Điện ảnh Việt Nam: Bao giờ đi qua thời mộng du?

TP - Một nền điện ảnh mà chỉ rầm rộ mỗi mùa Tết, sau đó biệt tăm cho đến… mùa Tết năm sau thì không thể gọi là nền điện ảnh phát triển. Đó là tình trạng mộng du.
Một cảnh trong Võ Lâm truyền kỳ - bộ phim có doanh thu cao nhất trong các phim Việt Nam chiếu dịp Tết 2007

1. Cho đến thời điểm đầu tháng 3/2007 này, bộ phim Võ lâm truyền kỳ với vốn đầu tư mạnh, đã thu về 16 tỉ đồng làm cho ông bầu Phước Sang xoa tay hài lòng, phim Chuông reo là bắn thu về khoảng 7 tỉ đồng cũng khiến cho nhà phát hành Đào Thu lấy làm an tâm và mừng khấp khởi (vì phim này đầu tư với số vốn vừa phải).

Những phim chiếu mùa tết Đinh Hợi vẫn còn được chiếu thêm một thời gian dài nữa, sau địa bàn trọng điểm là TPHCM, Hà Nội, sẽ bung ra trên nhiều tỉnh thành khác…

Phim Việt Nam mùa tết Đinh Hợi đã giỏi nghề hơn, có ý tưởng hơn, dù màu sắc chính vẫn là vui nhộn, đúng với truyền thống người Việt Nam ta hay cười, “cái gì cũng cười”.

Nhiều người đã bất ngờ với Võ lâm truyền kỳ do Hãng phim Phước Sang sản xuất, đi những bước đột phá trong kỹ xảo điện ảnh, trong kết hợp yếu tố giải trí hài hước với thông điệp xã hội.

 Đạo diễn Lê Bảo Trung ngày càng đáng nể trong những thước phim hành động. Và, đằng sau sự hành động là những ấp ủ, hoạch định để phim ảnh hóa thành giấc mơ nhân văn trong lòng xã hội Việt Nam.

Làn sóng xã hội hóa đang dâng, không chỉ ở việc bỏ vốn sản xuất, mà còn kéo theo việc đầu tư phát hành. Chuông reo là bắn của hãng phim Giải Phóng được nhà phát hành Đào Thu mua lại để chiếu rạp mùa Tết.

Giới thạo tin cho rằng bộ phim được mua vì hình ảnh đẹp, diễn viên xinh xắn, câu chuyện phim kể về việc phát tán, lắp ghép hình ảnh trên mạng internet vẫn còn sốt dẻo.

Hãng Thiên Ngân cũng chọn đề tài gây sự chú ý, khi bỏ vốn cho đạo diễn Lê Hoàng thực hiện phim Trai nhảy, chĩa ống kính vào thế giới đồng tính. Không cần thiết phải dài dòng ngôn từ bình luận về phim vì sẽ trở thành thừa thãi.

Hoặc gật đầu chấp nhận, hoặc lắc đầu thở dài. Đó cũng là một “phong cách” làm phim kiểu riêng, nếu có thể tạm gọi như thế. Tuy nhiên khi hỏi về doanh thu bộ phim này, nhà sản xuất không muốn trả lời báo chí, điều này có thể cũng được xem như một sự trả lời về doanh thu “không tiện nói ra”(?).

2. Vậy là đã ba mùa Tết liên tiếp, giới làm phim tư nhân Việt Nam đã hoàn toàn chinh phục “trận địa” hệ thống rạp. Tết 2006 với Đẻ mướn, 2 trong 1. Tết 2005 với Khi đàn ông có bầu, Nữ tướng cướp. Hầu như phim nước ngoài vắng bóng trong những đợt phim tết. Phim ngoại không đương cự nổi?

Có một dẫn chứng nằm ngoài thông lệ chung đó. Bộ phim Nơi tình yêu bắt đầu (The Holiday), với dàn diễn viên gạo cội Kate Winslet, Cameron Diaz, Jude Law..., khi công chiếu tại Megastar Cineplex - trong tuần phim tết Đinh Hợi vừa qua - đã có sức hút vượt qua những phim Việt Nam chiếu cùng lúc.

Cụ thể là tại cụm rạp Megastar Cineplex, các phim Võ lâm truyền kỳ, Chuông reo là bắn, Trai nhảy chỉ chiếm khoảng 1/3 đến 2/3 số khán giả nếu so với số liệu 8.000 lượt người xem của phim Nơi tình yêu bắt đầu.

Phải thừa nhận là từ khi xã hội hóa điện ảnh đi vào cuộc sống, các hãng phim tư nhân Phước Sang, Thiên Ngân… đều gặt hái thành công. Chất xám cho điện ảnh phát triển được rộng nguồn hơn, lấy “dưỡng chất” từ các thành phần xã hội, thay vì co cụm trong vài hãng phim nhà nước, đã dẫn đến những doanh thu ngoạn mục.

3. Vỗ tay động viên cho những chuyển động nêu trên, kéo khán giả chịu đến rạp bỏ tiền mua vé xem phim Việt Nam. Nhưng sự thực là vẫn còn cả núi vấn đề để phải lo.

Một nền điện ảnh mà chỉ rầm rộ mỗi mùa Tết, sau đó biệt tăm cho đến… mùa Tết năm sau thì không thể gọi là nền điện ảnh phát triển. Đó là tình trạng mộng du. Đi lại trong mùa Tết, rồi sau đó lại nằm ngủ, nền điện ảnh mộng du của Việt Nam đã là thế trong nhiều năm rồi.

Nhìn về tương lai, kỳ vọng phim ảnh khỏe khoắn hẳn, không vướng bệnh mộng du - cách nào?

Đề tài đa dạng hơn. Thể loại phim đa dạng hơn. Hướng về khán giả để có một nền điện ảnh gần gũi với sự thật cuộc sống và nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Sự đa dạng - thể loại, đề tài, thị hiếu - trở thành mấu chốt của bất kỳ giải pháp nào trong kỳ vọng giúp cho điện ảnh Việt Nam thoát khỏi mộng du, nhất là vào năm nay, 2007, tạm gọi là “khởi đầu cho kế hoạch điện ảnh và thời hội nhập WTO” - nghĩa là điện ảnh phải thực sự gắn liền với những chuyến xe đầy từ hai phía: Người sản xuất và khán giả.