Đoản khúc 'cà phê đường tàu'

TP - Bây giờ mới lò dò ra xứ sở cà phê đường tàu thì e rằng quá muộn, nhưng muộn còn hơn không…
Bàn cà phê trang trí theo phong cách thời bao cấp (giả hòm đạn). Ảnh: DPV

Dấu tích, trầm tích thời xa vắng

Gửi xe máy ở đầu phố Phùng Hưng đoạn giáp chợ Hàng Da, chúng tôi leo lên những bậc thang cao cao để hòa vào dòng người, chủ yếu là du khách đang chiếm lĩnh “phố đường tàu”- tên gọi mới của đoạn phố có tàu chạy sát nhà dân. Bãi trông xe máy có lẽ mới phát sinh, khá rộng rãi. Còn đoạn Điện Biên Phủ thấy có biển “nhận trông xe vào phố đường tàu” thì vỉa hè chật chỉ để được ít xe, do vài nhà dân ở đó nghĩ ra sáng kiến để cải thiện đời sống.

Tôi với Cẩm Vinh- con dâu danh họa Bùi Xuân Phái nhẩn nha đi dọc đoạn phố đang là điểm nóng trên báo chí. Cẩm Vinh mấy chục năm sống ở phố cổ Cửa Đông và Thuốc Bắc - ngay gần đây, mà phải thú nhận không hề biết và quan tâm đoạn phố này, không nghĩ người dân có cuộc sống thế này, cho đến khi tận thấy.

Đó là một bức tranh sinh động về thời bao cấp mà khỏi cần chờ đến triển lãm mới được chiêm ngắm, dù đất nước đổi mới đã ba chục năm có lẻ. Nhà cửa không những sát đường tàu mà còn bé tin hin, san sát nhau, và khi tò mò dõi mắt nhìn sâu bên trong thì thấy các vật dụng thiết yếu từ  ti vi, giường tủ, xô chậu…đều hết sức tuềnh toàng cũ kỹ. Nhiều nhà đun than tổ ong trước cửa, cá rán xèo xèo khi chúng tôi đi qua. Cũng có một số nhà đỡ hơn. Nhất là khi đã mở quán để hút khách thì những gì khả dĩ nhất được trưng ra mặt tiền.

“Thời bao cấp” cũng là một trường phái trang trí của một số quán xá ở đây. Có cái quán tô điểm mái lá lụp xụp, mảng tường tróc lở. Cẩm Vinh pha trò: “Trông đúng nhà chị Dậu rồi cần gì phải làm vẻ phăng-te-di Chị Dậu nữa”. Tôi hùa theo: “Mà đã bao cấp thì vách phải bằng cót ép chứ thế kia vẫn sang chảnh chán”.

Trong nhà tôi vẫn lưu giữ một số kỷ vật thời bao cấp, dự định đem tặng mấy nhà báo chuyên sưu tầm đồ vật thời này. Ví dụ chiếc áo phin trắng xẻ thân sau, cổ chữ K, phía trước in dòng chữ “Cửa hàng lương thực 168 Lò Đúc” của mẹ tôi hồi xưa. Và tôi khuyên các nhà sưu tầm nếu cần tìm hiểu, xin hoặc mua kỷ vật thời này thì đến xóm đường tàu, có mà đầy.

Mùa thu nay khác rồi

“Mùa thu nay khác rồi”, câu thơ Nguyễn Đình Thi đọc lên vào tiết cuối thu này nghe sao mà hợp. “Trời thu thay áo mới/Trong biếc nói cười thiết tha”.

Nói cười thiết tha, mặt mày rạng rỡ và đi lại thoăn thoắt, đó là mấy cậu trai trẻ phục vụ đồ uống cho khách du lịch ùn ùn đổ về địa chỉ du lịch hiếm có khó tìm này, trên thế giới.

Các quán này đều rất nhỏ, nhiều nhà chỉ vài mét nhưng đều có thiết kế hẳn hoi. Đơn giản thôi- vật liệu rẻ tiền, bài trí giản tiện dân dã, phù hợp cảnh quan. Bàn ghế chủ yếu là gỗ tạp hoặc mây tre. Có quán sáng kiến trang trí bàn gỗ mô phỏng hòm đựng đạn ngày xưa, lại còn ghi dòng chữ: ĐẠN B41M… SL: 6 Thân. KL: 36 kg. Đã lắp ngòi”. Rất chi “hoài niệm” hihi.

Gần như quán nào cũng có nét khôn ngoan, chắc họ học được nhau, ví dụ viết thực đơn bằng nét chữ nguệch ngoạc, giờ tàu chạy qua cũng nguệch ngoạc, vẻ gần gũi. Một số quán vẽ tàu hỏa lên tường, một số thì trang trí những bức ảnh Hà Nội cổ. Nhưng số tranh ảnh cổ này hơi ít và chưa được đẹp - đúng kiểu thợ vườn thậm chí “nhà trồng”.

Chúng tôi chọn cái quán ở đoạn giữa đường để nhìn hướng nào cũng tiện. Gọi hai quả dừa tươi (cho lành), giá 40.000 đồng/quả, dặn chủ quán không thêm đường, và phạt miệng quả dừa rộng ra, để còn tự nạo lấy cùi mà xơi. Xong ung dung ngắm người lại qua.

Du khách nước ngoài rất thích thú khi trải nghiệm chụp ảnh trên phố Đường Tàu. Ảnh: Như Ý

Hôm trước xem được clip có anh du khách ngoại quốc tươi như hoa phát biểu: “Tôi đến đây bởi ở đây tôi có thể gặp những con người từ khắp thế giới đổ về”. Chỉ hai tiếng ngồi cà phê đường tàu, thấy đúng là “cả thế giới” thật.

Nhiều chàng nàng mang vẻ đẹp rất Trung Đông, đúng là đẹp từ lông mày đẹp đi. Mà nghe chừng đàn ông lại xuất sắc hơn phụ nữ. Cẩm Vinh lại pha trò: "Toàn bọn đáng trục xuất cả" (Dựa trên "Sự tích" một chàng Ả Rập bị trục xuất vì quá đẹp giai) Âu, Mỹ, Phi đủ cả và cũng đủ lứa tuổi. Nhật, Hàn, Trung Quốc… có hết. Người thì lững thững đi dọc đường tàu với máy ảnh chuyên dụng khoác vai và ánh mắt sắc sảo - có vẻ là một nhà báo. Người thì nhao ra giữa đường tàu say sưa chụp ảnh cho nhau. Người thì ngồi trong cái quán bé xíu mà trò chuyện hoặc thư thả thưởng thức đĩa mì xào, mẹt bún chả, ly cà phê trứng. Vài người ngồi bên nhau nhưng mắt lại nhìn điện thoại, trong khi chờ tàu đến… Thật là “bình yên như cơn nắng”.

Có người chỉ đơn giản là ngồi đó ngắm người lại qua, mắt dừng lâu hơn ở một dáng dấp nóng bỏng nào đó, hoặc ai đó ăn vận bắt mắt.

Bỗng trời đổ cơn mưa rào! Một số vị đang ngồi trên gác, không mái che, vội sơ tán. Trên đường ray thì mấy tay có lẽ phượt thủ (nước ngoài), thản nhiên giở ba lô lấy áo mưa, ung dung đi dọc đường ray, dáng dấp “gợi tình”. (3 tiếng nữa mới có tàu nên không sợ). Nãy vừa thấy đội nón ngộ nghĩnh, giờ đã cơ động áo mưa.

Nhìn ánh mắt của những người hoàn toàn xa lạ, ở những đất nước khác nhau, bỗng chốc dừng lại rồi chú mục vào nhau, tôi nghĩ hẳn có những cuộc tình khởi phát từ nơi đây, thủ đô ồn ào bụi bặm này. Có thể lắm chứ.

Ðộc đáo, hấp dẫn, hay là không?

Đang ngồi thư giãn ở đường tàu- việc mà trước kia chẳng bao giờ nghĩ ra, thì người nhà tôi gọi điện và khi biết đang ở chỗ “đó đó”, bèn hỏi có độc đáo, hấp dẫn như mấy đứa mô tả trên mạng không. Tôi nói “cũng được”. Người nhà hài hước: “Từ khi không xả thẳng xuống đường ray thì không còn độc đáo nữa rồi”.

Lịch tàu chạy qua phố đường tàu được các quán niêm yết

Giai thoại ngành đường sắt nhà ta thì nhiều lắm. Về liên tưởng của người nhà tôi trên kia: Chả là ngày xưa, mỗi khi đi tàu chúng tôi thường nghe kể rằng chất thải được xả thẳng xuống đường ray bởi “gió sẽ xé, hoại nó chứ không cần đến cái đựng”. Chả biết có thật không nhưng ám ảnh.

Bây giờ, đoạn phố đường tàu này, không hiểu có phải do muốn hút khách du lịch mà thấy cũng tương đối sạch, không có rác mấy. Ngoại trừ chỗ lô nhô sỏi đá ở mạn gần phố bích họa, thì cũng có đường hẹp để dạo bộ hẳn hoi chứ chả đến nỗi. Đoạn cắt Điện Biên Phủ thì không hiểu có phải vì sỏi đá lô nhô quá mà gần như không có quán xá.

Quán tôi ngồi, cũng như đa số quán khác, bé tí, vài mét. Bên kia đường tàu vài mét nữa. Chủ quán cứ phải chạy qua chạy lại hai bên đường tàu để phục vụ khách. Tôi hỏi: “Chị sống ở đây lâu chưa? Mỗi nhà bên này đường đều có diện tích gióng thẳng sang bên kia đường à”.

Chị cho biết gia đình mình cũng như phần lớn dân ở đây xuất thân là cán bộ nhân viên ngành đường sắt, trụ đã được 7 chục năm. Ai cũng khổ sở chật chội cho nên có tí diện tích phụ bên kia, dùng để làm bếp hoặc nhà vệ sinh. Đúng là bếp và restroom độc đáo nhất thế giới! (Và có thể được gọi là tận dụng đất lưu không).

Chị cho biết mấy mét phụ đó cũng tồn tại 7 chục năm rồi, biến thành góc nhỏ quán xá được một năm nay, từ khi du khách tò mò thích thú đổ xô đến. Và: “Xưa giờ, chưa hề có tai nạn nào xảy ra ở đây”. Chị kể đời sống thay đổi từ khi có du lịch cà phê đường tàu nhưng rồi chột dạ thế nào lại bảo “cũng chả bán được mấy đâu, có được mấy tiền đâu”.

Về khoảnh khắc đoàn tàu lừ lừ đi đến, một du khách mô tả “vừa gai người vừa phấn khích với cảm giác tàu cách mình có mấy chục phân”. Mấy chục phân là do khách cố tình đứng gần thôi chứ cứ ngồi yên tại quán thì cách khoảng 2 mét.

Hỏi một du khách Việt khoe dạo này thường xuyên đến đây, rằng không sợ chút nào sao, cũng nguy hiểm đấy chứ thì nghe đáp: “Tàu đến lúc nào đều biết mà chuẩn bị, nào là chủ quán thông báo, mọi người báo cho nhau, lại có lịch in sẵn trên tường thì sợ gì nhỉ”.

Giả sử là tôi, cho tiền cũng không sống nơi này. Vì tôi dị ứng với tiếng ồn và bụi bẩn. Ghét nhất đoạn phố phải chui qua gầm cầu Long Biên. Nếu phải đi đúng lúc đoàn tàu chạy qua thì nhất định phải chờ nó qua hẳn, không liều đi bên dưới. Ám ảnh.

Ngồi ở xóm đường tàu mà không khỏi nghĩ về những kiếp người. Những đứa trẻ lẫm chẫm tập đi và lớn hơn một chút- chắc bố mẹ chúng không bao giờ dám rời mắt và rời nửa bước. Rồi người lớn có phải ai cũng khôn đâu, đầy người dại chứ, đi đứng chuệch choạc, lỡ một giây một khắc thì sao.

Tôi cũng từng không hiểu, vì sao đoạn phố có tuyến tàu hỏa chạy qua đường Nam bộ mà dân ở đó lại chọn kinh doanh đèn trang trí, là thứ rất dễ vỡ. Nhưng không thế không phải người Việt! Lũ lụt phải leo lên nóc nhà, lên cây để trú mà vẫn cười toe toét- đó là người Việt. Chả cười thì còn biết sao giờ! Phải sống, mà thôi. Cũng như dân xóm đường tàu này. Định mệnh và sinh kế mà lỵ.

Về số phận cà phê đường tàu, một chuyên gia ngành du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất nên thêm các hình thức in tranh ảnh, kể chuyện về những chuyến tàu, lịch sử hình thành đường sắt,... để du khách vừa trải nghiệm loại hình mới, vừa quảng bá được văn hóa và lịch sử thủ đô. Ông cho rằng đây là loại hình kinh doanh thí điểm, cần sự quyết liệt trong công tác quản lý để xem hiệu quả đến đâu. Ông bộc lộ quan điểm như vậy trong bối cảnh Hà Nội quá thiếu điểm hút khách du lịch.

Dân làm du lịch Hà Nội vẫn có câu tổng kết nổi tiếng: “Cơm tối rối nước”, nghĩa là du khách đến Hà Nội có chương trình ăn cơm ăn phở xong thì đến tiết mục xem rối nước trong khi chờ đi Hạ Long, còn thì chẳng biết đi đâu làm gì nữa.

Còn chúng tôi, sau một buổi chiều trải nghiệm phố đường tàu, bèn tiện đà đi đến đoạn phố bích họa Phùng Hưng để tham quan triển lãm ngoài trời tên là Ký ức Hà Nội nhân 65 năm giải phóng Thủ đô. Vừa bước qua cổng chào, thấy thú vị với hình ảnh mô phỏng “vườn không nhà trống”, nào bao tải cát làm thành lũy, rồi cánh cửa gỗ in dòng chữ “tạm biệt thủ đô”… Ký ức sâu đậm một thời.

Đó là bên hữu còn bên tả- vỉa hè bên này đường là gì? Là một sạp lớn thịt chó chín, màu nâu đỏ, con nào con nấy mình mẩy “căng đét”. Mùi vị nồng nàn tỏa ra không gian.Tự dưng thấy phản cảm, còn phản cảm hơn cả những hệ lụy mà cà phê đường tàu gây ra- nếu có…

Một số báo ước tính mỗi ngày hàng nghìn lượt khách đổ về phố đường tàu. Hai tiếng đồng hồ ngồi đây, tôi ước chừng có không dưới 500 người đi qua đi lại trước mặt mình và ngồi rải rác quán xá. Khi chúng tôi rời phố đường tàu thì vẫn đầy đoàn du khách nước ngoài hớn hở, lũ lượt leo những bậc thang để tiếp cận nơi chúng tôi vừa rời đi. Thật không ngờ một nơi thế này lại trở thành điểm du lịch hút khách nước ngoài nhất xưa giờ.

Có quán đặt tên “Choo choo”- giải thích là mô phỏng tiếng còi tàu. Đúng ra phải là “Too Too” (hoặc Tu Tu chứ nhỉ). Và nhớ lại lời bài hát thuở nhi đồng thối tai- “Xình xịch, xình xịch xình xình xịch; tu tu, tu tu tàu băng nhanh, băng nhanh” thì có một gợi ý tên quán nữa: “Xình Xịch”?