Định cư trên sao Hỏa

Hiện nay, trên thế giới có hơn 100.000 người tha thiết muốn cư ngụ trên sao Hỏa, trong đó có khoảng 30.000 người Mỹ. Họ sốt sắng đăng ký vé cho chuyến du hành một chiều lên hành tinh đỏ với hy vọng sống nốt quãng đời còn lại ở nơi chưa từng có dấu chân người này.

Định cư trên sao Hỏa

> Phát hiện 3 ‘siêu trái đất’ có thể tồn tại sự sống

> Phát hiện nước… 3 tỷ năm tuổi 

Hiện nay, trên thế giới có hơn 100.000 người tha thiết muốn cư ngụ trên sao Hỏa, trong đó có khoảng 30.000 người Mỹ. Họ sốt sắng đăng ký vé cho chuyến du hành một chiều lên hành tinh đỏ với hy vọng sống nốt quãng đời còn lại ở nơi chưa từng có dấu chân người này.

Mô hình một khu dân cư trên sao Hỏa trong tương lai. Ảnh: SPACE.COM.
 

Một đi không trở lại

Bất cứ những ai trên 18 tuổi đều có thể đăng ký lên sao Hỏa cho đến hết ngày 31-8. Phí đăng ký phụ thuộc vào quốc tịch. Công ty Mars One, đơn vị hoạch định những chuyến bay đưa người lên sao Hỏa, cho biết mức phí dựa trên tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của từng quốc gia. Chẳng hạn, đối với người Mỹ, phí đăng ký là 38 USD, còn người Mexico chỉ phải nộp 15 USD. Tuy nhiên, ông Bas Lansdorp, giám đốc điều hành và cũng là nhà sáng lập Mars One, chưa tiết lộ đã có bao nhiêu người nộp phí đăng ký.

Ông Lansdorp xác nhận chuyến bay đầu tiên của Mars One sẽ tốn khoảng 6 tỉ USD. Trong năm nay, công ty sẽ chọn lựa khoảng 40 nhà du hành trong số những người đăng ký từ khắp mọi châu lục trên trái đất. Bốn người trong số họ gồm 2 nam, 2 nữ sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên lên sao Hỏa vào tháng 9-2022 và đáp xuống bề mặt hành tinh đỏ vào tháng 4-2023. Theo kế hoạch của Mars One, nhóm 4 người khác sẽ “cất cánh” 2 năm sau đó. Điều đáng lưu ý ở đây là sẽ không một ai quay về trái đất!

Các nhà du hành tương lai sẽ trải qua khóa huấn luyện 8 tháng bắt buộc ở một địa điểm ít người qua lại. Họ được học cách sửa chữa các cấu trúc nhà cửa, trồng rau trong các khoảng không gian hạn chế và các vấn đề y khoa từ nghiêm trọng đến thông thường như bảo vệ răng miệng, rách cơ và gãy xương.

Trái đất mới

“Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng khi con người lên sao Hỏa và cư ngụ trên đó, họ sẽ xây dựng một trái đất mới, một hành tinh mới. Đây là một trong những điều lý thú nhất từng xảy ra và chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với cả thế giới” - ông Lansdorp nhấn mạnh.

Mỗi người được Mars One đưa lên sao Hỏa sẽ mang theo khoảng 2.500 kg hàng hóa hữu dụng. Sau 8 chuyến bay, dự kiến sẽ có hơn 20.000 kg hàng tiếp tế được gửi lên hành tinh đỏ, trong đó không thể thiếu thực phẩm và các thanh năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, các cư dân chinh phục sao Hỏa sẽ không được cung cấp nước hoặc dưỡng khí mà họ phải tự làm ra trên trái đất mới. Họ sẽ lọc lấy nước sao Hỏa từ đất sao Hỏa. Từ nước, người ta có thể tạo ra hydro và ôxy rồi sử dụng lượng ôxy đó để thở. Ông Lansdorp xác nhận: “Chúng ta sẽ tạo ra một bầu khí quyển giống như bầu khí quyển trên trái đất”.

Mars One không phải là tổ chức duy nhất hy vọng làm nên lịch sử bằng cách đưa người lên sao Hỏa. Quỹ Cảm hứng sao Hỏa cũng muốn đưa 2 người - 1 nam, 1 nữ - lên sao Hỏa trong chuyến du hành 501 ngày.

Không phải chuyện đùa

Một số chuyên gia du hành không gian nhận định nguy cơ đối với tham vọng đưa người lên sao Hỏa sẽ rất lớn. Trong hành trình chinh phục một khoảng cách mà con người chưa bao giờ vượt qua thì bức xạ là mối lo lớn nhất. Chuyến bay lên sao Hỏa có thể khiến các nhà du hành rơi vào tình trạng bức xạ tối đa theo tiêu chuẩn của NASA. Và khi ở trên sao Hỏa, mức độ bức xạ sẽ còn cao hơn, gây tổn hại cấu trúc gien của các tế bào, làm cho tế bào chết đi hoặc bị biến đổi thường xuyên dẫn đến ung thư.

Theo Ngô Sinh
Người Lao Động

Theo Đăng lại