Doanh nghiệp teo tóp vì các rào cản

TP - Hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn trong khi những rào cản về chính sách, sự nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý ngày càng nhiều, khiến doanh nghiệp Việt ngày càng suy kiệt. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ không thể trụ vững nếu tiếp tục bị những rào cản chính sách như hiện nay.
DN dệt may và bông vải sợi mất quá nhiều thời gian vì thủ tục kiểm tra hàng hóa.

Bài 1: Mòn mỏi do chính sách bất cập

Doanh nghiệp (DN) càng kiến nghị thì thủ tục càng bị siết chặt, những khoản chi phí kiểm định vô lý khiến DN bức xúc. Việc thanh kiểm tra DN quá nhiều cũng khiến DN chết khiếp.

Khổ với các loại phí bất hợp lý

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Nhà Bè Phạm Kiều Oanh thừa nhận rằng, các DN ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn vì những quy định của các cơ quan quản lý.

Theo bà Oanh, trong bối cảnh các hiệp định hợp tác quốc tế sắp có hiệu lực thời gian tới, DN rất cần có sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành quản lý nhà nước tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, thực tế DN dệt may đang bị làm khổ, làm khó từ một thông tư của Bộ Công Thương ban hành đã nhiều năm nay. 

Các DN trong ngành đã có hơn 10 văn bản kiến nghị gửi các cơ quan ban ngành và cả trình bày trực tiếp tại các diễn đàn. Tuy nhiên, thông tư ban hành sửa đổi sau đó (thông tư 37 ngày 30/10/2015) thay thế thông tư trước đó lại còn gây khó khăn, phiền nhiễu hơn nữa cho DN.

“Việc tuân thủ theo thông tư 37 làm cho DN không những tốn thêm thời gian cho một lô hàng nhập khẩu khi về tới cảng không được thông quan (chờ kết quả giám định) mà còn tốn thêm chi phí giám định 2,03 triệu đồng (tương đương 100 USD)/mẫu vải. Đây thực sự là chi phí bất hợp lý trong khi chi phí nộp cho đại lý tàu biển vận chuyển hàng về Việt Nam trung bình chỉ là 35 USD”, lãnh đạo Tổng Công ty May Nhà Bè-CTCP cho biết.

Cũng theo bà Oanh, khi DN kiến nghị sửa đổi những bất cập thì Bộ Công Thương lại sửa đổi theo hướng siết quy định, khiến DN càng khó khăn hơn. Theo đó, DN đã không được tháo gỡ mà còn phải chịu sự kiểm tra hàm lượng formaldehyt và Azodyer (thành phần sinh ra từ các phẩm nhuộm)  theo hình thức kiểm tra hồ sơ đối với cả các lô hàng nhỏ lẻ. “Có những lô hàng nhập khẩu, DN nhập về làm mẫu với khoảng 5-7m, giá trị chỉ chừng 10 USD (230 nghìn đồng) nhưng phí kiểm định lên tới hơn 2 triệu đồng. DN đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

Một đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây mất nhiều thời gian và chi phí cho DN. Theo vị này, có quá nhiều thủ tục hành chính không cần thiết khiến DN nhiều khi bị mất chi phí và thời gian rất vô lý. Điển hình như với DN làm hàng gia công may mặc phải nhập khẩu lông vũ, lông cáo, lông gấu (hàng đã qua xử lý) để làm hàng Jacket xuất khẩu phải xin hồ sơ mất 10 - 15 ngày (bao gồm kiểm dịch động vật…). Trong khi thực tế những mặt hàng này đã có kiểm dịch động vật và C/O từ phía nước xuất khẩu khi xuất hàng.

Phát ớn các đoàn thanh tra

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiều DN phản ánh, mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có tháng 1 DN tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra. Đối tượng thanh tra đa số là các DN vừa và nhỏ. Gần đây có DN ở Quảng Trị phản ánh năm 2015 họ đón tới 45 đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc. Ông Đệ cho rằng, thanh kiểm tra là cần thiết để DN sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra quá nhiều, cùng một nội dung của nhiều ngành gây khó khăn cho DN.

Đại diện Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương cũng cho biết, các DN hội viên ca thán về việc phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra. Có DN một năm phải tiếp đón từ 12 đến 15 đoàn, còn thông thường cũng có đến 8 đoàn vào thanh -kiểm tra. Tuy nhiên, các đoàn chủ yếu đến để nhằm bắt lỗi DN chứ không phải để hướng dẫn, tạo điều kiện cho DN hoạt động; thậm chí khi không bắt được lỗi thì quay ra xin tài trợ.

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cách đây ít ngày, hàng loạt hiệp hội, DN kêu trời vì quy trình kiểm tra tại cửa khẩu tốn nhiều thời gian, chi phí. Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho biết, mỗi năm, DN nhập hơn 1 triệu tấn bông sợi, tương đương với 50.000 container. Cục kiểm định thực vật sẽ lấy mẫu kiểm tra trung bình 35%, tương đương 18.000 container. Phí kiểm tra hiện nay là 1 triệu đồng/mẫu 0,5 kg.

“Riêng khoản lấy mẫu kiểm tra này, DN phải chi khoảng 17-18 tỷ đồng. Thời gian kiểm dịch có thể đến 7-8 ngày. Điều này gây ra gánh nặng lớn về chi phí thời gian, nhân công”, ông Sơn nói.

Đuối sức

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, mới đây đã nhận được “tâm thư” từ một DN nhỏ và vừa ở Thanh Hóa nêu những bức xúc chất chứa vì những khó khăn, những rào cản từ các cơ quan ban hành chính sách. Khi đọc xong bức thư của đại diện DN, chỉ còn biết thừa nhận DN Việt đang đối mặt quá nhiều rủi ro và gánh nặng.

Theo lãnh đạo DN đề nghị được giấu tên này, việc DN nhỏ và vừa của Việt Nam không thể lớn được do những hành vi nhũng nhiễu của các lực lượng chức năng. Ngoài những khoản thuế, phí theo quy định phải nộp, DN còn phải chi đều đặn các khoản “phí bôi trơn” nếu muốn hoạt động trôi chảy. Các khoản phí này, DN phải chi đều đặn theo tháng, theo quý và cả vào các dịp lễ tết.

Ông Vũ Mạnh Dương, Tổng Giám đốc Cty CP BĐS Vinalines cho biết, công ty đang triển khai một dự án tại Đông Anh (Hà Nội) nhưng thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án khiến DN thấy mệt mỏi. “Nói là một cửa nhưng DN vẫn phải “chạy” đủ các cửa để xong thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án. Chúng ta có quy định sau 15 ngày trả lời thủ tục giấy tờ nhưng sau thời gian đó khi cơ quan chức năng không trả lời cũng không có chế tài phạt nên hồ sơ dự án trả lời mất đến nửa năm”, ông Dương nói.

Còn ông Đỗ Quân, Tổng Giám đốc Công ty TSQ Việt Nam cho rằng, những chính sách quản lý thay đổi đột ngột khiến DN chạy theo không kịp. Hiện, công ty đang làm thủ tục dự án tại Hà Đông để cuối năm khởi công xây dựng. Tuy nhiên, vừa rồi khi Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chuẩn bị duyệt xây dựng dự án chung cư 2 tầng hầm nhưng khi có chỉ đạo của Hà Nội phải xây 3 tầng hầm bỗng dự án bị dừng lại và buộc thay đổi theo. 

Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN Hải An (Hải Phòng), cho biết: “Nếu DN lớn tìm cách xoay xở, vay được vốn từ thị trường chợ đen với mức 1% thì những DN nhỏ phải xoay xở từ thị trường tín dụng này ở mức 6% trên tổng số vốn đầu tư. Rõ ràng các DN nhỏ và vừa đang thiếu vốn, trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp”.