Độc như phụ gia thực phẩm

Có khả năng rút ngắn thời gian ninh nấu xuống còn 30 phút thay vì cả giờ đồng hồ, có khả năng hô biến miếng thịt ôi thiu thành thơm ngon, hấp dẫn... đó là sự thần kỳ nguy hại chỉ có phụ gia thực phẩm mới làm được.
Ảnh minh hoạ: Internet

Giật mình công nghệ siêu độc

Đi hỏi mua chất phụ gia có khả năng phù phép biến thức ăn ôi thiu trở thành tươi ngon, thơm nức, loại giúp ninh xương chóng nhừ ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Tôi nhận được ánh mắt dò xét, rồi những cái lắc đầu từ chối “Đi chỗ khác ở đây không bán”. Mấy chị bán hàng có thâm niên trong nghề phát huy cao độ tinh thần đề cao cảnh giác, ra sức hỏi han, dò xét xem tôi là ai, muốn mua phụ chất phụ gia làm gì!?. Phải mất một hồi loanh quanh, tôi mới thăm dò được những chất phụ gia đó chỉ được bán cho những khách hàng quen thuộc, mua thường xuyên hoặc mua với số lượng lớn.

Sau khi được chỉ chỏ qua ba, bốn gian hàng tôi đã tìm được cửa hàng của chị T, một người buôn bán chất phụ gia thực phẩm gần 10 năm này. Tôi dò hỏi và mua đuợc một gói bột màu trắng, mịn có tác dụng làm nhừ nhanh khi nấu chè, ninh xương. “Chỉ cần 1-2 thìa bột này là em tiết kiệm được một nửa thời gian ninh chè, mà chất lượng vẫn đảm bảo” - chị bán hàng nói chắc như đinh đóng cột.

Bột nhừ được bọc đơn sơ trong một gói nilon, giá 8.000 đồng/lạng. Chỉ mất 8.000 đồng, người sử dụng sẽ tiết kiệm được vô vàn chi phí khi từ việc tiết kiệm nhiên liệu khi phải ninh xương, nấu chè, luộc bánh… Tôi ngỏ ý muốn mua chất phụ gia để biến thịt ôi thành thịt tươi thì chị bán hàng nói: “Em tìm đúng chỗ rồi đấy, để biến thịt ôi thành thịt thơm ngon thì chỉ có thể dùng dung dịch nước tẩy để khử mùi hoặc dùng bột tẩy đường giá 50.000 đồng/lít”. Ngoài ra, ở cửa hàng nhà chị T còn bán cả bột giòn, bột dẻo… đủ loại.

Theo chân một người quen chuyên bán cà phê vỉa hè trên phố Nguyễn Du đi mua hương liệu chế biến cà phê. Tôi không khỏi giật mình khi thấy chỉ cần bột bắp và đậu nành cộng với một số loại hương liệu thì người ta đã có thể biến chúng thành cà phê Trung Nguyên thượng hạng.

Tại sạp V.H, người bán lấy ra một lon chất keo gọi là CNC, một bịch bột tạo trắng và một bịch tạo mùi. Chị cho biết, để có được một ly cà phê hoàn hảo cần ít nhất 4 chất phụ gia. Chỉ mất 100.000 đồng có thể cho ra 50 ly cà phê với gia bình dân khoảng 12-15.000 đồng/ ly. Để chế cà phê theo kiểu này, người bán hóa chất cho biết cần phải mua chất bột keo để khi cho vào nước làm cà phê kết dính sền sệt, sau đó cho thêm bột tạo bọt trắng, thêm chất caramen tạo mùi vị. “Có cho vào nước lã cũng dậy mùi như cà phê đúng điệu”. Chị bán hàng ra sức quảng cáo cho công nghệ “siêu độc”.

Hiện tại, hàn the đã bị kiểm tra nghiêm ngặt, nếu vượt mức cho phép, đội kiểm tra thị trường sẽ tiêu hủy giò ngay. Nhưng các cơ sở sản xuất đã có vị cứu tinh đó là “bột giòn” và “bột dẻo”. Hai loại bột này đều được bỏ trong túi nilon, không có tên vì người bán hàng tự nhớ. Bột giòn thì màu trắng, sờ vào thấy xạo xạo. Bột dẻo thì có màu vàng, mịn. Như vậy giò chả vẫn dai, giòn, bảo quản được lâu hơn mà lại không sợ giò bị thối hỏng. 

Vừa “qua mặt” được đội kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa “che mắt” được người tiêu dùng. Nhưng theo chị T người mua hàng vẫn thích dùng hàn the hơn vì giá rẻ chỉ có 15.000 đồng/kg, còn giá của bột giòn và bột dẻo đắt hơn nhiều lần từ 120.000-130.000 đồng/kg. Vì vậy, bất chấp lệnh cấm vận của Bộ y tế, hàn the vẫn tồn tại với số lượng đáng nể.

Những nguy hại của phụ gia thực phẩm

Theo TS. Nguyễn Duy Thinh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội thì, nếu người tiêu dùng sử dụng quá nhiều phụ gia thực phẩm, sẽ gây ngộ độc cấp tính, lâu ngày sẽ gây ngộ độc mạn tính. ù dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục, một số chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài như: Hàn the sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua mồ hôi và đường tiêu hóa 4%, còn 15% được tích luỹ trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần gây ra một hội chứng ngộ độc: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, động kinh, trí tuệ giảm sút, nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư...

Hay bột nhừ có tên hóa học là NaHCO3, là một chất tạo ra khí dễ dàng, thường là khí CO2. Chúng được gọi với một cái tên khác là bột nở. Công dụng của chất này là làm cho thực phẩm nở ra, tạo nhiều lỗ hổng và do đó mà nhiệt nhanh đi vào và chóng chín, ít tốn nhiên liệu tiết kiệm được chi phí nhờ đó mà giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Nhưng tác hại của chất này cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ vì nếu dùng nhiều hoặc lẫn các tạp chất (thường là kim loại nặng) sẽ khiến người tiêu dùng bị nhiễm độc nhất là kim loại chì có khả năng gây bệnh suy tim, suy giảm trí nhớ. Nếu bị nhiễm nặng có thể gây viêm niêm mạc, thủng ruột. Nhiều chất dùng trong tẩy trắng thực phẩm khi vào cơ thể tiếp nhiễm qua đường khí quản về lâu dài gây nguy cơ ung thư…

 Sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn

- Phẩm mầu: Nên hạn chế ăn các loại thức ăn có nhuộm phẩm màu như thịt quay, hạt dưa, bánh kẹo, nước giải khát có nhuộm phẩm màu. Phẩm màu sử dụng nhiều sẽ gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, ảnh hưởng sức khỏe.

- Đường hóa học: Hạn chế dùng đường hóa học trong việc chế biến thức ăn, nước uống nên thay thế bằng các loại đường chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như: mía, của cải đường…

- Hàn the: Đây là phụ gia thực phẩn thường dùng trong chế biến các loại bánh từ bột gạo tẻ, hoặc giò, chả. Nhưng loai phụ gia này có độc tính khá mạnh gây nguy hiểm tới sức khỏe con người chính vì vậy đã bị cấm sử dụng.

Theo Theo SKGĐ