Điều em muốn nói lần II: Địa chỉ tin cậy công khai để học sinh nói về bạo lực học đường

TPO - Bạo lực học đường đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường học thì có 1 trường để xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau.

Nghiêm trọng hơn, đối tượng thực hiện bạo lực ngày càng có xu hướng trẻ hóa, mức độ ngày càng nghiêm trọng, hành vi bạo lực cũng ngày càng đa dạng hơn. Không chỉ những dạng bạo lực hành động như thể hiện qua hành vi, lời nói (bạo lực nóng mà còn có một dạng bạo lực kín hơn, khó nhận diện hơn đó là không hành động khi cần thiết, không đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thể hiện thiếu trách nhiệm và bỏ mặc (gọi là bạo lực lạnh hay bạo lực trắng).

ThS. BS Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần – Trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng phòng Trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết thấy số ca đến khám, điều trị vì bạo lực học đường có tăng lên trong thời gian gần đây. Bạo hành không chỉ xảy ra đối với học sinh THPT, THCS mà còn có thể xảy ra đối với học sinh tiểu học, mầm non.

Tìm đến viện không chỉ để chữa, điều trị hậu quả của bạo hành mà thời gian gần đây số lượng nạn nhân đến viện để tư vấn, khắc phục hậu quả do bạo lực học đường tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng do nhận thức xã hội, hiểu biết của cha mẹ, thầy cô đã thay đổi. Vì bạo hành ít khi được học sinh chia sẻ đầy đủ, thường các em chỉ chia sẻ khi đã có hậu quả.

Một phần nữa là do truyền thông tác động và thông tin trên mạng xã hội rất nhanh chỉ cần một nhắp chuột là có thể ra rất nhiều địa chỉ để khám chữa bệnh về tâm lý.

Nguyên nhân nạn nhân tìm đến sớm nữa là hậu quả của bạo lực học đường ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, học sinh mất tập trung. Đấy là những dấu hiệu nhận biết sớm, nếu thầy cô để ý sẽ thấy và sẽ giúp học sinh tìm đến các cơ sở cần hỗ trợ.

Trách nhiệm của người lớn

Bác sĩ Thiện cho rằng hậu quả của bạo lực học đường tùy thuộc từng cá nhân, khả năng ứng phó, khả năng hỗ trợ của nhà trường, gia đình. Nhưng quan trọng nhất là khả năng ứng phó. Ảnh hưởng trước mắt là tâm lý, đến tương tác với bạn bè, xã hội. Còn lâu dài hơn kết quả học tập, tính cách. Vì đang trong giai đoạn hình thành tính cách. Nếu bắt nạt,bạo hành không được chấm dứt thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính cách.

Bác sĩ Thiện chia sẻ một trường hợp đã từng điều trị tâm lý tại viện đó là một học sinh 13 tuổi đến từ Thái Nguyên. Sau đó được người nhà đưa đi học võ. Theo định kì, em học sinh này vẫn xuống khám lại, nhưng việc được học võ giúp em tự tin hơn bên cạnh vai trò hỗ trợ của nhà trường.

Để nhận biết dấu hiệu học sinh bị bạo lực, theo bác sĩ Thiện, phụ huynh quan tâm đến con cũng phải đúng cách, tạo môi trường an toàn để con chia sẻ thông tin.

“Bố mẹ thường bận, không dành thời gian để nói chuyện với con để thực sự hiểu vấn đề. Không cần nhiều thời gian nhưng mỗi đứa trẻ có một cách nói chuyện. Nếu không tạo ra được môi trường an toàn, trẻ sẽ không chia sẻ”, Bác sĩ Thiện nói.

Thầy cô cũng rất quan trọng. Môi trường bắt nạt học đường rất nhiều nơi: môi trường nhà trường, môi trường không gian mạng, môi trường gia đình, môi trường xã hội. Phụ huynh mới chỉ nghiêm khắc trong môi trường xã hội. Do đó chỉ còn môi trường không gian mạng, môi trường nhà trường. Giáo viên chỉ cần quan tâm, để ý là có thể nhận biết được những dấu hiệu học sinh bị bạo hành từ sớm.

Môi trường không gian mạng thì rộng lớn hơn vì học sinh có thể bị bắt nạt khi ở bất cứ đâu. Vì các em thường có các nhóm kín. Nhưng để vào được mạng thì phải được sự cho phép của bố mẹ. Tuy nhiên nói gì cũng phải khẳng định lại khi có vấn đề sẽ không giấu được.

Hậu quả của bạo lực học đường không chỉ khiến học sinh bị tổn thương thể chất mà còn tổn thương tinh thần. Nghiêm trọng hơn, do không tìm được sự chia sẻ, bế tắc trong cách ứng phó, nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra. Vừa qua, Báo Tiền Phong đã có loạt bài về bạo lực học đường, đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân, giải pháp của vấn đề.

Là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn, tiếng nói của giới trẻ, ngày 17/5 , tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, với sự đồng hành của Hội đồng đội Trung ương, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” lần thứ II với chủ đề: Phòng chống bạo lực học đường. Mục đích của Diễn đàn là nhìn nhận toàn diện vấn đề bạo lực học đường, đồng thời tìm giải pháp hạn chế tình trạng trên, giúp phụ huynh, thầy cô giáo, đặc biệt học sinh vượt qua được những khó khăn phát huy tốt việc dạy và học trong trường học.

Diễn đàn có sự tham gia của 2.000 học sinh đến từ các Trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh, các nhà quản lý, bác sĩ cùng với sự đồng hành của diễn viên Quang Anh, Bảo Hân và đặc biệt là sự có mặt của Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2022 và Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022.