Nguyễn Thị Hữu (75 tuổi) - người được anh Sơn cứu kể: “Nước lên nhanh quá, vợ chồng đều ở già cả, không mang theo được gì. Vợ chồng già ngồi trên gác mái co ro vì rét. Đến ngày thứ 2, đói quá, lấy gạo sống ra nhai, rứa là bị đi ngoài (tiêu chảy). Tui còn đỡ, chứ ông ấy vừa đói, vừa mệt lả người. Đang tính chuyện chết thì nghe phía ngoài có tiếng người gọi. Dỡ ngói chui ra nhìn thì thấy anh Sơn, trên người chỉ độc cái quần đùi, đang bám vào mái ngói gọi với vào. Sau khi biết tình hình, anh ấy quay về mang theo thuốc uống và một túi cơm. May có anh Sơn không là vợ chồng tui chết”.

Trong lũ dữ, thầy giáo Nguyễn Khắc Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Minh B, sau khi cứu được gần chục người suýt bị nước lũ cuốn trôi. Trưa 4-10, những thầy cô nội trú ở trường gọi điện cầu cứu và cho biết có 4 công nhân về thi công nhà lớp học 2 tầng đang bị mắc kẹt trong tầng 1 không thể ra ngoài. Nhà cách trường gần 1km, nước lũ thì réo rầm rầm nhưng không thể ngồi yên, thầy Tiến và con trai (thủy thủ tàu viễn dương về nghỉ phép) gọi người chạy đò ngang đưa mình xuống trường.

Sau khi đưa được hai gia đình giáo viên nội trú đến nơi an toàn, thầy Tiến và người con trai ra khu vực đang thi công. Nước ngập gần hết sàn tầng 1, 4 công nhân chỉ còn biết bám tay vào các cửa thông gió để tránh bị trôi, gần như cả 4 người đã kiệt sức. Con trai của thầy Tiến nhảy xuống nước, lặn qua cửa chính vào trong và lần lượt đưa từng người ra ngoài.

“Xong việc, trên đường quay trở về không biết răng thuyền chết máy. Chiếc thuyền thì to, gặp nước chảy xiết, rứa là hắn cứ trôi tuột nhanh như ngựa phi. Mọi người dùng ván bơi ngược trở vào nhưng không được. Chỉ chừng 20 phút, bọn tui đã trôi gần đến cầu Gianh. Trong lúc đang nghĩ đến cái chết, thì may mắn có một chiếc thuyền trong bờ thấy thế chạy ra cứu”- thầy Tiến kể lại.

Thừa thịt, thiếu cơm

Hàng chục con trâu, bò bị chết trôi dạt vào các bụi cây được mổ thịt đã giúp người dân Cồn Nâm cầm hơi sau lũ. Nhưng nay không ai có thể nuốt nổi vì không có muối và gạo để nấu cơm ăn kèm. Bao gạo của nhà trưởng thôn Sơn đã hết nhẵn. Nhiều người dân bắt đầu có dấu hiệu tiêu chảy và phù thủng. Đến 10 giờ trưa, vẫn không thấy đại diện chính quyền tới.

PV Tiền Phong gọi điện cho ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch huyện Quảng Trạch đề nghị cứu trợ. Ông Ngọc tỏ ra ngạc nhiên nói rằng, hàng cứu trợ đã về đến xã Quảng Minh từ chiều hôm trước. Tuy nhiên, trước cam kết về trách nhiệm thông tin của PV, ông Ngọc đã cho 1 chuyến xe chở 300 gói mì tôm về bến đò Quảng Minh để chuyển về Cồn Nâm. Đến 11 giờ trưa, những thùng mì tôm đầu tiên về đến Cồn Nâm.

Ông Hoàng Công Sự - một người dân vùng cồn bãi xã Quảng Minh khẩn thiết: “Bây giờ chúng tôi chỉ mong muốn có mì tôm và nước uống thôi, nếu không có thì bà con ở đây chết đói và chết khát mất”.