Doanh nghiệp dược kêu vướng đủ đường

TP - Tại hội nghị “Nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh thuốc trong nước” diễn ra ngày 26/7 tại Quảng Bình, nhiều doanh nghiệp sản xuất kêu khó vì “vướng” đủ đường. 
Thuốc nội còn ít được xuất hiện trong kê đơn

Bà Phan Thị Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Dược TW Huế cho biết, với cơ chế đấu thầu doanh nghiệp dược chỉ trúng thầu khi đưa ra thuốc “giá rẻ nhất” như hiện nay, chắc chắn nhiều nhà máy thuốc của doanh nghiệp trong nước đóng cửa. Bà Tâm đưa dẫn chứng ngay nhà máy sản xuất kháng sinh Cephalosporin của mình không trúng thầu nên phải đóng cửa từ năm 2013, và đến nay thất thu hơn 100 tỷ đồng.

  

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Pymepharco cho rằng có những tín hiệu tích cực từ cuộc vận động “Người Việt dùng thuốc Việt”. Tuy nhiên thực tiễn cuộc vận động này có tình trạng hiểu sai, vô tình triển khai chương trình theo hướng sử dụng thuốc Việt bằng mọi giá, xem nhẹ yếu tố chất lượng và hàm lượng khoa học. “Cách làm này sẽ cổ súy cho xu hướng phát triển tiêu cực, vì chỉ cần thuốc nội với giá rẻ là đủ, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh. Về lâu dài làm như thế là triệt tiêu động lực vươn lên đầu tư khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất trong nước”- ông Nam nói. 

“Hiện nay doanh nghiệp nội mạnh ai nấy đầu tư, cùng một hoạt chất có 100 thuốc trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau. Thậm chí, riêng kháng sinh có đến 700 loại cạnh tranh”

Bà Trần Thị Đào

Người đứng đầu của Pymepharco cho rằng, vấn đề sản xuất nhượng quyền tại Việt Nam cũng vô tình khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó. Ông Nam dẫn chứng: “Đối với nhà đầu tư nước ngoài vì chỉ cần chuyển giao hồ sơ nhượng quyền cho một nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP tại Việt Nam thì sản phẩm nhượng quyền tạo ra cũng tương đương sản phẩm đạt chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP. Vì vậy nhà đầu tư nước ngoài không cần thiết phải đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong khi với nhà đầu tư trong nước cũng hết nỗ lực đầu tư vươn lên đổi mới kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế vì nó không có ý nghĩa trong trường hợp nhượng quyền này”. 

Bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, cho rằng từ khi có thông tư đấu thầu mới, thuốc nội khó cạnh tranh vào thầu nên phải cạnh tranh với thị trường tự do. “Hiện nay doanh nghiệp nội mạnh ai nấy đầu tư, cùng một hoạt chất có 100 thuốc trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau. Thậm chí, riêng kháng sinh có đến 700 loại cạnh tranh”- bà Đào chia sẻ. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một trong những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất dược trong nước là chi phí cho quảng cáo và hoa hồng được quy định thấp, mới chỉ 5%-10%. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài chi tới 30% cho quảng cáo. “Làm ra thuốc tốt nhưng không có chính sách quảng bá, tuyên truyền thuốc đến bác sĩ kê đơn và người bệnh thì thuốc nội cũng khó đến tay người bệnh” - bà Tiến nói, đồng thời chỉ đạo thời gian tới khi xây dựng văn bản chính sách cần mời đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam. Bộ trưởng cũng khẳng định: Sẽ đánh giá và tiến tới xem xét có bao nhiêu % thuốc Việt trong kê đơn. 

TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng trong chiến lược phát triển ngành dược thời gian tới cần tập trung vào phát triển sản xuất thuốc generic, phát triển vắc- xin và thuốc từ dược liệu.

PGS Lê Văn Truyền- chuyên gia cao cấp dược học nhìn nhận, thuốc generic là thuốc phát minh đã hết hạn bảo hộ bản quyền nên có giá thành khá rẻ, bằng 20% thuốc mới được phát minh sản xuất. Vì vậy, theo ông Truyền các nhà sản xuất dược trong nước cần xây dựng chiến lược sản xuất thuốc generic có hiệu quả điều trị và chất lượng, đáp ứng mô hình bệnh tật của Việt Nam với giá cả cạnh tranh.