Đổi mới hệ thống chính trị để đáp ứng tình hình mới

TP - Hôm qua (31-1), Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta”. Hội nghị góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ xây dựng Văn kiện Hội nghị Trung ương khóa XI.

> Chống tham nhũng như trừng trị cái ác
> Trung Quốc đang tự vẽ mình là 'người khổng lồ xấu xí'

Thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, hệ thống chính trị nước ta ngày càng được củng cố, hoàn thiện, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân chính trị, Nhà nước là trụ cột của hệ thống, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội là tổ chức liên minh chính trị-xã hội.

Qua hơn 80 năm lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị Việt Nam đã phát huy tốt tổ chức và vận hành của mình, tuy nhiên cũng còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đòi hỏi phải có sự đổi mới hệ thống chính trị để đảm bảo cho đổi mới phát triển kinh tế thành công.

Nhấn mạnh vai trò phản biện xã hội, PGS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM) cho rằng vai trò của Mặt trận trong phản biện rất quan trọng, nhưng cần có cơ chế để cho toàn thể nhân dân tham gia bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Theo TS Tống Đức Thảo (Viện Chính trị học), cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong công tác cán bộ, để nhân dân được quyền lựa chọn người đại diện cho mình.

Làm như thế không những Đảng nâng cao uy tín, tính chính đáng cho quyền lãnh đạo của Đảng mà còn tăng thêm sức mạnh của dân cùng tham gia xây dựng bộ máy nhà nước.

Một số ĐB nhấn mạnh vai trò giám sát quyền lực của nhân dân thông qua các hình thức phổ biến nhất như bầu người đại diện, bãi miễn người đại diện trong các cơ quan quyền lực, quyền bày tỏ chính kiến về những vấn đề quốc kế dân sinh.

Với khoảng 40 tham luận trình bày trực tiếp và gửi tới hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những luận điểm cơ bản về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam; đánh giá những thành tựu, mặt hạn chế trong hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình đổi mới; đề xuất quan điểm, giải pháp cụ thể để đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Theo Báo giấy