Đôi bạn vong niên Nguyễn Ái Quốc - Phan Chu Trinh

TP - Cô Lê Thị Sáu (Tư Sương), người cháu dâu trông coi Khu lưu niệm Phan Chu Trinh giới thiệu với phóng viên nhiều tài liệu nghiên cứu về mối quan hệ khăng khít giữa nhà chí sĩ Phan Chu Trinh với Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Pháp, cô nói: “Lật lại những trang sử cũ, chúng tôi tự hào khi biết được cụ Phan là người rất thân thiết với Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động yêu nước tại Pháp”.
Phan Chu Trinh (ngồi giữa) và các nhà yêu nước Lê Văn Xao (người đứng bên trái) và Lê Văn Thuyết (người đứng bên phải) năm 1922. (Tư liệu của Khu lưu niệm Phan Chu Trinh)

Một người cháu của cụ Phan sang tận Pháp, vào tàng thư, nghiên cứu các tài liệu của Pháp về mối quan hệ giữa hai người yêu nước, một già một trẻ. 

Hai gia đình khoa bảng

Khu lưu niệm cụ Phan Chu Trinh tại Tân Bình, TPHCM vừa mới được sửa chữa và bổ sung nhiều tư liệu mới. Cô Tư Sương trông coi khu lưu niệm là vợ ông Nguyễn Đông Hà, cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh.

Trong những bức ảnh mới được trưng bày ở góc trang trọng nhất, có hình ảnh của cụ Phan Chu Trinh, của Nguyễn Ái Quốc và nhiều nhà hoạt động yêu nước trong thời đầu thế kỷ XX tại Pháp. Cô Tư Sương nhận xét: “Qua các tài liệu và hình ảnh, có thể thấy các nhà yêu nước và cách mạng sống với nhau rất chí tình, thân thiết, không có khoảng cách. Tất cả đều vì nước, vì dân”.

Câu đối (bên phải) của cụ Nguyễn Sinh Huy viếng cụ Phan Chu Trinh trưng bày trong khu lưu niệm Phan Chu Trinh tại TPHCM. Ảnh: T.N.A

Trong khu lưu niệm có trưng bày câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc, bố của Bác Hồ viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô Tư Sương cho biết: “Cụ Phan Chu Trinh và cụ Nguyễn Sinh Sắc là bạn thân. Lúc cụ Phan từ Pháp về nước rồi mất, an táng ở đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phan Bội Châu đều có câu đối viếng”. Câu đối viếng của cụ Nguyễn Sinh Sắc viết: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/Tây phương tịnh độ hậu siêu sinh” khẳng định Phan Chu Trinh là người đầu tiên tổ chức phát triển tư tưởng dân quyền ở Việt Nam và sẽ siêu thoát trong cõi Phật.

Một mái nhà thuêtrên đất Pháp

Sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”, tác giả Lê Thị Kinh (một người cháu của cụ Phan Chu Trinh) do Nxb Đà Nẵng ấn hành đã sưu tầm rất nhiều tài liệu mà mật thám Pháp theo dõi ghi chép về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh tại Pháp. Những ghi chép của mật vụ Pháp đều cho thấy mối quan hệ khăng khít đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh.

Báo cáo của mật thám Guesde tháng 10/1919 viết: “Chúng tôi đã tìm thấy nhiều bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trong nhiều báo khác nhau, như tờ L’Humanité số 2 tháng 8/1919 và tờ Populaire ngày 4 và ngày 14/10/1919. Anh ta hiện ở số Villa des Gobelins, do Phan Văn Trường thuê, người này là một tên phiến loạn nguy hiểm hiện thời đang ở Đức, cũng như Khánh Ký và Francois Albert, tất cả đều là bạn của Nguyễn Ái Quốc cũng như Phan Chu Trinh, người này nay đã về ở hẳn cùng nhà với Nguyễn”. 

Khi Nguyễn Ái Quốc sang Pháp, chính Phan Chu Trinh là một trong những người chu cấp tài chính cho nhà cách mạng trẻ tuổi. Mật báo ngày 11/2/1920 của mật thám Jean viết: “Quốc nhờ phụ cấp của ông Trường, ông trả tiền nhà, còn Phan Chu Trinh và Khánh Ký cho tiền mua thức ăn. Tất cả không quá 500 quan mỗi tháng. Hiện Phan Chu Trinh đang làm nghề chữa ảnh ở Pons. Ông kiếm được mỗi ngày độ 30-40 quan, vì ông rất khéo tay”...

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours tháng 12 năm 1920. (Theo tài liệu của mật thám Pháp thì trong ngày Nguyễn Ái Quốc rời nhà đi đại hội, Phan Chu Trinh ở nhà chấm sửa ảnh)

Bị săn lùng

Sống trên đất Pháp, giữa vòng vây của kẻ thù, Bác Hồ được sự trợ giúp rất nhiều của Phan Chu Trinh, người bạn thân của cha mình, đồng thời cũng là một nhà cách mạng có ảnh hưởng rất lớn trong nước.

Tài liệu mật thám Pháp ngày 16/10/1920 viết: “Nguyễn Ái Quốc sau một thời gian ở nín trong nhà có vẻ trở lại thói quen ra ngoài như trước đây. Suốt tuần qua anh ta ra ngoài mỗi buổi chiều trong lúc Phan Chu Trinh ở nhà chấm sửa ảnh”.

Chính quyền Đông Dương đã có công văn yêu cầu mật thám Pháp báo cáo về hoạt động của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

“Báo cáo tổng quan của Guesde về nhóm người yêu nước, Paris ngày 28/12/1920, gửi Tổng kiểm tra quân đội Đông Dương tại Pháp và Toàn quyền Đông Dương tại Đông Dương” đã nhận xét về Phan Chu Trinh như sau: “Phan Chu Trinh được ta biết quá rõ nên không cần nhắc đến y nữa, y thường xuyên quan hệ với những tên quấy rối và hiện đang ở số 6 Villa des Gobelins, cũng là nơi cư trú của Nguyễn Ái Quốc và bè lũ”.

Chính quyền Đông Dương đánh giá mối nguy hiểm của Nguyễn Ái Quốc và thẳng thừng yêu cầu mật thám Pháp ngăn không cho về nước. Báo cáo tổng quan của Guesde về nhóm người yêu nước, gửi Tổng kiểm tra quân đội Đông Dương tại Pháp và Toàn quyền Đông Dương tại Đông Dương cũng cho biết: “Nguyễn Ái Quốc: Được theo dõi chặt. Theo lệnh ngài tôi sẽ hết sức cố gắng chống việc y về Đông Dương khi y quyết định rời nước Pháp” (các tài liệu được trích dẫn từ sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” - tác giả Lê Thị Kinh).

Kế thừa lòng yêu nước

Cô Tư Sương kể lại, khi tổ chức giới thiệu, kết hôn với chồng là Nguyễn Đông Hà, cô chỉ biết anh là một người hoạt động cách mạng dũng cảm. Đám cưới của họ ở căn cứ không có chú rể. Chú rể đi công tác gặp trận càn lớn không về kịp. “Khi Nguyễn Đông Hà về nội thành, đưa tôi đi thắp hương cho tổ tiên, tôi mới biết chồng mình là cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh và là em ruột của bà Nguyễn Thị Bình là Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng đang dự Hội nghị Paris về Việt Nam mà báo chí Sài Gòn đăng ảnh mỗi ngày. Chồng tôi nói rằng chúng tôi là con cháu trong gia đình truyền thống, nên bản thân phải giữ khí tiết cách mạng”.

Khi cô Tư Sương bị địch bắt do đường dây hoạt động nội thành bị lộ, địch tra tấn rất dã man để tìm mối quan hệ giữa cô và gia đình Phan Chu Trinh, song cô không khai, cuối cùng cô bị đày ra Côn Đảo. Sau trao trả tù binh, cô được gặp chị chồng. Bà Nguyễn Thị Bình đã đưa cháu trai là con của vợ chồng Đông Hà - Tư Sương ra Hà Nội nuôi dưỡng cho đến sau 1975.

Chồng bị bệnh mất từ lâu, mình cô Tư Sương là người trực tiếp trông coi mộ phần và nhà lưu niệm của cụ Phan Chu Trinh, một điểm tham quan miễn phí. Rất nhiều đoàn du khách trong nước, nước ngoài tới thăm viếng mỗi tuần. Mới đây, lần đầu tiên cùng con cháu về thăm quê cụ Phan Chu Trinh ở miền Trung, cô rất mãn nguyện.          

Phan Chu Trinh sau khi rời Việt Nam đã sang ngay Pháp, trong khi đó, Nguyễn Ái Quốc bôn ba sang Mỹ, Anh… trước khi đến Pháp. Khi gặp lại nhau, họ như hình với bóng. Tài liệu mật thám Pháp cho thấy Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Chu Trinh thường xuyên đi dự các cuộc họp, hội nghị với nhau, cùng đến gặp gỡ các nhà yêu nước khác.