Ngày 7/5, đoàn công tác T.Ư Đoàn do Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong dẫn đầu đã khảo sát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong lưu ý việc quy hoạch cán bộ rất quan trọng; việc rà soát quy hoạch cần phải làm định kỳ, thường xuyên.
Nếu không đưa lên quy hoạch đến lúc cần bổ nhiệm, bố trí không trong quy hoạch là một bước dừng phải tính toán. Tốc độ luân chuyển cán bộ ở phường đôi khi lại nhanh hơn các cấp khác nên cần phải xem quy trình này sao cho hợp lý.
Nguồn cán bộ phải xem xét các tiêu chuẩn, điều kiện liên quan để đặt vào vị trí cho tốt. Đưa vào quy hoạch rồi thì phải quan tâm, phải có lộ trình cho cán bộ quy hoạch để có đủ điều kiện bố trí sử dụng. Nếu chỉ quy hoạch mà không quan đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá chức danh, trang bị những yêu cầu cần thiết kể cả về chuyên môn nghiệp vụ thì đến lúc sử dụng lại không có.
Anh Phong nêu rõ, Đoàn phải chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Đoàn cần kiến nghị đề nghị cấp ủy tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tận dụng tốt không chỉ là chuyên môn nghiệm vụ về Đoàn, để tính toán. Đồng thời yêu cầu Thành Đoàn Hà Nội cần sớm rà soát, tham mưu.
"Phải có nguồn cán bộ để tham gia tốt nhiệm vụ. Nếu cán bộ không đạt yêu cầu chúng ta phải trả giá bằng thời gian. Bây giờ không có tiêu chuẩn mềm nên phải đào tạo bồi dưỡng để đủ điều kiện. Cán bộ Đoàn phải xem việc tham gia đào tạo là nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm cấp bộ Đoàn là đổi mới nội dung phương thức sao cho phù hợp đạt được yêu cầu chung, phù hợp với cán bộ của mình", anh Phong nói.
Anh Phong cũng cho biết, việc luân chuyển cán bộ phải chú ý, đến tuổi có thể chuyển sang công việc khác nhưng cũng có những người phát triển cũng có những người phải chấp nhận là công việc bình thường chứ không phải lúc nào cũng có thể phát triển lên.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại chương trình làm việc
Tại hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Việt - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho biết: Đoàn Thanh niên Thành phố có 110 cơ sở Đoàn trực thuộc. Hiện cán bộ Đoàn chuyên trách toàn thành phố là 1.076 người, trong đó có 51 cán bộ cấp thành phố; 446 cán bộ cấp huyện và cấp tương đương; 579 cán bộ cấp cơ sở.
Anh Việt cho biết, Thành Đoàn đã thu được nhiều kết quả trong 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn. Đội ngũ cán bộ Đoàn được nâng cao về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công việc. Ban Thường vụ Thành Đoàn có 16 thành viên, trong đó có 2 người có trình độ chuyên môn tiến sỹ, 9 thạc sỹ và 5 cử nhân; trình độ lý luận chính trị có 12 cao cấp, 4 trung cấp.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ Đoàn từ cấp thành phố đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ được trẻ hóa. Đến nay, tổng số cán bộ Đoàn theo biên chế được giao cơ bản đã đảm bảo ổn định. Cấp Thành phố có 57/64 biên chế; cấp quận, huyện 182/182 biên chế được giao. Thành đoàn đã tuyển dụng đặc cách công chức đối với 9 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện về công tác tại Thành Đoàn Hà Nội.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Công tác quy hoạch cán bộ cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do sự biến động thường xuyên của đoàn viên và cán bộ đoàn. Việc tìm nguồn và tạo nguồn quy hoạch cán bộ đoàn cho cơ sở thiếu, chất lượng chưa cao. Việc luân chuyển, bố trí cán bộ Đoàn cấp cơ sở khi đến tuổi theo quy định chưa kịp thời, hiện cấp huyện còn 8 Bí thư, 8 Phó Bí thư Đoàn quá tuổi; 130 Bí thư, 14 Phó Bí thư Đoàn cấp xã quá tuổi theo quy chế.
Bí thư Thành Đoàn Hà Nội kiến nghị: T.Ư Đoàn tiếp tục thực hiện quy chế và có thể sửa đổi bổ sung về công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn để đảm bảo công tác luân chuyển và sự phát triển cán bộ từ cơ sở. Thành ủy Hà Nội nghiên cứu chế độ chính sách cán bộ Đoàn ở cấp chi Đoàn, Đoàn cơ sở; mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành riêng cho cán bộ Đoàn; tăng phụ cấp từ nguồn ngân sách địa phương đối với chức danh bí thư đoàn xã, phường, thị trấn; bí thư chi đoàn khu phố, thôn, cán bộ đoàn trong khu vực doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp.