Địa phương xin cơ chế thu thuế, phí riêng: Có hợp thông lệ?

TP - Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn mới đây cho biết, có một số địa phương đang đề nghị cho cơ chế đặc thù được thu thuế, phí cao hơn mức chung toàn quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chấp thuận cơ chế này đồng nghĩa bộ Tài chính sẽ tạo thêm đặc quyền cho các địa phương, xé rào chính sách pháp luật về thuế.

Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… xin cơ chế đặc thù để được “phụ thu thuế”. Ảnh: Như Ý.

Tại cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo TPHCM cho biết, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương có thêm một số cơ chế đặc thù về tài chính, trong đó có: Cơ chế được phụ thu một số ngành, lĩnh vực kinh doanh mà thành phố có thể thu được; Được xây dựng, quản lý, thu một số loại phí phát sinh trong đô thị chưa được nêu trong luật phí và lệ phí. Theo tìm hiểu được biết, Hà Nội cũng có một số đề xuất được thu thêm thuế phí.

Theo Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sau TPHCM, mới đây Hà Nội, Hải Phòng cùng có kiến nghị trung ương cho phép địa phương được áp dụng cơ chế đặc thu về thu thuế, tạm gọi là các khoản “phụ thu thuế”. “Những kiến nghị đó là cần thiết và hợp lý, phù hợp khuôn khổ pháp luật. Hà Nội đã có Luật Thủ đô, nhưng thẩm quyền quyết định thuộc Quốc hội”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện một số nước cho phép các địa phương trọng điểm kinh tế được quyền “phụ thu thuế” cao hơn các địa phương khác. Như thuế thu nhập cá nhân ở thành phố cao hơn mức chung cả nước, hay một số doanh nghiệp lớn ngoài mức thuế thu nhập doanh nghiệp chung, còn “ấn thêm” 3-5% nộp vào ngân sách địa phương; hay thuế tài sản, người dân ở thành phố có hạ tầng tốt, chính quyền phải chi nhiều tiền hơn cho đầu tư, nên người dân phải nộp thuế tài sản cao hơn.

Trong khi đó, bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) kiến nghị, Việt Nam nên cho phép một số địa phương có tiềm năng tăng trưởng cao được áp dụng phụ thu thuế. Với một số sắc thuế có thể thu cao hơn địa phương khác, như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài sản, hay tự chủ về một số loại phí… “Nhưng chỉ nên áp dụng một cách thận trọng, giúp địa phương có tiềm năng tăng trưởng cao bổ sung nguồn lực”, bà Quyên nói.

Nói về câu chuyện thuế phí, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc tăng thuế phải được tính toán khoa học, có chứng minh cụ thể và phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu. “Không phải cứ nói doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… sướng hơn các tỉnh khác nên phải nộp thuế cao hơn. Hay do địa phương lớn, phải chi nhiều, nên cần tăng thu, như vậy không thuyết phục, cảm tính nên chẳng ai đồng ý”, ông Bình nói. Ngoài ra, theo vị này, thực tế hiện Hà Nội, TPHCM đã có một số loại thuế phí cao hơn mức chung cả nước, như phí trước bạ, phí đăng ký xe…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng bày tỏ quan ngại với những gì gọi là cơ chế đặc thù thường tạo ra đặc quyền, đặc lợi, rất không nên. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường là cạnh tranh bình đẳng, mọi thành phần kinh tế dù ở đâu đều được đối xử như nhau.

Ngoài ra, theo ông Long, khi có các đặc thù, không bình đẳng sẽ không tạo động lực cho tất cả mọi người phấn đấu. Cùng đó, ở thành phố lớn hạ tầng tốt hơn, nhưng tắc đường khắp nơi, ô nhiễm đủ thứ, mưa là ngập… chưa thấy ai nói tới. “Như vậy có thực sự là người dân và doanh nghiệp ở thành phố lớn đang được hưởng lợi thế hơn ở các địa phương khác không. Hay do anh chi tiêu kém hiệu quả, bất hợp lý gây thâm hụt ngân sách rồi lại đẩy trách nhiệm đó lên đầu doanh nghiệp, người dân?”, ông Long đặt câu hỏi. Chưa kể, theo chuyên gia này, các thành phố lớn hiện nay đã được ưu đãi không ít, như ưu tiên vốn đầu tư, tỷ lệ ngân sách để lại, tự chủ cao hơn…

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) thì nhấn mạnh việc không nên cho một số địa phương quyền được “phụ thu thuế”. Điều đó sẽ tạo cuộc đua xin ưu đãi giữa các địa phương, giống như trước đây địa phương đua ưu đãi thu hút đầu tư… “Thế giới có một số nước có cơ chế phụ thu thuế cho địa phương, như Canada, nhưng với Việt Nam còn nhiều điểm cần làm rõ”, ông Tuấn nói.

Trong báo cáo công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam có 13/63 tỉnh thành có số thu phân bổ về ngân sách trung ương, các địa phương khác phải nhờ ngân sách trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, các địa phương có số thu lớn lại không được tự chủ nhiều trong thu ngân sách. Theo WB, trong ngắn và trung hạn Việt Nam cần cân nhắc tạo thêm cơ hội nâng cao tự chủ về thu cho các địa phương trong xác định mức phí trên địa bàn để giúp đem lại nguồn lực bổ sung, đặc biệt ở các địa phương có tiềm năng tăng trưởng cao.