Trong phóng sự điều tra được BBC phát sóng, quyền thứ trưởng Tài chính Mỹ Adam Szubin, phụ trách mảng tội phạm tài chính và khủng bố, khẳng định ông Putin là “một hình ảnh của sự tham nhũng”.
Ngoài ra, trong chương trình này, một người có tên Dimitry Skarga, từng làm việc tại công ty vận tải biển Sovcomflot của Nga, trả lời phỏng vấn khẳng định, đã thu xếp vụ tỷ phú Roman Abramovich tặng du thuyền trị giá 35 triệu USD cho ông Putin. Dù vậy, luật sư đại diện của ông Abramovich, người đồng thời là chủ đội bóng Anh Chelsea, đã bác bỏ thông tin này, gọi đó là đồn đoán.
Phát biểu với BBC về những cáo buộc trong phóng sự, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Không có câu hỏi hay vấn đề nào đáng được trả lời bởi chúng hoàn toàn là hư cấu”.
Đây không phải lần đầu tiên các quan chức Mỹ bình luận về tài sản của ông Putin. Tuy nhiên, đây có lẽ là lần đầu ông chủ điện Kremlin bị cáo buộc trực tiếp bởi một cơ quan trong chính phủ Mỹ.
Năm 2014, Bộ Tài chính Mỹ từng dò xét tài sản của ông tổng thống Nga, và cáo buộc rằng “Putin có những khoản đầu tư vào Gunvor và có khả năng đã tiếp cận tiền của Gunvor”, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh. Có trụ sở tại Thụy Sỹ, Gunvor là hãng giao dịch dầu lớn thứ tư thế giới.
Điện Kremlin trước đây từng chỉ ra một xu hướng chung của báo giới phương Tây trong việc sử dụng các cáo buộc tham nhũng vô căn cứ, hòng hạ uy tín chính phủ Nga và Tổng thống Putin. Phát biểu với kênhRT tháng 5/2015, Chánh văn phòng điện Kremlin Sergey Ivanov đã xem những cáo buộc này là “một dạng của quá trình tống tiền…chủ yếu từ báo giới Mỹ và Anh”.
Ivanov gọi những bài viết như vậy là “đồ bỏ đi”, “không thể được tôn trọng bởi những người thực sự nghiêm túc trong phân tích thông tin”.