Doanh nghiệp Việt tìm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghệ mới nổi

TPO - Hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp của 22 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn của Việt Nam đã gặp gỡ với 130 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024.

Ngày 28/8, Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM tổ chức Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024.

Hội nghị năm nay với chủ đề “Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi”, với mục đích tạo các cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã sẵn sàng trong các năm qua về năng lực cung ứng, nỗ lực đầu tư cải tiến nhà máy, để tiếp cận các nhu cầu hợp tác sản xuất chế tạo và nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, những năm gần đây, TPHCM đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất.

Định kỳ hằng năm, UBND TPHCM giao Sở Công Thương phối hợp Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) tổ chức “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ ” nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối…

“Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa” – ông Hoan cho biết.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm kiếm cơ hội giao thương, giới thiệu sản phẩm, mở rộng chuỗi cung ứng thông qua các chương trình Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Uyên Phương

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hội thảo về xu hướng thị trường các ngành công nghệ mới nổi như công nghiệp vi mạch bán dẫn; thị trường các ngành công nghiệp có giá trị cao như ngành hàng không vũ trụ, ngành công nghiệp y tế; kết nối cung cầu trực tiếp với các chuỗi cung ứng từ các đối tác Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...; các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam như công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện - điện tử - điện gia dụng.

Hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp của 22 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn của Việt Nam đã gặp gỡ với 130 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024.

“Hội nghị là nền tảng cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lập chiến lược sản xuất dài hạn, kế hoạch đầu tư đổi mới sản xuất, tham gia có hiệu quả các chương trình đầu tư đổi mới giá trị công nghiệp của ngành công thương thành phố” – bà Ngọc nói.

Tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023, đã có hơn hơn 1.800 cuộc tiếp xúc trực tiếp với các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhỏ và vừa có sản phẩm cung ứng phù hợp nhu cầu.

Theo Ban tổ chức, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ qua các kỳ tham dự đã tự tin tiếp cận, giới thiệu năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng, cụ thể như Công ty Nhật Minh Echigo, Tiến Thịnh, Vĩ Nam Việt, CNS Amura, Lidovit, Duy Khanh, cơ khí Việt Nhật…

Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu chuỗi lớn cũng có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu các nỗ lực của các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước để thúc đẩy tiến trình nội địa hóa của các tập đoàn, đặc biệt trong các bối cảnh chuỗi cung ứng chịu nhiều tác động bởi xu hướng thay đổi toàn cầu.

Các nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn Samsung, Techtronic Industries… và các nhà máy sản xuất công nghiệp đầu chuỗi lớn như THACO, Điện Quang là những nỗ lực của các bên sau khi tham gia kết nối tại hội nghị.

Theo đại diện Ban tổ chức, các “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ” do Sở Công Thương TPHCM thực hiện hàng năm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội nghị năm 2023 là lần thứ 6 được tổ chức liên tiếp từ năm 2018, qua 6 lần tổ chức, Ban tổ chức đã được sự ủng hộ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu chuỗi lớn (116 lượt tham gia) tham gia kết nối hơn 1.800 cuộc tiếp xúc trực tiếp với các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhỏ và vừa (370 lượt tham gia) có sản phẩm cung ứng phù hợp nhu cầu trong các kỳ hội nghị. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ qua các kỳ tham dự đã tự tin tiếp cận, giới thiệu năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng.

Hội nghị năm nay là năm thứ 7 được duy trì tổ chức thường niên và là một trong chuỗi các hoạt động khác như tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ đã nỗ lực phát triển cùng thành phố, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực cho sản xuất.

Ông Võ Văn Hoan kỳ vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các hoạt động kết nối cung cầu của thành phố với các doanh nghiệp, để thành phố phát triển mạng lưới các nhà sản xuất có năng lực, làm nền tảng phát triển công nghiệp bền vững.