'Điểm danh' 7 vũ khí kỳ lạ trong lịch sử quân sự

Khi nhắc đến vũ khí quân sự, người ta hay liên tưởng tới ngay súng, đạn, xe tăng, máy bay, tên lửa...tuy nhiên, trên thế giới đã từng xuất hiện những loại vũ khí kỳ lạ, ít người biết đến.

Bom dơi do quân đội Mỹ phát triển để chống Đế quốc Nhật trong Thế chiến II. Từng quả bom chứa 40 con dơi đang ngủ đông. Mỗi con bị buộc với một quả bom Napalm nhỏ và thiết bị hẹn giờ. Sau khi ném từ máy bay, quả bom có hệ thống dù riêng đủ để tạo ra khoảng thời gian cho bầy dơi bay đến bất kỳ nơi nào chúng có thể đậu. Sau đó, bom gắn trên cơ thể con dơi sẽ phát nổ để phá hủy mục tiêu đó.

Biệt đội chó chống tăng là sản phẩm của quân đội Liên Xô trong Thế chiến II. Nhằm ngăn cản bước tiến của Đức Quốc xã, Liên Xô đã buộc chất nổ vào những con chó, rồi huấn luyện để chúng chạy đến dưới các xe tăng của đối phương. Sau trận chiến, Liên Xô cho biết họ đã phá hủy 300 xe tăng của Đức Quốc xã theo phương pháp này. Chương trình biệt đội chó chống tăng kết thúc năm 1996.

Tàu sân bay ngầm lớp Sen Toku-I 400 do Hải quân Nhật Bản phát triển khi Thế chiến II bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Chúng đủ rộng để chứa các máy bay Aichi M6A Seiran xuất kích từ tàu ngầm. Các tàu có thể tiếp cận mục tiêu, phóng máy bay rồi lặn xuống trước khi đối phương kịp phát hiện. Nhà sản xuất cũng trang bị ngư lôi, đại bác và pháo phòng không trên tàu.

Vì sức hủy diệt khủng khiếp đủ tàn phá hàng loạt thành phố, bom hạt nhân không phải là vũ khí có thể tùy tiện triển khai trong các trận chiến. Trong thời Chiến tranh Lạnh, các chuyên gia nảy sinh khái niệm về "vũ khí hạt nhân chiến thuật". Đây là những khẩu pháo bắn đạn hạt nhân, với độ phá hủy không quá lớn nhưng vẫn đủ sức gây thiệt hại cho đối phương.

Máy bay Ekranoplane lớp Lun dài 300 feet (91,44 m) là phương tiện kết hợp giữa tàu thủy và máy bay do Liên Xô chế tạo. Nó chỉ có thể bay ở độ cao 4 m trên mặt đất hoặc mặt nước. Máy bay từng được xem là sản phẩm đột phá để vận chuyển quân và vũ khí. Nó lớn hơn mọi phi cơ và đạt vận tốc nhanh hơn các tàu trong cùng thời đại. Ekranoplane cũng có thể chở đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, Liên Xô không phát triển dự án rộng rãi, cũng như chưa từng đưa nó ra thử nghiệm thực tế.

Hải quân Nhật sản xuất ngư lôi Kaiten và sử dụng từ năm 1944 đến 1945. Đây là loại thủy lôi có người lái, thuộc chương trình vũ khí tự sát mà Nhật Bản triển khai mạnh mẽ đến khi chiến tranh kết thúc. Sau khi phóng từ tàu ngầm, một thủy thủ sẽ điều khiển thủy lôi hướng về mục tiêu kẻ địch để gia tăng sức hủy diệt đến mức tối đa.

Tên lửa do bồ câu dẫn đường là dự án của nhà khoa học B.F.Skinner (Mỹ). Mỗi tên lửa sẽ gắn hệ thống thấu kính ở phía trước mũi để phản chiếu hình ảnh mục tiêu đến màn hình bên trong. Nhiệm vụ của bồ câu là mổ vào mục tiêu trên màn hình. Những cú mổ sẽ quyết định đường bay của tên lửa. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định hủy dự án do tính phi thực tế của nó.

Theo Theo Zing