Tỷ giá trung tâm do NHNN đã liên tục được điều chỉnh tăng kể từ đầu năm 2018 đến nay, từ mức 22.415 VND/USD vào ngày 31/12/2017 lên mức 22.605 VND/USD vào ngày 29/05/2018 vừa qua (tương đương mức tăng 0,8%).
Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các NHTM lại có biến động trồi sụt hơn và so với thời điểm cuối năm ngoái thì tỷ giá tại các NHTM có mức tăng thấp hơn tỷ giá trung tâm (chỉ 0,5%).
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tỷ giá trung tâm được NHNN liên tục điều chỉnh trong thời gian qua xuất phát từ nguyên nhân chính, khách quan là đồng USD mạnh lên trên thị trường thế giới. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, đồng USD có xu hướng mạnh lên rõ nét trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của FED. Chỉ số USD Index đã tăng từ mức thấp nhất 88,2 điểm lên mức 94,8 điểm trong phiên ngày 30/05.
So với thời điểm đầu năm thì USD Index hiện đã tăng 2,6%. Việc tăng tỷ giá trung tâm của NHNN là hợp lý khi thuận theo xu hướng khách quan của thế giới tuy nhiên so sánh tương quan thì mức tăng của tỷ giá trung tâm trong nước (0,8%) thấp hơn hẳn so với mức tăng của USD Index (2,6%) trên thị trường thế giới.
Việc chủ động điều tiết giảm giá VND của NHNN nhằm góp phần đảm bảo lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam (khi đồng bản tệ của nhiều nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam cũng suy yêu so với đồng USD). Về tổng thể, mức tăng của tỷ giá như trên, dù liên tục nhưng biên độ còn khá nhỏ (dưới 1%) nên chưa ảnh hưởng nhiều tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay.
Ở một góc độ khác, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam thời gian qua chủ yếu qua các giao dịch khớp lệnh. Còn nếu tính cả giao dịch thỏa thuận (đặc biệt là thương vụ lớn Vinhomes) thì dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào thị trường cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt 1,5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Theo dữ liệu của Bloomberg thì Việt Nam là một trong số ít những thị trường ở châu Á đang có nguồn vốn FII chảy vào ròng tính đến thời điểm hiện tại. Do vậy, việc động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua chưa gây sức ép tiêu cực lên tỷ giá USD/VND.Với diễn biến cung cầu ngoại tế thực tế vẫn đang nghiêng về phía cung, hiện BVSC chưa thấy nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong thời gian còn lại của năm 2018.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ cũng lưu ý su hướng tăng tỷ giá đã hình thành trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, mức tăng mạnh trong ngày 29/5 có thể một phần là do những lo ngại về lạm phát sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu mới.Theo đó, CPI tháng 5 có mức tăng vọt cao nhất so với những tháng cùng kỳ từ trước đến nay trong mấy năm gần đây- lên tới 0,55% tháng này.