Điểm nhấn trong cuộc chiến 'đả Hổ' của Trung Quốc năm 2019

TP - Năm nay, hoạt động “đả Hổ” của Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ, không hề suy giảm cả về phạm vivà cường độ. Theo thống kê chưa đầy đủ của tờ “Giải phóng”, tính đến ngày 19/12 đã có ít nhất 23 cán bộ diện trung ương quản lý bị đưa ra xét xử trong năm 2019.
Bạch Hướng Quần, Phó Chủ tịch Khu tự trị Nội Mông bị xét xử

Hơn một phần ba là quan chức cấp tỉnh

Trong số 23 quan tham bị trừng trị, có các cán bộ lãnh đạo của các bộ và ủy ban ở trung ương, cũng có các “quan đầu” của các tỉnh, thành và khu tự trị, hoặc người phụ trách các doanh nghiệp nhà nước quan trọng. Điều này đã kế tiếp những đặc điểm “sâu rộng và không có vùng cấm” của cuộc chiến “đả Hổ” ở Trung Quốc những năm gần đây.

Điều đáng chú ý là, trong số 23 “Hổ” bị đưa ra xét xử có 8 Phó tỉnh trưởng  hoặc Phó chủ tịch Khu tự trị. Trong đó 7 người, gồm Lưu Cường, Phó tỉnh trưởng Liêu Ninh; Phùng Tân Trụ, Phó tỉnh trưởng Thiểm Tây; Quý Tương Kỳ, Phó tỉnh trưởng Sơn Đông; Lý Di Hoàng, Phó tỉnh trưởng Giang Tây; Bạch Hướng Quần, Phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông; Bồ Ba, Phó tỉnh trưởng Quý Châu và Miêu Thụy Lâm, Phó tỉnh trưởng Giang Tô, đều bị quật ngã khi đang trong nhiệm kỳ giữ chức.

 Hình Vân, Phó chủ tịch HĐND Khu tự trị Nội Mông bị nhận án tử hình hoãn thi hành 2 năm

Trên thực tế, không chỉ những người này, mà trong số các cán bộ vừa bị UBKTKLTW tóm cổ năm nay nhưng chưa xét xử, cũng có một số phó tỉnh trưởng, như Từ Quang, Phó tỉnh trưởng Hà Nam và Lý Khiêm, Phó tỉnh trưởng Hà Bắc lần lượt bị điều tra vào tháng 8 năm nay. Vậy điều gì đã khiến cho vị trí “phó tỉnh” này trở thành một bước đột phá mới cho các nỗ lực chống tham nhũng? Qua phân tích về nguyên nhân ngã ngựa của những người này thì thấy không tách rời khỏi sự lạm dụng quyền lực trong tay họ.

4 trong số 23 người bị xét xử thuộc hệ thống Hội nghị Chính trị Hiệp thương (HNCTHT), như Cận Tuy Đông, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch HNCTHT Hà Nam và Lý Sĩ Tường, nguyên Ủy viên Dự khuyết Trung ương khóa 18, Phó bí thư đảng ủy, Phó chủ tịch HNCTHT thành phố Bắc Kinh. Mặc dù các thành viên này của hệ thống HNCTHT đã bị điều tra và xử lý vì tham nhũng, nhưng hầu hết các vấn đề của họ đều không xảy ra trong quá trình giữ chức HNCTHT và HNCTHT không còn là nơi ẩn náu của các phần tử tham nhũng sau khi phạm tội.

Trong số 23 “Hổ”, Trương Hóa Vi và Khưu Đại Minh có nhân thân khá đặc biệt. Trương Hóa Vi là một cán bộ lâu năm trong hệ thống kiểm tra kỷ luật. Ông từng là Trưởng phòng Phòng 5 của UBKTKLTW và Phó trưởng Đoàn Kiểm tra Tài chính Doanh nghiệp đầu tiên của Ban Tổ chức Trung ương. Ông là người lãnh đạo Đoàn Kiểm tra đầu tiên của Trung ương bị ngã ngựa.

Nhận hối lộ là tội phổ biến nhất

Trong số 23 quan tham đã bị xét xử trong năm 2019, người liên quan nhiều tội nhất là Lý Di Hoàng, cựu Phó tỉnh trưởng Giang Tây, dính đến 4 tội danh: nhận hối lộ, tham ô, biển thủ công quỹ và nhân viên doanh nghiệp nhà nước lạm quyền. Hai người khác phạm 3 tội danh. Về kết quả tuyên án, nặng nhất là Hình Vân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Khu tự trị Nội Mông, bị kết án “tử hoãn” (tử hình hoãn thi hành) và 4 người bị kết án tù chung thân.

 Vương Hiểu Quang, Phó tỉnh trưởng An Huy kiếm được hơn 162 triệu từ giao dịch nội gián cổ phiếu

Trong số các tội danh, nhận hối lộ có thể được coi là “tiêu chuẩn”. Tất cả 23 quan tham đã hầu tòa đều có liên quan đến tội nhận hối lộ và phải nhận các mức hình phạt khác nhau cho các khoản tiền và tình tiết khác nhau. Trong số đó, Hình Vân liên quan đến số tiền hơn 400 triệu NDT (1.400 tỷ VND) bị kết án tử hình hoãn thi hành 2 năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Sau 2 năm hoãn thi hành án tử hình được giảm xuống án tù chung thân, nhưng không được giảm án tiếp hoặc phóng thích.

Tuy nhiên, cũng có người phạm phải tội rất hiếm thấy. Ví dụ, từ năm 2011 đến tháng 1/2013, Lưu Cường để được trở thành Phó tỉnh trưởng Liêu Ninh, đã sử dụng chức vụ và ảnh hưởng của vai trò là bí thư thành ủy Phủ Thuận, gom tiền của các doanh nghiệp để biếu xén, hối lộ mua phiếu bầu, phá hoại hoạt động bầu cử, tình tiết nghiêm trọng, ảnh hưởng xã hội rất xấu. Tòa ánđã phán quyết Lưu Cường phạm tội “phá hoại bầu cử”và các tội khác như nhận hối lộ. Ông ta bị kết án 12 năm tù và bị phạt 1,2 triệu NDT.

Số tiền phạm tội của họ thật đáng kinh ngạc. Trong trường hợp của Vương Hiểu Quang, ông ta đã lợi dụng sự thuận tiện trong công việc, mối quan hệ công táchoặc lấy được thông tin nội bộ bất hợp pháp từ người khác để trực tiếp hoặc chỉ đạo người thân của mình mua cổ phiếu có liên quan trong giai đoạn nhạy cảm. Giá trị giao dịch tích lũy lên tới hơn 490 triệu NDT, sau đó bán ra kiếm lợi nhuận hơn 162 triệu NDT(567 tỷ VND).Trần Thụ Long và Bạch Hướng Quần cũng là những kẻ đạt cấp độ “cổ thần” (thần cổ phiếu): Long kiếm lợi được 30,31 triệu NDT (106 tỷ VND) và Quần kiếm được số tiền bất hợp pháp tới 40,52 triệu NDT (141,8 tỷ VND).

Điều đáng chú ý là mức tiền phạt cho cả ba cũng rất đáng kinh ngạc, người bị phạt nhiều nhất tới 170 triệu NDT, kẻ ít nhất cũng 62,5 triệu NDT. Thông qua bản án buộc họ phải nhảra hết những thu nhập bất hợp pháp, không được lợi ích kinh tế gì, là một trong những định hướng để trừng phạt quan chức phạm tội kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, so với tham ô và hối lộ, giao dịch nội gián ít có khả năng bị phát hiện hơn, nhưng lợi nhuận rất lớn và giá thành phạm tội quá thấp. Giáo sư Tống Viễn Thăng thuộc Đại học Chính trị và Pháp luật Hoa Đông Trung cho rằng “ngay cả khi bước vào trình tự tư pháp, so với các tội tham ô và hối lộ, hình phạt cho giao dịch nội gián và rò rỉ thông tin nội bộ vẫn còn quá thấp, cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp liên quan”.