> Lần đầu bầu trực tiếp Bí thư tỉnh Đoàn
Tuổi trẻ Đà Nẵng: Xây dựng TP đáng sống
Món quà mới nhất mừng ĐH là 2 Nhà văn hóa thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới vừa khánh thành tại thôn Gò Hà (xã Hòa Khương) và Yến Nên (Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng.
Hội LHTN vừa tổ chức hội thảo Bốn đồng hành; Hội Sinh viên thực hiện các đợt tình nguyện tại nước bạn Lào, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 6.000 người dân vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Sekong và Atapư.
Anh Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, cho biết: Luôn bám sát chương trình mục tiêu của T.Ư Đoàn, nhưng tuổi trẻ áp dụng một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của TP. Tổ chức Đoàn chú trọng hoạt động cảm hóa TTN chậm tiến, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo được đến trường, xung kích xây dựng môi trường văn minh đô thị.
Đây là một trong những điểm mới trong hoạt động Đoàn nhằm gắn chặt trách nhiệm của thanh niên với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành TP thân thiện, hấp dẫn, đáng sống.
Theo đó, nhiều mô hình hay được duy trì, phát triển từ cơ sở như Ngày Chủ nhật xanh–sạch–đẹp; cấp nước sạch miễn phí cho hộ nghèo (quận Hải Châu); các CLB Vươn lên, Thắp sáng niềm tin, cảm hóa giáo dục TTN chậm tiến và giúp đỡ người sau cai nghiện ở quận Đoàn Thanh Khê… thông qua các hình thức sinh hoạt phong phú như giao lưu, trò chuyện nhằm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giúp đỡ các TTN từng lầm lỡ trở lại với cuộc sống, phát triển kinh tế. Kết quả có gần 200 hội viên CLB sau cai (CLB Vươn lên) thay đổi nhận thức, có lối sống tích cực và quay trở lại phục vụ cộng đồng.
Đặc biệt, thành Đoàn phối hợp Hội CCB và công an TP tổ chức cho 176 trẻ em chậm tiến tham quan thực tế trại giam, tổ chức buổi trò chuyện với Bí thư Thành ủy, tạo cơ hội cho các em giãi bày tâm tư nguyện vọng cùng lời hứa tiến bộ.
Hội Doanh nhân trẻ với dự án Bão không vào Đà Nẵng đã phát huy trí tuệ của hơn 300 hội viên là lãnh đạo, kỹ sư trẻ nghiên cứu, thảo luận đề xuất giải pháp phòng bão một cách hiệu quả, an toàn cho từng ngôi nhà trong TP.
Dự án đưa ra các sơ đồ chống bão, nguyên tắc xây nhà an toàn, cách thức trú ẩn tại các công trình công cộng khi có bão lớn. Đồng thời dự án cũng vận động được 200 triệu đồng hỗ trợ khó khăn cho các hội gia đình.
Công tác hiến máu tình nguyện, ngoài việc vận động được hơn 19.000 đơn vị máu, Đà Nẵng đã hình thành 12 đội hiến máu dự bị, Ngân hàng máu sống với gần 400 thành viên, tập hợp 20 người thuộc nhóm máu hiếm RH- để đảm bảo vấn đề cung cấp máu kịp thời cho người bệnh…
Bến Tre: Khát vọng từ những cây cầu
Những cây cầu lớn Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên...ra đời nhờ sức trẻ đang đưa Bến Tre, vốn bị bao bọc bởi nhiều con sông, xích lại gần hơn nữa với các tỉnh miền Tây, đồng thời mang theo khát vọng tuổi trẻ Bến Tre được hòa nhập để học hỏi và vươn lên.
ĐH Đoàn tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2012-2017 mang những hy vọng, quyết tâm vươn lên chuyển mình của lớp thanh niên thời đại mới trên quê hương Đồng Khởi.
Sự sáng tạo, năng động của cán bộ Đoàn, ĐVTN được ghi nhận ở khắp nơi trong toàn tỉnh. Với mục tiêu hướng đến dân nghèo cũng như ĐVTN đang gặp khó khăn về nhà ở, các đội hình tình nguyện được thành lập với hơn 15 ngàn lượt bạn trẻ tham gia, hỗ trợ ngày công vận chuyển vật tư, xây dựng nhà.
Qua 5 năm triển khai, tuổi trẻ Bến Tre vận động, xây tặng 787 Nhà nhân ái (20-25 triệu đồng/căn) với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng. Chương trình Vườn tri thức với 70 máy tính, 12 điểm “Truy cập xanh” ở khắp các huyện giúp đông đảo thanh niên tiếp cận với tri thức.
Đoàn TN trường Cao đẳng Bến Tre với phong trào Nuôi heo đất để giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt. Mới tiến hành trong một học kỳ, nhưng đầu tháng 7 vừa rồi, Chi đoàn mổ heo thu được 1.089 quyển vở và gần 29 triệu đồng.
Tại trường phổ thông Hermann Gmeiner, chuyên mục Việt Nam gấm hoa thực hiện dưới hình thức hỏi đáp xoay quanh những kiến thức về biển đảo Việt Nam đang gây tiếng vang.
Công tác tập hợp thanh niên ở Bến Tre gây ấn tượng đặc biệt với mô hình CLB những người nhiễm HIV/AIDS mang tên Dừa xanh ra đời từ cuối năm 2007.
Từ chỗ còn mặc cảm, e ngại, sau đó các thành viên trong CLB đã sống tích cực hơn và nhận rõ trách nhiệm của bản thân, dũng cảm nói về mình, làm những việc hữu ích cho xã hội.
Cũng về tập hợp thanh niên, CLB Hát với nhau (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) ra đời cuối năm 2008 để lại dấu ấn trong việc tạo sân chơi bổ ích, giúp tuyên truyền giáo dục bạn trẻ.
Ngoài việc thu hút hàng trăm thanh niên trong xã thường xuyên tham dự chương trình văn nghệ hàng tuần, thông qua bán nước giải khát, CLB còn tích lũy kinh phí hỗ trợ cho 7/7 chi đoàn ấp hoạt động hằng tháng.
CLB còn thu hút đông đảo thanh niên ở xã lân cận tham gia. Ngoài giao lưu văn nghệ, CLB còn lồng ghép để tuyên truyền cho bạn trẻ về pháp luật, lối sống lành mạnh.
Còn nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ đang từng ngày giúp Bến Tre thay da đổi thịt như mô hình nuôi bồ câu ở ấp An Định 1 (An Ngãi Trung, Ba Tri); CLB Cắt tóc từ thiện (Phường 5, TP Bến Tre); CLB Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội ở xã Phú Hưng (TP Bến Tre)...
Câu lạc bộ kỹ năng
CLB kỹ năng xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) mới ra đời từ đầu năm 2011, nhưng đã được nhiều người biết đến; không chỉ là sân chơi của giới trẻ mà thu hút đông đảo thành phần, lứa tuổi tham gia.
Đến với CLB, các thành viên được trang bị các kỹ năng cơ bản về biểu diễn, kịch, hát, múa, khiêu vũ quốc tế; được cung cấp những kỹ năng sống, có thêm hiểu biết về pháp luật.
CLB cũng thường xuyên tổ chức giao lưu với đơn vị bạn để thành viên vừa trao đổi, học hỏi kinh nghiệm vừa tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích...