Đổi mới thể chế kinh tế: Phải bắt đầu từ con người

TP - Đề án nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030 sẽ tập trung vào 5 chuyên đề.
Phải có một nền hành chính thực sự phục vụ mới có thể đổi mới những thứ khác. Ảnh: Như Ý

Đó là: Đổi mới tư duy và quan điểm phát triển; Cải cách toàn diện thể chế kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; Phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, điều hành kinh tế của tỉnh thành và vùng, lãnh thổ; Thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả; Cải cách thể chế trong tổ chức và cung ứng dịch vụ công.

Phải có “phí” mới được gặp mặt

Một nhà tư vấn đầu tư nước ngoài, GS Hà Tôn Vinh, kể, chưa nói vấn đề chuyên môn của các cán bộ quản lý, muốn gặp được họ phải lo “phí” gặp mặt. Có dự án giáo dục, ông tham gia đã 5 năm vẫn chưa đi tới đâu vì vướng thủ tục hành chính. 

“Tôi đã gặp nhiều câu chuyện về thái độ phục vụ của công chức chưa tốt, làm mất thời gian nhà đầu tư, khiến họ chán nản, muốn từ bỏ quyết định đầu tư hay mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, GS Vinh nói. Ông dẫn chuyện chọn tên tiếng Việt và tiếng Anh để đăng ký cho công ty của mình: “Tôi phải đi lại nhiều lần và thuyết phục cán bộ chấp nhận tên dịch sang tiếng Anh hợp với thông lệ quốc tế, thay vì chọn tên tiếng Anh theo “từ điển” rất giới hạn của cán bộ”.

Về cải cách thể chế kinh tế, chỉ đổi mới luật định thôi chưa đủ, quan trọng hơn là đổi mới bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng con người, nhiều chuyên gia nhận định.

GS Vinh cho rằng, cải cách thể chế phải bắt đầu từ con người, phải cải cách tư duy và phương pháp lãnh đạo, giám sát…; không chỉ đơn thuần cải cách quy định pháp luật.

Về cải cách pháp luật, theo GS Vinh, mười văn bản còn không rõ làm sao một văn bản có thể rõ được, nếu không nói là còn “lờ mờ” hơn.

Số lượng văn bản của các nước phát triển gấp nhiều lần Việt Nam, nhưng quy định rõ ràng và pháp luật được thượng tôn, không chồng chéo như nước ta. “Quan trọng là người thực thi chất lượng thế nào, ai giám sát… Thay đổi thể chế phải “cải tổ” con người”, GS Vinh nói.

GS Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT), thành viên tổ soạn thảo Đề án đổi mới thể chế kinh tế nói: “Khó lắm, cái gì đổi mới được, chúng ta đã đổi rồi”. Theo ông, thể chế kinh tế gồm 3 bộ phận chính: Hệ thống pháp lý, chính sách; điều kiện, quy định thực hiện; bộ máy tổ chức thực hiện.

“Phải đổi mới cả 3, nếu chỉ đổi mới luật vẫn chưa đủ. Phải làm sao cho người dân tham gia những vấn đề lớn của nhà nước”, GS Mại nói. Quan trọng hơn, phải thay đổi thái độ phục vụ của đội ngũ công chức nhà nước, mà theo GS Mại là khó nhất.

Nguy cơ tụt hậu

Bàn về đổi mới thể chế tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014, TS Võ Đại Lược (Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) cho biết, thách thức lớn nhất, phức tạp nhất Việt Nam đang phải đối mặt là bất cập của tư duy, hệ quan điểm phát triển và thể chế kinh tế. 

“Nếu không giải quyết vấn đề này một cách phù hợp, nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi”, ông Lược nói. Do đó, ông đề xuất đổi mới thể chế kinh tế thị trường đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ - tài chính theo thông lệ quốc tế; đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi trong việc xây dựng hệ thống luật pháp trên tất cả các lĩnh vực…

Đại biểu Quốc hội, TS Trần Du Lịch (TPHCM) từng nói: Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, do đó, cải cách thể chế kinh tế phải phù hợp để việc làm trước mở đường cho việc làm sau, không tạo ra mâu thuẫn chính sách. Ông Lịch cũng đặt trọng tâm vào cải cách triệt để nền tài chính và hành chính công. “Nếu không làm triệt để vấn đề này, mọi cải cách khác đều không mang lại hiệu quả”, ông Lịch nói.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, cốt lõi là xử lý đúng mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, theo nguyên tắc thị trường quyết định phân bổ nguồn lực. Đồng thời, nhà nước thực hiện tốt vai trò định hướng phát triển, bảo đảm ổn định; môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh... 

Tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2014, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: Việt Nam sắp tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây là động lực giúp cải cách, đổi mới thể chế kinh tế Việt Nam. “Việt Nam khẳng định, cần cải cách, đổi mới thể chế kinh tế của mình. Chỉ có vậy, Việt Nam mới có thể phát triển và tăng trưởng bền vững trong tương lai”, Bộ trưởng Vinh nói.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 6, diễn ra ngày 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Việt Nam nhận thức rõ vị trí quan trọng hàng đầu của yếu tố con người trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. 

Do đó, Việt Nam đã xác định phát triển nguồn nhân lực; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hướng tới mục tiêu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.