Một nhà thơ tiêu biểu cho sự trong sáng
Nhắc đến cố nhà thơ Tô Hà (tên thật Lê Duy Chiểu) nhiều nhà văn, nhà thơ nhớ đến bài “Chuyện không có trong thư”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng, ông chưa đọc “Tiếng hạt nảy mầm” nhưng lại biết bài thơ “Chuyện không có trong thư”: “Vì hồi ấy bài này rất nổi tiếng. “Chuyện không có trong thư” có tứ hay lắm: Những người lính quân bưu đưa thư đến chiến trường. Họ phải trải qua chặng đường vất vả thậm chí đe dọa tính mạng, nào hổ vồ, lũ quét, bom đạn…
Thế mà thư vẫn đến tay người nhận, những chuyện gian nan ấy lại không hề có trong thư”. Khi còn sống, Trần Đăng Khoa có biết Tô Hà nhưng không thân: “Những đồng nghiệp thân cận với ông như nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Phạm Đức cũng đều khuất núi cả rồi”.
Phóng viên kết nối với nhà thơ Vũ Quần Phương. Tác giả bài thơ “Đợi” đã biết ồn ào trên mạng quanh bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm”. Ông cũng như nhiều người cầm bút đã từng quen biết, thân thiết với cố nhà thơ không vui trước hiện tượng “ném đá” văn chương bừa bãi này.
Vũ Quần Phương kể: “Tô Hà làm thơ từ khi còn học phổ thông ở Hải Phòng. Hồi ấy ông đã có thơ đăng ở báo Hải Phòng rồi. Tô Hà cùng lứa với Đoàn Lê. Họ học cùng trường, một người học buổi sáng, một người học buổi chiều. Họ thân nhau, từng đăng báo và ký tên chung Tô Hà - Đoàn Lê. Đó là khoảng những năm 1957, 1958. Tô Hà sinh năm 1939, học xong phổ thông, ông không vào đại học, mà học lớp báo chí, rồi lên Hà Nội làm ở Nhà xuất bản Phổ Thông cùng với Nguyễn Mỹ, Đoàn Văn Cừ. Khi tôi đến chơi với Tô Hà thì gặp cả Nguyễn Mỹ, Đoàn Văn Cừ. Tô Hà và Nguyễn Mỹ rất hay trêu Đoàn Văn Cừ”.
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, cố nhà thơ Tô Hà vào Hội Nhà văn Việt Nam khoảng những năm 70 và đã ra mắt một số tập thơ: “Ông ấy viết chậm và có những bài đáng kể”. Tác giả bài thơ “Đợi” mách phóng viên gõ cửa nhà thơ Vũ Xuân Hoát, nếu muốn biết nhiều điều về cố thi sĩ Tô Hà.
Nhà thơ Vũ Xuân Hoát đã ở độ U80. Ông xúc động khi nhớ về đồng nghiệp: “Chúng tôi cùng ở báo Người Hà Nội. Tô Hà khi ấy là Trưởng ban biên tập báo Người Hà Nội”.
Theo nhà thơ Vũ Xuân Hoát, ngoài làm thơ thì thỉnh thoảng Tô Hà cũng viết văn xuôi nên gia tài văn học khá giàu có. Cũng là một nhà thơ nhưng Vũ Xuân Hoát khâm phục tình yêu thi ca của Tô Hà: “Ông ấy là người hết lòng vì thơ, lấy thơ làm niềm vui sống. Ông say mê thơ vô cùng, một khi đã nói đến thơ là ông ấy có thể nói cả ngày luôn”.
Phóng viên hỏi: “Đời thường của cố thi sĩ Tô Hà có đẹp như thơ ông viết?”. Nhà thơ U80 bỗng sôi nổi hẳn: “Ông ấy quá hiền lành, cực tốt, ở thời bây giờ là tốt hiếm có. Ông nghiêng xuống những phận đời éo le, ai khó khăn, vất vả ông đều cố gắng giúp đỡ, sẵn sàng san sẻ cả đồng lương, đồng nhuận bút ít ỏi của mình. Với tôi, Tô Hà là một nhà thơ quá hay, tử tế, tiêu biểu của sự trong sáng, ai muốn làm gì thì làm ông không ganh đua tỵ nạnh”.
Một đồng nghiệp cùng báo Người Hà Nội, ngoài đời gọi Tô Hà bằng chú, cũng dành những lời trân trọng khi nhắc đến nhà thơ đã khuất: “Ông là người hay lắm. Chính ông nâng đỡ nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Hồi đó, tôi là phóng viên, ông là Trưởng ban biên tập. Với tôi ông là một biên tập viên cần mẫn và chu đáo. Tôi chơi với một nhà thơ, dịch giả tài hoa. Ông ấy lại là cộng tác viên thân thiết của báo Người Hà Nội. Có lần dịch giả khoe với tôi, ông có người bạn “bán áo mưa” làm thơ rất hay. Rồi ông đưa thơ của người bạn ấy cho tôi đọc. Tôi cũng thấy hay nên mang khoe với nhà thơ Tô Hà. Nhà thơ Tô Hà đề nghị tôi đưa ông đi gặp “người bán áo mưa” làm thơ hay. Sau đó, Tô Hà còn sang báo Văn Nghệ để nhắc các đồng nghiệp của mình về một giọng thơ hay và lạ. Lúc đó báo Văn Nghệ đang mở cuộc thi thơ mà “người bán áo mưa” cũng tham gia dự thi. Kết quả, anh được trao giải nhì, tạm biệt công việc bán áo mưa để chuyên tâm cầm bút. Cố thi sĩ Tô Hà luôn nâng đỡ tài năng trẻ trong văn chương, ông không muốn bỏ sót bất cứ một nhân tố tích cực nào”.
“Người bán áo mưa” ở Hà Nội một thuở chính là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Ông chia sẻ: “Sau khi tôi giành giải thưởng ở Báo Văn Nghệ thì nhà thơ Tô Hà giục: Gửi ngay thơ cho mình, mình đăng tiếp vì phát hiện Chiến từ rất lâu rồi”.
Nguyễn Việt Chiến viết nhiều thơ về hoa hồng, trong đó có một bài được Tô Hà chọn in trên báo Người Hà Nội vào thời gian ông sắp tạ từ nhân thế. Nhớ về cố thi sĩ Tô Hà, Nguyễn Việt Chiến không quên một kỷ niệm đặc biệt: “Một lần chúng tôi đi chơi quanh Bờ Hồ, khi ấy còn sót lại cái hầm chống bom. Tô Hà phát hiện rất nhanh, anh chỉ cho tôi: Chiến nhìn xem, cỏ dưới kia có lạ không? Tôi nhìn xuống hầm chống bom thấy màu cỏ trắng muốt, lạ lùng. Tô Hà nhắc tôi: Đây là một tứ hay, Chiến phải nắm bắt ngay. Sau đó cỏ trắng đã vào thơ tôi: Và cỏ trắng âm thầm/ Mọc trong bóng đêm/ Dưới căn hầm bị bỏ quên/ Từ cuộc chiến tranh lần trước/ Không ai đoán được/ Giờ họ ở đâu/ Những người làm thơ dưới chiến hào/ Cầm súng ra đi/ Chứng nhân cuối cùng/ Ngọn cỏ đốt lên/ Một mặt trời nắng”.
Việc của một bông hoa là nở thôi
Nhà thơ Vũ Xuân Hoát đã biết bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” từ trước khi thi phẩm này được đưa vào sách giáo khoa và ồn ào lên. Nhà thơ U80 xác nhận: Trước đây, “Tiếng hạt nảy mầm” không nổi tiếng, không nhiều người biết đến như một số thi phẩm khác của Tô Hà. Nhưng ông đánh giá đây là bài thơ hay, được viết bằng tình cảm trong sáng, chân thành, nghe như tiếng cựa mình của đất, của giống nòi.
Theo nhà thơ Vũ Xuân Hoát, cảm xúc trong thơ Tô Hà luôn từ đời sống trào ra. Phóng viên hỏi bà Trần Khánh Hòa, vợ của cố thi sĩ, một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng: “Bài thơ này có liên quan đến công việc của bà?”.
Bà Trần Khánh Hòa gật đầu: “Vâng, hồi trước nơi tôi làm việc, Viện Tai Mũi Họng Trung ương, có lớp học khiếm thính dành cho các bé. Ông ấy thỉnh thoảng có đến”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng “Tiếng hạt nảy mầm” là bài thơ độc đáo. Ông lại mê hai câu thơ người ta mang ra giễu: “Cánh sẻ vụt qua song/Hót nắng vàng ánh ỏi”. Theo nhà thơ, đây là sự liên tưởng đặc biệt của thi nhân: “Liên tưởng giữa cánh chim với tiếng hót và ánh nắng. Kết hợp giữa ấn tượng thị giác và thính giác. Thính giác là tiếng chim, thị giác là nắng vàng và cánh sẻ”.
Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương bày tỏ: “Phải biết “Tiếng hạt nảy mầm” viết về người khiếm thính. Mà với người khiếm thính phải dùng hình ảnh thay âm thanh. Những người chế giễu bài thơ này không hiểu điều đó, nên suy luận nọ kia”. Ông tỏ rõ quan điểm: “Không biết không đáng trách, không phải khuyết điểm. Vì ai cũng có lúc không biết. Nhưng lại lấy sự không biết của mình để làm chuẩn, rồi chế giễu, hạ thấp tác phẩm, tác giả là điều không nên. “Ném đá” tác giả, tác phẩm đã đành còn nhân chuyện này mắng cả người soạn sách thì tệ quá. Những người soạn sách giáo khoa có thể có khuyết điểm lúc này, lúc kia nhưng không nên thành kiến để mắng lung tung. Riêng với bài thơ này những người soạn sách không có lỗi”.
Vợ chồng cố nhà thơ Tô Hà chỉ có một người con gái, chị không theo lĩnh vực văn chương mà đang công tác trong quân đội với hàm trung tá. Con gái của cố thi sĩ theo dõi người ta mổ xẻ tác phẩm của cha mình trên mạng nhưng không buồn vì chị có niềm tin vào những “đứa con tinh thần” của cha. Bài thơ hay như bông hoa đẹp, tự khoe hương sắc. Chị chia sẻ: “Nếu nhìn theo một cách tích cực thì qua ồn ào này thêm nhiều người biết đến bài thơ của bố tôi và hiểu được tình cảm của ông muốn truyền tải qua bài thơ, rung động với nó. Mỗi người có một cảm nhận riêng, tôi không phán xét. Việc của một bông hoa là nở thôi”.
Sẽ có tuyển tập Tô Hà?
Tác giả “Tiếng hạt nảy mầm” ra đi sớm khi những dự định trong sáng tác và trong cuộc sống còn dang dở. Ông chưa làm tuyển tập văn chương cho mình. Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: Ông đang đề nghị với lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam làm tuyển tập cho Tô Hà.
Tô Hà cũng là một trong những thi sĩ viết nhiều thơ cho vợ. Trong bài “Em về chiêm bao”, ông viết: “Angola là đâu?/ Mà lên đường em khóc!/ Rwanda là đâu?/ Mà tháng năm dằng dặc/ Mà nửa vòng trái đất/ Mà em về chiêm bao?”. Bà Trần Khánh Hoà tâm sự: “Sống với nhau như thế nhưng thời gian nhà tôi ốm, tôi lại vắng nhà, đang công tác ở Angola. Khi còn ở nhà, mọi việc đều do tôi làm hết. Đến khi tôi đi xa, ông thấy vắng nên có thể vì thế mà làm nhiều thơ cho tôi thôi”. Vợ của cố thi sĩ cho biết, bà sang công tác ở Angola 3 năm nhưng đi được 2 năm thì chồng ra đi. Tuy nhiên bà vẫn có mặt cạnh ông trong những ngày cuối cùng của ông. Bà Trần Khánh Hoà nói: “Lúc đó tôi đang ở nhà. Chồng tôi mất trong thời gian tôi ở nhà. Vì tôi về nghỉ phép 1 tháng khi biết tin chồng ốm nặng”. Người thân và đồng nghiệp còn tiết lộ: Ông sống giản dị và “lười” chụp ảnh.