Đời dâu bể của ‘hoa khôi làng’ và cái kết mặn đắng nước mắt

TPO - Anh nhìn chị, khẽ đưa tay vuốt tóc chị rồi hôn nhẹ lên trán, giọt nước mắt mặn đắng lăn dài trên khóe mi. Chị như dùng hết sức tàn, thều thào nói: “Anh đã về rồi ư? Em và con đợi anh mãi”. Rồi chị từ từ khép đôi mắt lại, kết thúc một đời dâu bể. 
Ảnh minh họa: Internet

Người đàn bà đó thời xuân sắc có một vẻ đẹp hút hồn khiến bao chàng trai si mê, chạy theo. Trong số đó, chị phải lòng anh - người đàn ông có vẻ ngoài lãng tử, hào hoa.

Còn nhớ vào một buổi chiều đông năm ấy, chị bẽn lẽn trong tà áo dài trắng tinh khôi ngồi sau anh trên chiếc xe đạp Thống Nhất với sự reo hò của bọn con nít “ Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu, đi qua đầu cầu, đánh rơi mất rế…”.    

Cuộc sống của anh chị những năm đầu ngập tràn hạnh phúc. Chị là cô giáo trường làng, ngày ngày đem cái chữ dạy cho học sinh nghèo thôn quê. Anh thì làm đủ thứ nghề. Lần lượt những đứa con ra đời, kéo theo nhiều khoản chi tiêu trong khi lương của chị 3 cọc 3 đồng, còn anh thì công việc bấp bênh. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh. Không thể cứ tiếp tục cuộc sống nghèo khó mãi được, anh nghe theo lời rủ rê của chúng bạn, quyết rời quê lên chốn phồn hoa đô thị với mong muốn có được công việc, kiếm được nhiều tiền bất chấp lời khuyên ngăn của gia đình. Thời gian đầu, anh còn chăm gửi thư tay về hỏi thăm vợ con, mọi người ở nhà. Nhưng rồi sau đó, những lá thư cũng thưa dần. Anh quen thói trăng hoa và tìm thú vui thể xác bên gái “nạ dòng”. Tiếng xấu của anh đồn khắp làng bởi cũng có đôi lần người làng tình cờ bắt gặp anh tay trong tay với ả xinh tươi nào đó trên phố xá đông người. Chị buồn. Một thân một mình, chị bắt cho kịp chuyến xe, lần theo địa chỉ anh đang ở, cuối cùng chị cũng tìm được và sự thật bẽ bàng diễn ra trước mắt chị, người đàn ông bao năm chị thương yêu ngang nhiên sống chung với người đàn bà khác. Chị gào thét trong sự thất vọng còn anh thì không khỏi bàng hoàng, bất ngờ. Cả đêm đó, chị không sao chợp mắt nổi, sáng hôm sau chị bắt xe về quê, đầu trống rỗng. Anh cũng không một lời xin lỗi hay phân trần. Có lẽ vì anh đã quen với lối sống vô tình đó rồi.

Anh đi biền biệt, không một tin tức hồi âm mặc cho gia đình, vợ con mong ngóng. Rồi nghe đâu thấy họ nói, anh cùng bồ nhí khăn gói vào Sài thành, làm nhân viên đại lý bán vé máy bay. Công việc vất vả mà đồng lương ít ỏi không đủ để nuôi bồ, thành ra bồ cũng bỏ anh mà đi. Có đôi lần chị cũng được biết anh gọi điện về cho anh chị em ruột để xin tiền. Thấy hoàn cảnh anh vậy, mọi người ra sức khuyên anh về quê, chăm lo phụng dưỡng cha già, chu toàn gia đình coi như là cơ hội để anh chuộc lại lỗi lầm. Nhưng anh một mực nhất quyết không nghe, quyết bám trụ nơi đất khách.

Ngày cha anh lìa khỏi cõi đời, anh biết tin nhưng không về. Dân làng khinh anh, gia đình giận anh - một người con bất hiếu. Còn chị thì vẫn làm tròn bổn phận người con dâu trong gia đình, một người mẹ tần tảo, quán xuyến công việc của gia đình, họ hàng. Chị được mọi người thương quý. Hai người con của chị tuy thiếu tình cha nhưng đổi lại các con đều ngoan ngoãn, thành tài, có công việc ổn định và gia đình riêng. Ngày ngày chị vui vầy bên con cháu. Vui là thế nhưng đôi mắt chị vẫn thoáng hiện nét buồn, chị hay đưa mắt nhìn về nơi xa xăm.

Đáng lẽ một người đàn bà chịu thương, chịu khó như chị phải được sống vui, khỏe sống thọ cùng con cháu nhưng đời không như là mơ. Chị mang trong mình căn bệnh quái ác “ung thư phổi” giai đoạn cuối. Ngày ngày, chị đánh vật với những cơn đau. Biết chị không còn cơ hội kéo dài thời gian sống nữa, gia đình gọi điện báo tin cho anh. Rồi anh cũng về sau bao nhiêu năm xa cách. Anh nhìn chị, khẽ đưa tay vuốt tóc chị rồi hôn nhẹ lên trán, giọt nước mắt mặn đắng lăn dài trên khóe mi. Chị như dùng hết sức tàn, thều thào nói: “Anh đã về rồi ư? Em và con đợi anh mãi”. Rồi chị từ từ khép đôi mắt lại, kết thúc một đời dâu bể.