Doanh nghiệp ‘khát’ tiền, mong hạ lãi suất

TPO - Chiều ngày 15/9 tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức “Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng đồng bằng sông Cửu Long". Vốn, lãi suất và cơ chế là 3 điểm nhấn doanh nghiệp đang mong muốn ngành ngân hàng xử lý. 

Chữa bệnh thừa tiền khó hơn chữa thiếu tiền

Mở màn phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN ông Đào Minh Tú cho hay: Tín dụng ĐBSCL là khu vực rất quan trọng, lúa gạo an ninh lương thực, ngoài ra còn là khu vực xuất khẩu. Mạnh về tôm cá, tạo nguồn thu ngoại tệ rất quan trọng. Chưa kể, cũng là khu vực kết hợp phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế khác như điện gió, cảng biển.

“Về phía ngành ngân hàng (NH), chúng tôi xác định đây là vùng rất quan trọng, trong đó chủ yếu tập trung lúa gạo, thuỷ hải sản. Ngân hàng Nhà nước luôn xác định ý thức của ngành các. Ngân hàng thương mại (NHTM) đều có trách nhiệm cộng đồng phát triển kinh tế khu vực này”, ông Tú chia sẻ.

Điểm lại bức tranh khó khăn của kinh tế đất nước thời gian qua với thách thức GDP cả năm phấn đấu đạt 6,5% sẽ là thách thức, Phó Thống đốc bày tỏ sự quan ngại khi đến nay tăng trưởng tín dụng cả nước mới được 5,56% trong kih năm ngoái cữ này đã đạt hơn 9,5%, tức là chỉ hơn một nửa so với cùng kỳ. Câu chuyện khó khăn tín dụng hết năm nay hay phải 2024? Theo ông Tú, tất cả vẫn đang phía trước.

Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định hỗ trợ tín dụng để phát triển kinh tế khu vực Đồng băng sông Cửu Long.

“Các vấn đề lớn doanh nghiệp (DN) đang gặp phải đó là hàng hoá tồn đọng, tiêu thụ sản phẩm. Tôi chỉ nói ngay đến câu chuyện con tôm thôi. Ví dụ như Tập đoàn Minh Phú có đến 24 điểm nhà máy sản xuất từ Thanh Hóa trở vào, nhưng rất khó về tiêu thụ. Các bạn nước ngoài ví dụ họ không từ chối nhập nhưng nhờ giữ hộ trong kho vì ngay đến hàng nhập sang rồi cũng chưa tiêu thụ được”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, NHNN mỗi năm phải tăng 1 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế qua cho vay nhưng thời gian vừa qua lại rất áp lực về vấn đề vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán khó khăn, DN chưa trả được gốc cũng phải trả lãi… Tất cả điều đó tác động đến vốn ngân hàng.

“Phải nói thẳng là về vốn ngân hàng đang thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền cũng khó, chữa bệnh thừa tiền khó hơn. Hay nói cách khác, DN tồn kho hàng hóa, ngân hàng tồn kho tiền. Đây là thực trạng ảnh hưởng đến vấn đề nền kinh tế và DN. Làm sao để đẩy mạnh tín dụng này ra, tăng cường tín dụng hơn nữa đó là điều NHNN quan tâm", ông Tú nói.

Doanh nghiệp muốn có cơ chế riêng?

Hội nghị về tín dụng cho ĐBSCL vốn được xem là “đến hẹn lại lên”. Năm nay với chủ đề tập trung vào cho vay lúa gạo và nuôi trông thủy sản, có 3 vấn đề lớn mà doanh nghiệp xuất khẩu các lĩnh vực này quan tâm nhất đó là vốn, thị trường và cơ chế đặc thù.

Đơn cử như Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo đang có chuỗi cung ứng từ A-Z lớn nhất Việt Nam mong muốn được có cơ chế vay ngắn hạn dài hơn 6 tháng do vòng quay vốn của Lộc trời từ lúc gieo trồng hạt gạo, đến thu mua rồi xuất khấu tới tận tay doanh nghiệp, siêu thị nước ngoài lên tới 18 tháng. Giám đốc tài chính Lộc Trời cũng bày tỏ: ”Chúng tôi đang có đơn hàng xuất khẩu gạo lớn bằng doanh số cả năm 2022 tuy nhiên, điều cần nhất là vốn với số tiền lên tới 15 - 16 ngàn tỷ. DN cũng mong được có cơ chế hỗ trợ”, vị này nói.

Doanh nghiệp không chỉ cần vốn vay, lãi suất thấp mà còn đang cần cả lãnh đạo các tỉnh rốt ráo mở rộng hỗ trợ họ tìm kiếm thị trường khai thác mới.

Nói về nhu cầu, ông Ngô Minh Hiền - TGĐ Cty thuỷ sản Cà Mau - cho hay, hiện gói vay hỗ trợ của các NHTM dành cho DN ở đây là 15 ngàn tỷ thì mới chỉ có 5.000 tỷ được cho vay ra tức là mức hỗ trợ mới đạt 30% trong điều kiện DN vẫn đang gặp khó khăn về vốn vay. Ngoài nguyện vọng ngành ngân hàng làm sao tăng cơ hội cho DN tiếp cận vốn, ông Hiền cũng khẳng định: “Tiền là một vấn đề còn lãnh đạo các tỉnh cũng cần xem xét cơ chế tìm kiểm đối tác, thị trường cho DN”

Đại diện Công ty TNHH Lộc Vân, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết hiện đang vay vốn từ ngân hàng với lãi suất dao động từ 7,3-9%/năm với kỳ hạn 6 tháng, mặc dù lãi suất đã giảm so với đầu năm 2023 tuy nhiên so với năm 2021 thì mức này vẫn cao.

Theo đó, đại diện Công ty Lộc Vân đề nghị NHNN cần có giải pháp chỉ đạo các NHTM hạ thêm lãi suất cho vay để các DN mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Bênh cạnh, cần linh hoạt cơ chế ho vay theo thời vụ phù hợp (chủ yếu liên quan đến tài sản thế chấp ngoài bất động sản như hợp đồng kinh tế).

Ngành ngân hàng cần tháo gỡ gì cho DN? Theo đại diện NHNN, về vốn, NHNN đã tìm đủ cách tạo điều kiện tối đa để DN tiếp cận được vốn, cho DN vay để họ bán được hàng, có nguồn tiền trả lại ngân hàng. Về cơ chế cũng đang tìm cách hỗ trợ, dự án nhất là bất động sản làm sao tháo gỡ được khó khăn pháp lý để triển khai. Còn câu chuyện tạo thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua quan hệ ngoại giao quan hệ sứ quán, làm sao tiếp tục khai thông được câu chuyện hàng hóa, trong nước làm sao khơi thông tạo thị trường trong nước, NHNN khẳng định cần sự vào cuộc của các cấp ngành.

Cuối tháng 8, dư nợ ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng; dự nợ cho vay nông nghiệp nông thông chiếm 50%. Theo bà Hà Thu Giang, vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế: Dư nợ thuỷ sản khu vực này đã đạt 129 ngàn tỷ đồng (tăng 8,5%); dự nợ lúa gạo đạt 103 ngàn tỷ đồng ( tăng 9%). Dự kiến từ nay đến cuối năm hai ngành lĩnh vực này cũng tăng trưởng nhanh.

“Muốn đẩy tín dụng cao hơn nữa, các ngân hàng phải thúc đẩy mình. Hạ lãi suất cho DN là hỗ trợ quan hệ cộng sinh. Hai tuần vừa qua, chúng tôi bật ra câu chuyện cho vay ngân hàng này, trả ngân hàng kia nếu không giảm lãi suất cho DN. Hiện có cả trăm ngân hàng, cả trong ngoài nước. ĐBSCL đều không dưới 10-15 chi nhánh/tỉnh, riêng cần Thơ gần 30 chi nhánh ngân hàng. Chắc chắn, các NHTM sẽ cạnh tranh nhau nếu muốn cho vay khách hàng tốt với lãi suất cạnh tranh nhất có thể”, đại diện NHNN nhấn mạnh.