Trong một xóm trọ tại Tổ dân phố My Điền 1 (thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên), chị Lò Thị Ngoan (quê ở Lai Châu) cho biết, chị đi làm công nhân thời vụ cho một công ty trong khu công nghiệp ở Bắc Giang được hơn 1 tháng thì dịch bùng phát, phòng trọ nơi chị ở bị phong tỏa để phòng chống dịch.
Đến nay, chị cách ly trong phòng trọ được 1 tháng và 5 lần lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính. Làm công nhân thời vụ lương thấp nên chị không còn tiền để sinh hoạt. Ăn uống hằng ngày chị dựa chủ yêu vào sự hỗ trợ lương thực, thực phâm của các tổ chức, cá nhân và chủ nhà trọ.
“Tôi và nhiều công nhân ở xóm trọ mong muốn về quê, vì ở đây chưa có việc làm. Ở nhà có con nhỏ nên tôi càng muốn về quê”, chị Ngoan chia sẻ.
Tương tự, chị Triệu Bùi Ly ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) xuống Bắc Giang làm công nhân ở Khu công nghiệp Vân Trung. Chị đã cách ly trong phòng trọ hơn 1 tháng nay để phòng chống dịch. Đến nay, chi đã 4 lấy mẫu xét nghiệm COVID – 19 và đều có kết quả âm tính. Từ tuần trước, chị đã đăng ký với cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang nguyện vọng sớm được về quê.
“Chúng tôi đã hết tiền, cũng không muốn nhận hỗ trợ trong thời gian dài của các tổ chức, cá nhân. Về quê, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cách ly theo quy định”, chị Ly tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Điện, quê ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ra Bắc Giang làm công nhân được 3 năm. Vừa rồi, anh làm ở Khu công nghiệp Đình Trám. Dịch bùng phát, khu công nghiệp dừng hoạt động. Để phòng chống dịch, anh phải cách ly trong phòng trọ tại Tổ dân phố My Điền 1 được khoảng 1 tháng. Anh mới lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 4 lần, các lần trước đều có kết quả âm tính. Hiện, công ty cũ anh làm việc đã hoạt động trở lại, nhưng chưa cần nhiều công nhân.
“Nếu chúng tôi cứ ở đây lâu quá cũng không ổn, vì lương thực, thực phẩm ngày càng khó khăn. Tôi đã đăng ký với chính quyền địa phương về nguyện vọng sớm được về quê”, anh Điện tâm sự.
Ông Đỗ Xuân Hiền, một chủ nhà trọ tại Tổ dân phố My Điền 1 cho biết, gia đình ông có 70 công nhân đang ở trọ, công nhân chủ yếu ở tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Cao Bằng, Lao Cài…. Khu nhà trọ của ông đã cách ly xã hội hơn 1 tháng. Công nhân ở trọ được xét nghiệm lần thứ 5. Qua tìm hiểu tâm tư của công nhân tỉnh ngoài đang ở trọ nhà ông, hơn 30 người có nguyện vọng muốn về và đã làm đơn đăng ký.
“Công nhân ở trọ nhiều lần xét nghiệm có kết quả âm tính. Họ cứ ăn ngủ mãi trong phòng cũng chán. Hiện, nhiều công nhân cũng bắt đầu cạn kiệt tiền, việc hỗ trợ không thể kéo dài mãi được. Nhiều công nhân không còn tiền sinh hoạt. Gia đình nhà tôi vẫn thỉnh thoảng nấu cơm tặng các công nhân khó khăn. Tuy các công nhân vẫn nhận được lương thực, thực phẩm hỗ trợ hằng ngày, nhưng tâm lý các cháu muốn về quê nhà”, ông Hiền cho hay.
Ông Phạm Hữu Thường, Trưởng phòng Lao động huyện Việt Yên cho biết, đến nay, có hơn 20.000 công nhân tỉnh ngoài đang ở trọ tại các vùng phong tỏa của huyện có đăng ký nguyện vọng muốn về quê.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, hiện có khoảng 60.000 lao động tỉnh ngoài đang ở tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, áp lực về công nhân tỉnh ngoài tại các khu cách ly tập trung và mật độ trong các khu phong tỏa của tỉnh Bắc Giang rất lớn. Trong khi, các nhà máy trong các khu công nghiệp của tỉnh mới khởi động trở lại, nhu cầu sử dụng lao động còn thấp. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch triển khai đưa người lao động của các tỉnh, thành phố từ tỉnh Bắc Giang tạm thời trở về địa phương nơi thường trú.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, số công nhân đủ điều kiện về các tỉnh là F0 đã điều trị khỏi bệnh, F1 đã hoàn thành cách ly theo quy định và người lao động đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần trước khi bàn giao về địa phương.
Hiện, nhiều tỉnh, thành đã liên hệ với tỉnh Bắc Giang để đón công nhân về địa phương. Bước đầu, tỉnh Lạng Sơn đã liên hệ để đưa 4.000 công nhân về nước. Trong ngày 10/6, đã có 304 công nhân quê Lạng Sơn được đưa về.