Sáng 14/5, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã có phiên đối thoại với công nhân, công đoàn năm 2024, do Liên đoàn Lao động (LĐ) Thành phố tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Liên đoàn LĐ quận Cái Răng - cho biết, hiện số doanh nghiệp trên địa bàn còn nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng nhiều, dù hằng tháng vẫn trừ tiền đóng của người LĐ.
“Khi người LĐ nghỉ việc không được nhận quyền lợi BHXH, do doanh nghiệp còn nợ tiền đó. Người LĐ gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết được", bà Dung nói. Từ đó, bà Dung hỏi lãnh đạo TP. Cần Thơ về giải pháp để ngăn chặn, giảm tình trạng nợ đóng BHXH.
Trả lời, ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc BHXH TP. Cần Thơ - cho biết, tới hết tháng 4, toàn thành phố có hơn 330 đơn vị chậm đóng BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền trên 83 tỷ đồng. Tình trạng chậm đóng làm ảnh hưởng quyền lợi của người LĐ.
Để thu tiền chậm đóng, thời gian qua, BHXH Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp, như nhắc nợ trực tiếp, qua điện thoại, thư điện tử, văn bản, báo cáo Thành phố; thanh kiểm tra; rà soát dữ liệu thuế; công khai danh sách đơn vị nợ BHXH... Năm 2023, BHXH Thành phố đã thanh tra tại 142 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 107 đơn vị, với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Cũng theo ông Khải, năm nay, BHXH dự kiến thanh kiểm tra tại 176 đơn vị sử dụng lao động, để phát hiện xử phạt hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH. Khi phát hiện vi phạm kéo dài, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định.
Doanh nghiệp phàn nàn phải đào tạo lại lao động
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (Nông trường Sông Hậu, huyện Cờ Đỏ) nêu ý kiến, LĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu chưa qua đào tạo, tay nghề thấp, giải pháp từ địa phương thời gian tới ra sao để đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập.
Ông Tiêu Minh Dưỡng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ - cũng ghi nhận thực tế trên. Có nhiều doanh nghiệp phàn nàn phải đào tạo lại LĐ khi tuyển dụng. Tuy nhiên, việc dự báo thị trường LĐ còn khó, liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp - trường nghề còn ít. Phần lớn doanh nghiệp tuyển dụng LĐ phổ thông rồi tự đào tạo đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị nên không có bằng cấp, chứng chỉ…
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho biết, hiện thành phố có gần 56.000 công nhân, LĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp. Lực lượng LĐ này có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, ông Trường nhìn nhận, đời sống của một bộ phận anh chị em công nhân còn khó khăn; những vấn đề cấp thiết của công nhân, LĐ cần giải quyết, như về: Thu nhập, việc làm, nhà ở, môi trường làm việc, khu vui chơi, giải trí, nhà trẻ, trường học...
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của LĐ, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - yêu cầu Đảng các cấp, sở ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định đảm bảo quyền lợi người LĐ. Trong đó, tập trung vào vấn đề tiền lương, BHXH cho người LĐ ở các doanh nghiệp, đặc biệt đơn vị còn nợ, chậm đóng; tập trung giải quyết các quyền lợi về tiền lương, chế độ BHXH của người LĐ theo quy định.
Ông Hiếu lưu ý, Tháng Công nhân không chỉ là nhiệm vụ của Liên đoàn LĐ, mà chăm lo cho người LĐ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, các cấp các ngành, đoàn thể. Làm sao để tháng nào cũng là tháng công nhân, có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hơn nữa để chăm lo cho người LĐ, đặc biệt với lao động nữ.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu thực hiện tốt phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”; xem khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn, vướng mắc của thành phố; cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển của thành phố.