> Hà Nội phải phá ba cầu vượt mới xây?
> Hà Nội: Xây thêm 15 cầu vượt bộ hành
Là trưởng khoa chuyên ngành về bộ môn Đường bộ tại Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) đồng thời cũng là thành viên Ban Tư vấn Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, PGS-TS Bùi Xuân Cậy không bất ngờ trước thông tin 3 cây cầu vượt trị giá gần 5.000 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng hơn 5 năm đang có nguy cơ phải phá bỏ.
Theo ông Cậy, không chỉ ba cầu vượt mà nhiều công trình tiền tỷ khác ở Thủ đô, nếu vẫn giữ cách quy hoạch và tầm nhìn như vậy thì nguy cơ sẽ còn phải đập bỏ nhiều.
Cách quy hoạch và tầm nhìn về giao thông Thủ đô đang có vấn đề? Ông có thể cho biết cụ thể hơn việc này?
Tuy đã phát triển hàng chục năm, nhưng GTVT Thủ đô vẫn chưa có quy hoạch phát triển chi tiết, Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vẫn đang phải điều chỉnh và chờ phê duyệt.
Do chưa có quy hoạch chi tiết nên các công trình giao thông phát triển manh mún, công trình làm trước, quy hoạch, phê duyệt sau. Thấy chỗ nào ùn tắc thì tổ chức phân luồng, xây cầu vượt mà không nhìn rộng xem nguyên nhân sâu xa là gì.
Ùn tắc ở Hà Nội hiện nay có các nguyên nhân chính, do mặt đường hạn hẹp; đầu tư, triển khai chưa đúng mức; Thủ đô vẫn chưa có được những công trình giao thông (đường vành đai, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…) đúng tầm; và một nguyên nhân sâu xa hơn là để dân cư tập trung quá đông vào khu vực nội thành.
Trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Hà Nội đến năm 2020 có nhấn mạnh đến việc xây dựng các tuyến đường vành đai, nhất là vành đai 1, vành đai 2 và đường sắt trên cao. Ngoài có tính kết nối vùng, khu vực; đường vành đai 1, vành đai 2 có tính phân luồng phương tiện cho khu vực nội đô.
Cụ thể, nếu đường vai đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Láng thi công xong tình trạng ùn tắc tại đường La Thành, nút Láng Hạ - Giảng Võ sẽ cơ bản được giải quyết, các phương tiện từ phía Cầu Giấy cũng không phải đổ vào đường Nguyễn Thái Học, Kim Mã để sang khu vực Bách Khoa và ngược lại. Hoặc đường vành đai 3 đoạn cầu Minh Khai - Trường Chinh - Cầu Giấy cũng chẳng cần đến đường trên cao nếu như chiều rộng mặt cắt đường được giải phóng đúng thiết kế là 70 m.
Thực tế các dự án trên có thực hiện, nhưng do chưa được đầu tư đúng mức nên triển khai hơn chục năm nay vẫn chưa dự án nào xong, thậm chí một số dự án đường sắt đô thị vẫn nằm yên trên giấy. Và thay vì đầu tư, dồn sức cho các dự án trọng điểm này hoàn thành thì cơ quan có trách nhiệm lại vẽ nhiều dự án khác, vừa tốn tiền của vừa không mang lại hiệu quả giao thông cao.
Đây phải chăng cũng một trong những nguyên nhân khiến ba cây cầu vượt triệu đô vừa đưa vào sử dụng vài năm đã có nguy cơ phải phá bỏ?
Việc xây cầu vượt để tránh ùn tắc ở các nút giao thông có mật độ xung đột lớn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần tính toán kỹ khi mà giao thông Thủ đô phát triển chưa ổn định và chưa có quy hoạch rõ ràng.
Theo tôi, để vừa giải quyết được bài toán ùn tắc, vừa phục vụ được việc làm đường trên cao như hiện nay, ở ba nút giao thông Mai Dịch, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng vừa qua chỉ nên xây cầu vượt bằng kết cấu thép. Ưu điểm của loại cầu này là vừa ít tốn kém vừa linh động, có thể tháo dỡ dễ dàng khi không còn nhu cầu sử dụng.
Song, không hiểu do tầm nhìn hạn chế hay vì lý do nào đó, tất cả các cầu vượt kia (kể cả cầu vượt tại Mai Dịch) nằm trên hệ thống đường vành đai 3 đã được Bộ GTVT phê duyệt khi đó vẫn được đổ bằng bê tông vĩnh cửu.
Việc xây đường trên cao, đặc biệt với đường vành đai 3 đang được triển khai, ông có giải pháp nào cho tương lai 3 cầu vượt?
Về việc xây dựng đường trên cao trên đường vành đai 2 đi qua cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở tôi mới biết thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, theo thiết kế đã được phê duyệt từ nhiều năm trước, mặt cắt đường có chiều rộng 70 m. Vậy nhưng, sau nhiều năm xây dựng, hiện mặt cắt tuyến đường này đoạn rộng nhất cũng chỉ từ 7 đến 10 m.
Trước sự phát triển nhà cửa, công trình kiến trúc ở hai bên đường bây giờ giải phóng mặt bằng để đạt được con số như thiết kế là điều không tưởng. Có lẽ biết điều đó nên cơ quan chức năng đã chuyển sang phương án làm đường trên cao?
Dưới góc độ chuyên môn, tôi thấy rằng, tuy là vành đai nhưng hầu hết các tuyến đường này đều đi qua khu vực đô thị, tập trung nhiều công trình nhà cửa của người dân; chưa nói đến tương lai hai cây cầu vượt, nếu xây dựng đường trên cao ở đây cần phải cân nhắc kỹ mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và cảnh quan, kiến trúc.
Với tuyến đường vành đai 3, trong quy hoạch dự án cũng có dành một quỹ đất ở giữa để phát triển hệ thống đường phụ trợ nên bây giờ làm đường trên cao ở đây là phù hợp. Tuy nhiên, tại nút Mai Dịch đang hiện hữu một cây cầu vượt bằng bê tông cốt thép nên đường trên cao qua đây cần phải có tính toán khoa học chứ không nên phá bỏ.
Theo tôi, cầu vượt Mai Dịch vẫn tồn tại nếu được thiết kế nối trực tiếp với đường trên cao. Cụ thể, trước khi lên cầu chủ đầu tư cần chỉ đạo các đơn vị thi công điều chỉnh thiết kế cho đường trên cao tiếp đất một đoạn ở hai đầu lên xuống, sau đó hòa đường vào cầu. Tuy có đứt mạch lưu thông và ảnh hưởng đến mỹ quan một chút nhưng sẽ cứu được cầu vượt Mai Dịch.
Về tương lai của cầu vượt Mai Dịch, một trong 3 cây cầu có nguy cơ bị phá bỏ đầu tiên khi BQL Dự án Thăng Long triển khai đường trên cao trên tuyến vành đai 3, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội xác nhận với PV Tiền Phong: Chưa thấy BQL Dự án Thăng Long đưa ra phương án gì cho cầu vượt Mai Dịch.
“Nếu triển khai đường trên cao tại đoạn này mà để cầu vượt sẽ rất dở, vì vậy nhiều khả năng cầu vượt Mai Dịch sẽ phải đập đi”, vị cán bộ này nói. Về tương lai của 2 cầu vượt Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng, vị cán bộ này cho biết, các đơn vị liên quan đang nghiên cứu để tìm phương án tối ưu.