Trao đổi với PV Tiền Phong, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cho hay, đang chịu đủ sức ép từ cơ quan quản lý đến việc gặp khó khăn trong tìm nguồn cung xăng dầu do tác động của cuộc chiến ở Ukraine khiến mọi thứ đều khó khăn hơn trước rất nhiều.
Hiện tại, doanh nghiệp đang chịu lỗ từ 3.000-5.000 đồng/lít xăng dầu. Do bị lỗ rất lớn mỗi ngày nên doanh nghiệp chỉ gắng sức cầm cự đủ nguồn hàng để không bị cơ quan quản lý “sờ gáy”.
“Hiện tại, cứ mỗi tàu xăng dầu được nhập về, doanh nghiệp bị lỗ 30 - 40 tỷ đồng. Chúng tôi đã làm mọi cách để đảm bảo cấp xăng dầu cho hệ thống của mình nhưng chắc chắn các đơn vị khác sẽ không trụ được quá lâu nếu doanh nghiệp lỗ lớn kéo dài như hiện nay”, vị này nói.
Theo ước tính của lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn thuộc top 5 thị trường khi trao đổi với PV Tiền Phong, dù đã giảm gần như bằng không các khoản chi hoa hồng cho đại lý nhưng với lượng bán trên toàn hệ thống hiện nay, ước tính doanh nghiệp đang bị lỗ bình quân 3.000 đồng/lít xăng, dầu. Chỉ tính riêng trong tháng qua, doanh nghiệp bị lỗ khoảng trên 450 tỷ đồng.
“Kinh doanh khó khăn, thua lỗ nặng đã ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp xăng dầu chúng tôi còn đang phải còng lưng trả lãi cho khoản vay ngân hàng từ vài chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Cá biệt, có doanh nghiệp đang bị âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lên đến hơn 800 tỷ đồng. Đây là những khoản thiệt hại mà doanh nghiệp không biết kêu thế nào. Lỗ tính bằng trăm tỷ/tháng chưa kể vay cả trăm tỷ đồng để bù vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm. Tính ra, doanh nghiệp xăng dầu đang bị lỗ kép. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới xoá được phần lỗ này trong báo cáo tài chính”, vị này cho hay.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khu vực phía Nam cho biết, chỉ so với giá xăng dầu hiện hành, nếu tính đủ các chi phí, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 3.800 đồng/lít và mỗi lít dầu lỗ hơn 4.000 đồng/lít. “Giờ chúng tôi chỉ còn đủ sức ưu tiên đảm bảo nguồn để cấp hàng cho các đại lý, tổng đại lý đã ký hợp đồng dài hạn. Các đơn hàng vãng lai khác chúng tôi đều phải từ chối vì càng bán càng bị lỗ”, ông nói.
Theo các doanh nghiệp, nỗi lo nhất lúc này không phải là giá thế giới tăng mà là cơ quan quản lý không điều hành kịp thời, sát với diễn biến thị trường thì mức lỗ của doanh nghiệp trong ngành sẽ không biết thế nào mà lường. Chỉ cần cuộc chiến tại Ukraine chấm dứt, giá dầu đột ngột quay đầu thì toàn bộ số hàng mà chúng tôi đang tiến hành nhập từ nay đến quý 2 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương mới đây sẽ bị mắc kẹt vĩnh viễn ở mức đỉnh lịch sử trong 14 năm trở lại đây.
“Giá dầu mỗi ngày tăng 15-18 USD/thùng thì khi lao dốc tốc độ sẽ còn lớn hơn. Chúng tôi cũng không dám nghĩ đến điều đó vào lúc này. Giờ cơ quan quản lý yêu cầu thì chúng tôi phải thực hiện”, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu nói với PV Tiền Phong chiều 10/3.
Cũng theo vị này, điều khổ nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là trong cảnh bị tăng giá đúng kiểu “té nước theo mưa” tăng cả về giá và phụ phí khi mua hàng từ chính các nhà máy lọc dầu trong nước và ở nước ngoài.