Doanh nghiệp nghìn tỷ xung phong 'vác tù và'

TP - Lần đầu tiên, 20 doanh nghiệp với tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, đứng đầu nhiều lĩnh vực của nền kinh tế trở thành thành viên Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Với tinh thần “vác tù và”, doanh nghiệp (DN) trong hội đồng như “sếu đầu đàn”, mang sứ mệnh kết nối, lan tỏa và thúc đẩy cộng đồng DN phát triển.

Lời hứa của doanh nhân đầu ngành

Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam (gọi tắt Hội đồng) lần đầu tiên ra mắt. Mỗi thành viên của hội đồng đều là doanh nhân đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Mỗi đơn vị có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Thành viên của Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam trong lễ ra mắt

Ghé vai gánh vác vị trí đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn THACO chia sẻ, thành viên của hội đồng nỗ lực nêu cao tinh thần đóng góp cống hiến thông qua sự phát triển DN, hợp tác mạnh mẽ chân tình với DN trong nước và quốc tế. DN trong hội đồng nêu gương, xây dựng và lan toả đạo đức doanh nhân, từng bước thực hiện vai trò dẫn dắt trong từng ngành, từng lĩnh vực. Cùng đó, DN đi đầu trong sự phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Trần Bá Dương – Đồng Chủ tịch Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam

“Chúng tôi xin hứa tất cả thành viên Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam đoàn kết, nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển vững mạnh của cộng đồng DN Việt Nam, vì sự phát triển của kinh tế đất nước. Vì Việt Nam thịnh vượng với mục tiêu vào năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hạnh phúc”, ông Trần Bá Dương cam kết.

Là một trong những thành viên đầu tiên của Hội đồng, đại diện Tập đoàn FPT cam kết đóng góp về trí tuệ, kinh nghiệm đưa khoa học công nghệ Việt ra thế giới. FPT sẽ cùng hội đồng tham mưu, tư vấn chính sách phát triển kinh tế đất nước, cũng như hỗ trợ DN khác phát triển.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV chia sẻ, việc trở thành thành viên của Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh của BIDV trên hành trình “vững bước tiên phong, đồng hành phát triển” với cộng đồng DN. Là một định chế tài chính lâu đời trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, BIDV sẵn sàng cùng thành viên của hội đồng phát triển lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh, đóng góp vào công cuộc phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch hội đồng cho biết, để “lọt” vào hội đồng này, DN phải nằm trong top 10 ở một ngành nhất định. DN có uy tín để định hướng, hỗ trợ DN trong ngành phát triển.

“Hội đồng tập hợp DN có tâm, có tầm và tranh thủ trí tuệ, kinh nghiệm của thế hệ doanh nhân đi trước. Hội đồng là nơi quy tụ nguồn lực tài chính, công nghệ, con người, tri thức, kinh nghiệm chuyên ngành”, ông Công cho biết.

Phát huy vai trò “sếu đầu đàn”

Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, Hội đồng cần phát huy vai trò cầu nối DN đầu chuỗi với DN nhỏ và vừa. Hội đồng DN hàng đầu không chỉ là nơi hô hào về chính sách mà cần có hoạt động cụ thể để đưa DN nhỏ vào chuỗi cung ứng. Trong đó, DN đầu ngành hỗ trợ DN nhỏ và vừa vào chuỗi sản xuất, tiếp cận thị trường hay trở thành nhà thầu phụ. Từ đó, góp phần giúp DN nhỏ phát triển tốt hơn.

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô của Tập đoàn Trường Hải – một trong 20 thành viên Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam

“Cần có thước đo để đánh giá kết quả cụ thể của hội đồng. Ví dụ, sau một năm ra mắt hội đồng, có bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành nhà thầu phụ, đối tác cung ứng cho DN đầu ngành. Mỗi thương vụ kết nối, hợp tác trị giá bao nhiêu tiền. Thước đo này sẽ đánh giá hiệu quả của Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam”, ông Bình khuyến nghị.

Theo ông Bình, DN Việt Nam cần tạo nên hệ sinh thái của từng ngành. Trong đó, mỗi DN lớn trong hội đồng như sếu đầu đàn, dẫn dắt DN nhỏ nội ngành. Rộng hơn, DN trong hội đồng cần kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng giữa DN lớn và DN nhỏ cùng ngành.

TS Nguyễn Quốc Việt – Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đánh giá, chúng ta đã có nhiều cơ chế hội đồng, hiệp hội doanh nghiệp khác nhau. Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam cần khẳng định vị thế bằng việc gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, liên kết DN cùng phát triển, thúc đẩy thể chế chung, giá trị chung.

“Hiện nay, phần lớn DN Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, năng suất lao động thấp, đổi mới công nghệ hạn chế. Việc thành lập hội đồng với những “cánh chim đầu đàn” để thúc đẩy sự phát triển ngành rất tốt. Tuy nhiên, cơ chế của hội đồng hàng đầu cần có sự khác biệt với cơ chế hiện tại. Từ đó, khắc phục nhược điểm của DN Việt Nam”, ông Việt khuyến nghị.

Theo ông Việt, doanh nghiệp Việt cần phát huy tinh thần độc lập nhưng không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu. Là thương hiệu lớn, khẳng định vị thế trong nước và quốc tế, thành viên của Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam cần có giải pháp để giúp DN nhỏ và vừa thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước khẳng định thương hiệu Việt.

Các DN thuộc Hội đồng DN hàng đầu Việt Nam gồm: Tập đoàn Trường Hải, FPT, Geleximco, BRG, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn TBS, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Đồng Tâm, BIDV, Viettravel, Hanel.