Điểm mặt 'ông lớn' thu ngàn tỷ từ thoái vốn bất động sản

Riêng Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã thu về gần 3.170 tỷ đồng từ thoái vốn bất động sản, chiếm phần lớn trong tổng số đầu tư được các doanh nghiệp Nhà nước rút về.
Ảnh minh họa

Theo cập nhật của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước quý I/2015, các đơn vị này đã thực hiện thoái vốn ngoài ngành, thu về số tiền gần 7.000 tỷ đồng, gấp 1,42 lần giá trị sổ sách.

Trong số này, việc thoái vốn khỏi bất động sản chiếm khoảng 3.200 tỷ, chủ yếu đóng góp từ việc thoái vốn của Viettel (3.169 tỷ). Trong số này, riêng số vốn rút về từ 2 công ty Phát triển đô thị Vinaconex và TNHH Phát triển nhà Viettel (Hancic) đã vượt 3.000 tỷ. Các khoản đầu tư vào địa ốc cũng được nhiều doanh nghiệp khác thu lại, nhưng ở quy mô nhỏ, chỉ khoảng vài tỷ đồng mỗi trường hợp.

Những ông lớn xuất hiện tiếp theo trong danh sách doanh nghiệp có mức thoái vốn cao là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) khi đem về trên 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) thu gần 600 tỷ, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) 526 tỷ…

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận định, việc thoái vốn vẫn diễn ra chậm đối trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. “Nguyên nhân do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến thẩm định. Việc bán đấu giá cổ phần theo lô chưa có hướng dẫn”, báo cáo nhận xét.

Cũng theo Ban chỉ đạo, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 29 doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong số 260 đơn vị còn lại, mới có 73 trường hợp xác định được giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, con số phải hoàn thành trong năm nay vừa được Thủ tướng yêu cầu bổ sung 106 doanh nghiệp.

Một trong những hạn chế dẫn đến quá trình cổ phần hóa chậm là vướng mắc trong xác định giá trị. Việc định giá các khoản đầu tư tài chính khi doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần, xác định cổ phiếu bán cho người lao động... cũng là vướng mắc được nhắc đến.

Tại báo cáo phục vụ cuộc họp giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp do Thủ tướng chủ trì, dự kiến diễn ra chiều nay (26/3), nhiều bộ ngành, địa phương, tổng công ty cũng đã được nêu tên “triển khai quyết liệt nhưng kết quả thấp”, thậm chí “chưa có kết quả”. 

Đó là các Bộ Công thương, Xây dựng, Tài nguyên môi trường. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dù được ngành giao thông đánh gia cao trong năm qua song vẫn bị chỉ tên trong báo cáo này với tư cách đơn vị đạt kết quả thấp. Ngoài ra, một loạt địa phương lớn như Bình Dương, Hải Phòng, Nghệ An cũng bị nhắc nhở.

Theo Theo VnExpress