> Nhiều dự án dở dang gây lãng phí, thất thoát
> 'Không phát hiện tham nhũng, tôi không tin!'
Sân bay quốc tế cách nhau 100km
ĐB Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng, việc quy hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư gần như không có sự kiểm soát trong phạm vi quốc gia gây ra lãng phí rất lớn về đất đai, tiền vốn. Trong khi đó, trách nhiệm không thuộc về ai.
“Kết quả giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ QH còn như vậy, nếu công dân, tổ chức khác giám sát thì quả thật chúng tôi rất băn khoăn”
Đại biểu Lê Văn Tân
Ông Tân cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, gây hậu quả kép cho xã hội. “Dư luận xã hội đề cập đến quy hoạch cảng biển, sân bay rất nhiều lãng phí. Hai sân bay quốc tế cách nhau khoảng 100 km nếu đi đường bộ hết khoảng một giờ hay 2 sân bay nội địa cách nhau khoảng 40 km.
Xây dựng một sân bay khá tốn kém, nhưng một tuần có mấy chuyến bay”- Ông Tân nói và đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung thêm những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc lập quy hoạch, kế hoạch về kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, một số lĩnh vực quan trọng với nhiều hành vi gây lãng phí đang diễn ra trong thực tiễn nhưng chưa được dự thảo luật quy định để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền.
Bà Minh nêu ví dụ: các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nâng cấp thành cao đẳng, đại học theo phong trào, quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu nguồn nhân lực đã gây lãng phí rất lớn.
“Nếu không phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân gắn với trách nhiệm, để xảy ra lãng phí sẽ phải đền bù thỏa đáng thì những quy định về các hành vi gây lãng phí trong dự thảo luật sẽ vừa thiếu, vừa không khả thi và khó đi vào cuộc sống.”- Bà Minh góp ý.
Đồng quan điểm này, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, lãng phí trong giáo dục, đào tạo là mấy lần lãng phí. Thứ nhất là lãng phí thời gian của cả thầy và trò. Thứ hai là lãng phí tiền của của xã hội và gia đình.
Lãng phí: Phải xử lý hình sự
ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng, hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì tham nhũng. Thế nhưng quyết tâm xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm và chế tài đối với người đứng đầu, cán bộ công chức chưa được quan tâm đúng mức.
“Lãng phí ghê gớm lắm. Bây giờ tham nhũng còn có người cụ thể, bỏ tù được, thu hồi được, còn lãng phí thì vô cùng, không định lượng được.”- Ông Kỳ nói. Theo ĐB này, điển hình lãng phí là lễ khởi công làm quá linh đình, tốn kém. Tiếp đến là lễ hội, hội nghị.
“Có những hội nghị triệu tập cả nước, mỗi tỉnh 5 chức danh họp một ngày, thậm chí một buổi, trong khi hệ thống họp trực tuyến đã có. Tiết kiệm được vấn đề này thì xây được bao nhiêu nhà tình nghĩa cho người nghèo, đối tượng chính sách”- Ông Kỳ nói.
ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, trong nhiều trường hợp yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc. Trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công ba ca để rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả nhưng quy chế đấu thầu không xem đây là điều kiện quan trọng mà chỉ chú trọng đến yếu tố giá cả. Dẫn đến xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) bày tỏ, bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma chính là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay. Sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định quy hoạch, đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau là những động cơ vụ lợi nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách, cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra lãng phí.
“Thực chất ý chí cá nhân chính là yếu tố quyết định nhưng khi hậu quả xảy ra được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể hoặc vô can vì pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định rất chung chung”- Bà Xuân nói và kiến nghị: Việc sửa đổi, bổ sung lần này phải quy định rõ, người đứng đầu quyết định gây ra lãng phí phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính, dân sự và thậm chí trách nhiệm hình sự.
Tăng giám sát của báo chí
ĐB Lê Văn Tân cho rằng, việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất khó khăn. Năm 2013, Ủy ban Thường vụ QH giám sát tối cao việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với số vốn vài trăm nghìn tỷ đồng.
Thế nhưng qua giám sát cũng không nêu lên được trong sử dụng mấy trăm nghìn tỷ đó thì tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Lãng phí bao nhiêu? Địa chỉ lãng phí ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? “Kết quả giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ QH còn như vậy, nếu công dân, tổ chức khác giám sát thì quả thật chúng tôi rất băn khoăn.”- Ông Tân nói.
Theo ĐB này, việc giám sát của các cơ quan báo chí hiệu quả khá tốt. Ông Tân đề nghị bổ sung thêm nội dung các cơ quan báo chí có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng đồng tình, cần tăng cường vai trò của báo chí trong phát hiện và đấu tranh chống lãng phí.
Ngoài ra, theo ĐB Lê Văn Tân, cần quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm công khai các tài liệu không phải là mật lên trang thông tin điện tử.
Bởi, dự thảo luật quy định 4 hình thức công khai nhưng trong những lĩnh vực lãng phí thì người đứng đầu thường lựa chọn hình thức ít công khai nhất. Khi không có đủ thông tin thì không thể giám sát được.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội): Thanh tra, kiểm toán... vỗ vai
Nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn tương đối xuê xoa, đến vỗ vai, ra ăn uống, quan hệ rồi cho qua, mà cho qua nhiều cái lớn chứ không phải nhỏ. Đánh giá của Chính phủ còn nhẹ quá, cần đánh giá nghiêm túc hơn nữa. Chúng ta coi lãng phí là quốc nạn thì phải thiết kế được những điều luật để phòng lãng phí.