Độc và lạ Festival hoa Đà Lạt

TPO - Với điều kiện tuyệt vời về khí hậu, thổ nhưỡng, Đà Lạt (Lâm Đồng) là nơi hội tụ của muôn hoa. Từ nguồn nguyên liệu quý giá đó, các nghệ nhân dày công chế tác những tác phẩm hoa, cây cảnh độc đáo.

Những loài hoa thân thảo yếu ớt hóa… cổ thụ

Hoa bươm bướm là loài thực vật có cành, lá và hoa đều rất mềm mại, uyển chuyển. Những cánh hoa mỏng manh luôn chao nghiêng, chấp chới trong gió, trông xa cứ như đàn bươm bướm xinh xắn nhiều màu sắc đang bay lượn…

Tại Không gian hoa đẹp của Hiệp hội hoa Đà Lạt trong dịp Festival hoa 2012 này, khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng những chậu hoa cảnh bươm bướm với thân cây đường kính lớn, xù xì, thô ráp như cây thân gỗ, lá cũng cứng cáp và to hơn hoa trồng trong vườn, duy chỉ những đóa hoa màu vàng rực rỡ là vẫn giữ được vẻ mỏng manh, mềm mại.

Tương tự, hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu với cành hoa vốn xanh tươi, nuột nà là thế, các nghệ nhân vẫn tạo được những cội hoa già cỗi với đường kính thân hoa từ 10 - 20cm, thân xù xì rêu mốc như cây gỗ sống lâu năm giữa rừng già thâm u.

Vòng đời của cây hoa hồng chỉ vài ba năm nhưng lão kiểng có thể thọ gần trăm tuổi. Một cây hoa hồng thường chỉ nở vài cái hoa nhưng cội hoa già có lúc nở vài chục hoặc thậm chí cả trăm đóa hoa. Kiểng hoa hồng này vừa vượt qua hàng trăm cây cảnh khác để đoạt huy chương vàng tại hội thi hoa – cây cảnh quốc tế tại Công viên hoa Đà Lạt.

Đưa sứ giả thời tiền sử từ đại ngàn về phố

Cuối thế kỷ XIX, M.Krempfii (nhà thực vật học người Đức) đã sưu tầm, phát hiện quần thể thông 2 lá dẹt duy nhất của thế giới tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà trên địa bàn Lâm Đồng. Đây là giống Ducanpopinus - hoá thạch sống của một loài thực vật cổ sinh cùng thời với khủng long.

Thông thường, các loài cây phát triển, tiến hoá theo thời gian, còn thông 2 lá dẹt tuy đã tồn tại nhiều thiên niên kỷ đến nay vẫn hầu như không có biến đổi nào về gen. Nếu đường kính khoảng 1m, tức có tuổi thọ 500 năm, loài cây này có thể sinh trưởng bền bỉ hàng nghìn năm tuổi như sứ giả thời tiền sử trên đỉnh dốc Cổng trời cao hơn 2000m.

Quý hiếm là thế nên rất ít người được chiêm ngưỡng vậy mà có nghệ nhân đã sưu tầm và đưa loài cổ thực vật này vào chậu kiểng trưng bày tại Công viên hoa Đà Lạt.

Bon sai thông 3 lá.

Tại công viên này còn có kiểng thông đỏ - thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ thường ẩn dật chốn rừng sâu, được dùng làm nguyên liệu điều chế thuốc chữa ung thư và một số chậu bon sai thông 3 lá - loài cây có thể cao 50 – 60m, đường kính 60 - 80cm khi trưởng thành.

Những loài kỳ hoa dị thảo khác

Thăm các điểm trưng bày triển lãm nhân dịp Festival hoa 2012 này, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều loại rau bỗng bung nở những đóa hoa nghệ thuật: Cây cải bông nở ra đóa hoa lạ kỳ như bức tranh ghép của cả trăm con ốc màu xanh; cây cải xanh bung những đóa hoa trắng, tím, hồng xinh xắn.

Dâu tằm (Moraceae) vốn là loại cây thân gỗ nhỏ cao khoảng 3m, cành mềm, được trồng để lấy lá dâu nuôi tằm. Tuy nhiên qua bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân đã trở thành những chú lùn chỉ cao 40 - 50cm, từ đường kính trung bình 2 - 3cm đã phình to gấp 4 - 5 lần, lá chẳng còn được mấy chiếc trong khi quả thì ken dầy, chen chúc nhau trông thật ngon mắt.

Tham dự festival hoa Đà Lạt, không ít du khách trầm trồ quả thực có nhiều điều tưởng chừng không thể vẫn có thể xảy ra ở vương quốc hoa.

Lão hoa hồng gần trăm tuổi.
Sứ giả thời tiền sử trong chậu kiểng.
Cây cải bông kỳ lạ.
Theo Viết