Doanh nghiệp lao đao vì COVD-19, thu ngân sách ngành Thuế vẫn tăng

TPO - Dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 song thu ngân sách 5 tháng đầu năm của ngành Thuế vẫn tăng cao. Nguyên nhân được Tổng cục Thuế cho biết nhờ có khoản truy thu từ 2 cuộc thanh tra kéo dài nhiều năm, kết thúc cuối năm 2019, tiền nộp sang năm 2020.  
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần đến gia hạn thuế vì sợ cuối năm dồn trả khó. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Mới có 20% người nộp thuế đề nghị gia hạn

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), đến ngày 11/6, cơ quan thuế đã tiếp nhận 138.842 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế (chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp trong diện được xem xét, hỗ trợ). Trong đó, có 104.634 người nộp thuế (NNT) là doanh nghiệp (DN), còn lại là hộ kinh doanh, cá nhân. Tổng tiền đề nghị gia hạn khoảng 37.226 tỷ đồng.

Bà Hà cho hay, thời hạn để người nộp thuế làm thủ tục xin gia hạn còn kéo dài đến hết tháng 7/2020. Tuy nhiên, thống kê tới nay cho thấy số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ làm hồ sơ gia hạn rất thấp, bởi theo bà Hà, các DN này đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020.

"Những tháng qua không phải tất cả DN nằm trong diện được gia hạn thuế đều phát sinh nghĩa vụ thuế, chỉ những DN có số thuế phát sinh lớn mới làm thủ tục gia hạn. Ngoài ra, cũng có nhiều DN lựa chọn nộp đúng tiến độ, không gia hạn để tránh dồn lại vào cuối năm”, Phó Vụ trưởng vụ Kê khai và Kế toán thuế chia sẻ.

Về quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong 5 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế các cấp đã thu hồi được 12.378 tỷ đồng, bằng 29,5% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019. Lý giải việc thu nợ thuế trong những tháng qua chậm, ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho hay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giãn cách xã hội nên nhiều người nộp thuế chấm dứt kinh doanh, chậm nộp tiền nợ. Cũng do ảnh hưởng của dịch, một số người nộp thuế chưa phối hợp tốt với cơ quan thuế.

Thời gian tới, theo ông Toản, với những DN không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng chây ì, nợ đọng thuế, cơ quan thuế sẽ tập trung đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin nhằm bảo đảm bảo công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Đồng thời, tập trung thu nợ khi hết thời gian gia hạn theo Nghị định 41, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất.

Thu thuế cao nhờ truy thu Coca Cola và Heineken

Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ, Tổng cục Thuế, 5 tháng đầu năm 2020, ngành thuế thu ngân sách ước đạt 500.017 tỷ đồng, bằng khoảng 40% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Kiểm tra (Tổng cục Thuế), cho biết thêm, có 2 cuộc thanh tra kéo dài nhiều năm, kết thúc cuối năm 2019 và số tiền thuế bị phạt, truy thu nộp chuyển sang năm 2020 nên kết quả chung 5 tháng đầu năm mới cao như vậy. Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, số tiền trên liên quan đến việc thanh kiểm tra, truy thu thuế của Coca-Cola Việt Nam, Heineken Việt Nam. Nếu loại trừ hai khoản thu trên, kết quả thu rất thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm, tổng số tiền ngân sách trung ương, địa phương và kho bạc đã trích ra dự phòng, chi trả trực tiếp cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID -19, chi cho hoạt động phòng chống dịch thường xuyên là hơn 12.369 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 29/5 các địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng với kinh phí khoảng 12.100 tỷ đồng (chủ yếu phê duyệt đủ cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và người nghèo, cận nghèo).

Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng qua, ngân sách trung ương cũng cấp hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Bộ Tài chính cũng đã hỗ trợ 339 tỷ đồng cho một số địa phương thực hiện chính sách phòng chống dịch tả lợn châu Phi và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.