Mục đích được đưa ra là để tránh hiện tượng đạt điểm cao vẫn đứng ngoài cổng trường đại học.
Khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 là chỉ thị của Thủ tướng đối với ngành GD&ĐT.
Trong những ý tưởng đổi mới tuyển sinh, có gợi ý cho rằng, thí sinh nên được đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ sau kỳ thi tuyển sinh chứ không phải đăng ký trước khi thi như hiện nay.
Việc đăng ký nguyện vọng trước khi thi khiến nhiều thí sinh đạt điểm cao vẫn đứng ngoài cổng trường ĐH. Vấn đề này được các nhà tuyển sinh đặt ra nhiều giải pháp khác nhau.
Lựa chọn giữa sự tù mù và thí sinh ảo
Bất kỳ kỳ thi nào cũng nên đăng ký rồi mới được thi; nếu không đăng ký, các nhà trường làm sao biết được nhu cầu thí sinh cần thi vào ngành nào mà tổ chức thi! Đó là ý kiến của ông Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ ĐHQG HN.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên là Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH thì gọi việc đăng ký trước kỳ thi như là một sự “tù mù” đầy may rủi khi chưa biết kết quả thi thế nào và gọi đó là cuộc chơi với hộp đen.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phân tích kỹ lưỡng hơn: Nếu chúng ta làm như hiện nay, cho phép thí sinh đăng ký trước rồi mới thi, và sau đó là NV2 và NV3 là do muốn tôn trọng sự lựa chọn ngành nghề của thí sinh rồi mới tổ chức thi.
Còn nếu tổ chức thi rồi mới để thí sinh đăng ký thì việc xét tuyển sẽ trở nên khó khăn. Theo ông, vì như thế, các trường sẽ không thể dự báo về lượng thí sinh vào học để xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, điểm chuẩn...
“Và điều quan trọng là số lượng thí sinh sẽ rất ảo vì các thí sinh có thể đăng ký nhiều trường, không được trường nọ thì mới vào học trường kia khiến công tác xét tuyển của các trường phức tạp hơn nhiều”, GS Đào Trọng Thi kết luận.
Theo GS Đào Trọng Thi: Nếu muốn thí sinh nộp hồ sơ tuyển sau khi thi thì phải nghĩ ra phương án cụ thể để giải quyết thí sinh ảo, để có thể định ra điểm chuẩn. Nếu không có điểm chuẩn, thí sinh sẽ phải nộp hồ sơ dựa trên kinh nghiệm. Đây là bài toán đa chiều, nếu các trường khắc phục được sự rắc rối kể trên thì nên dành quyền cho các em bằng cách nộp hồ sơ xét tuyển sau.
Một vài cách giải
Ông Lê Viết Khuyến nói: Nhìn chung, kỳ thi tuyển sinh quốc gia của Bộ GD&ĐT chưa chuẩn ở chỗ mức độ khó dễ của đề thi các năm khác nhau. Chính vì thế, theo ông Khuyến, hàng năm, Bộ và các trường mới phải dựa vào kết quả thi chung và điều chỉnh điểm đầu vào để lấy người học.
Để thực hiện việc thí sinh đăng ký xét tuyển sau kỳ thi, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, ngành GD&ĐT, hoặc trong tương lai là các trung tâm khảo thí độc lập, phải ra được các đề thi tiêu chuẩn gắn liền với sự công khai minh bạch. Trên cơ sở đó, các trường mới công bố trước điểm chuẩn và những thí sinh nào đủ điểm đó sẽ đăng ký vào học.
Bình luận về điều này, GS Hoàng Xuân Sính, cho biết: thực ra vấn đề không khó như người ta tưởng; ĐH Thăng Long đã dùng thuật Toán của một nhà Toán học từng được giải Nô-ben để giải quyết vấn đề: khi có điểm tổng thể của toàn bộ các trường ĐH, chạy máy tính hơn một giờ đồng hồ là ra kết quả toàn quốc.
Trình bày kỹ hơn về điều này, ông Phan Hữu Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long nói: nếu tất cả các trường dùng kết quả chung của một kỳ thi, kể cả mỗi thí sinh đăng ký nguyện vọng từ 1 đến 10 trên mạng hoặc đăng ký dự thi thì thuật toán này sẽ mang lại tính ổn định và công bằng cho tất cả các nguyện vọng và cho tất cả các trường.
Ông Phú nói: Hy vọng, sau sự xáo trộn hiện nay, sẽ có một cuộc thi chung; mỗi trường thi riêng sẽ rất mệt và thuật toán này có dịp được sử dụng để giải quyết được vấn đề. Những trường ĐH tuyển đặc thù, có thể thi thêm hoặc kiểm tra thêm bằng phỏng vấn, ông Phú đề xuất.
Theo giáo sư Đào Trọng Thi, nếu muốn thí sinh nộp hồ sơ tuyển sau khi thi thì phải nghĩ ra phương án cụ thể để giải quyết thí sinh ảo, để có thể định ra điểm chuẩn.
Nếu không có điểm chuẩn, thí sinh sẽ phải nộp hồ sơ dựa trên kinh nghiệm.
Đây là bài toán đa chiều, nếu các trường khắc phục được sự rắc rối kể trên thì nên dành quyền cho các em bằng cách nộp hồ sơ xét tuyển sau.