Đội tuyển Costa Rica - Một mình giữa bầy sói

Từng 3 lần góp mặt ở vòng chung kết World Cup, thế nhưng tại Brazil lần này, hành trình phiêu lưu của đội bóng tí hon Costa Rica hứa hẹn nhiều hiểm nguy hơn gấp bội khi đối mặt cùng 3 nhà cựu vô địch ở bảng đấu được mệnh danh “bảng tử thần”.
Jonathan McDonald (trái, Costa Rica) trong trận đấu với Australia.

Ngay từ lần đầu tiên góp mặt năm 1990, Costa Rica đã chứng tỏ họ tham dự những ngày hội lớn của bóng đá thế giới không chỉ vì niềm vui.

Tại Italia 90, đội bóng Trung Mỹ đã có được 2 chiến thắng quan trọng trước Scotland và Thụy Điển để giành vé vào giai đoạn 2 trước khi dừng chân sau trận thua 1-4 trước Tiệp Khắc. 

Thời hoàng kim còn đến với đội bóng này khi họ vươn lên vị trí 17 thế giới trên bảng xếp hạng của FIFA năm 2003. 

Thậm chí, việc 3 cựu vô địch thế giới Uruguay, Italia, Anh cùng tranh đoạt 2 vé đi tiếp còn biến bảng D trở thành bảng tử thần về mức độ khốc liệt, qua đó, đẩy Costa Rica vào tình cảnh của “đội lót đường”.

Đối mặt với muôn vàn khó khăn như thế, thầy trò HLV Jose Luis Pinto sớm xác định “không có gì để mất” và động viên nhau thi đấu với tâm lý thoải mái nhất. Ở một sân chơi đẳng cấp như World Cup, việc được cọ xát với 3 nhà cựu vô địch là điều không mấy khi xảy ra và là dịp tốt nhất để Costa Rica tích lũy kinh nghiệm cho tương lai. 

Cũng không loại trừ khả năng họ tự biến mình thành một “chú ngựa ô”, sẵn sàng gây khó cho 3 đội bóng lớn kể trên đồng thời góp tiếng nói quyết định đến 2 suất vé đi tiếp nhờ vào thái độ thi đấu qua từng trận.

Đừng quên tại vòng loại khu vực CONCACAF, Costa Rica đã thi đấu ngang ngửa với Mỹ, chơi lấn lướt Mexico và Honduras, đẩy đội bóng giàu truyền thống nhất khu vực này là Mexico phải đi tranh suất vé vớt để có thể góp mặt tại Brazil 2014 lần này.

Trong một đội ngũ không nhiều cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, Bryan Ruiz, cựu cầu thủ của Fulham, được kỳ vọng sẽ trở thành đầu tàu tại World Cup. Ruiz là tác giả của khoảng 100 bàn thắng sau 8 năm thi đấu ở châu Âu (Gent, Twente, Fulham, PSV) và một danh hiệu vô địch Hà Lan năm 2010 (Twente).

Nếu như Ruiz sẽ là linh hồn của đội tuyển thì tiền đạo 21 tuổi Joel Campbell đang mang lại niềm hy vọng lớn lao cho Costa Rica bên cạnh sự chắc chắn của thủ môn Keylor Navas.

Lối chơi của Costa Rica dựa vào hàng phòng ngự 3 người hết sức chắc chắn trong suốt chiến dịch vòng loại, chỉ để lọt lưới 12 bàn qua 16 trận đấu của 2 vòng loại sau cùng, hiệu quả nhất khu vực CONCACAF.

Một kỷ lục cũng được Costa Rica thiết lập với 476 phút giữ sạch mành lưới ở vòng loại cuối trước khi bị Clint Dempsey xô ngã bằng một quả phạt đền (sút bật người thủ môn vào lưới)! Chỉ cần thay đổi cách tiếp cận trận đấu, bớt thời lượng cầm giữ bóng và tăng cường tấn công, Costa Rica sẽ có cơ hội làm nên kỳ tích. 

Theo Trần Phương

Theo SGGP