Từ Đài Bắc hiện đại và sôi động, xe ôtô chở đoàn nhà báo quốc tế lao vun vút ra ngoại ô, liên tục xuyên qua hàng chục đường hầm qua núi dài tít tắp, cái ngắn nhất cũng cỡ đường hầm Hải Vân ở ta, chỗ nào ló ra được ngoài trời thì lại như đi trên mây, đường uốn lượn như dải lụa vắt mình bên những sườn núi cao chót vót.
Xứ Đài là vậy, khắp nơi đồi núi chập chùng, đất ít mà người đông. Hòn đảo giống hình chiếc lá này nằm ở Tây Thái Bình Dương kẹp giữa Nhật Bản và Philippines, cách Hà Nội khoảng 4 giờ bay.
Cái thẻo đất ấy chiều dài từ Bắc xuống Nam vẻn vẹn có 395 km, từ Đông sang Tây chỉ 144 km, nhưng có tới 23 triệu người. Ấy vậy mà GDP bình quân đầu người tại lãnh thổ này lên tới trên 20.000 USD với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều ngót 600 tỷ USD.
Xứ này đứng hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), công nghiệp dịch vụ chiếm tỷ trọng tới ngót 70% GDP, nông nghiệp chỉ chiếm 1,7%, còn lại là công nghiệp.
Thả đèn lồng ở Pingxi
Khoảng một giờ sau chúng tôi dừng chân tại cửa ngõ một thành phố nhỏ miền núi có tên New Taipei. Dù trời mưa và khá lạnh, song càng về chiều dòng người đổ về trung tâm lễ hội Pingxi Sky lại càng đông. Theo BTC, năm ngoái có khoảng 2 triệu người ghé thăm thành phố nhỏ bé miền núi song rất nổi tiếng này.
Ông Thị trưởng Eric Liluan Chu cho biết, Pingxi Sky là lễ hội thú vị và đặc sắc nhất Đài Loan, và là “một trong 14 lễ hội trên toàn thế giới không thể bỏ trong cuộc đời” theo bình chọn của CNN.
Du khách tham dự lễ hội
Con đường quốc lộ dài hàng cây số dẫn vào lễ hội được ngăn lại, chăng dây làm 2 làn dành riêng cho người đi bộ đến và đi. Mùa này, xứ Đài lạnh và mưa dầm dề như ở miền Bắc nước ta, ấy vậy mà đoàn người cầm ô vẫn cứ nối đuôi nhau dài miên man như bất tận, nhưng không hề có cảnh chen lấn xô đẩy.
Tối nay, rằm tháng Giêng, mới chính thức diễn ra lễ thả đèn lồng, song ngay từ buổi chiều du khách đã có thể tự tay làm lấy một chiếc đèn lồng đem thả. Nhóm nhà báo quốc tế được các nghệ nhân hướng dẫn tận tình cách làm đèn lồng, cách đốt và thả chúng ra sao.
Trên hai chục nhà báo đến từ Nhật, Mỹ, Anh, Séc, Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Chile, Paragoay, Haiti, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam… chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm hì hục tự làm cho mình một chiếc đèn lồng bằng giấy rồi viết những điều ước của mình lên đó và đem thả lên trời cao.
Không ai bảo ai song một cách rất tự nhiên hình thành ngay các nhóm của từng châu lục, riêng nhóm các nhà báo châu Á gồm Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan có thêm một thành viên ngoại lệ đó là nữ nhà báo Mỹ.
Tôi để ý thấy nhóm nhà báo châu Âu chỉ viết những lời cầu ước mang tính bông đùa vui vẻ như “Ước cà phê và thuốc lá miễn phí cho nhà báo” hoặc “Ước gì tôi sẽ ngủ được trên chuyến bay quay trở về nhà”. Trong khi đó, nhóm nhà báo châu Á lại tỏ ra khá nghiêm túc và thành kính trong việc này.
Anh bạn Nhật Bản của tờ Saikei Shimbun nắn nót viết những lời cầu nguyện về sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc cho gia đình bé nhỏ của mình bằng tiếng Nhật, cô đồng nghiệp người Thái thì cầu chúc sự bình yên và nhân ái, tôi cũng ghi lên đó lời mong ước “an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý” bằng tiếng Việt.
Riêng cô bạn đồng nghiệp người Mỹ ghi ngắn gọn “Happy & Sunny weather” (ước hạnh phúc và trời nắng) vì lúc này trời đang mưa dày hạt và khá lạnh. Phải chăng sự khác biệt văn hóa Đông - Tây đã thể hiện rất rõ trong nội dung các điều ước được viết trên thân những chiếc đèn lồng kia?
Đến và thỏa mãn, hạnh phúc
Buổi tối, mưa mỗi lúc một dầy giăng kín bầu trời Pingxi, song bất chấp thời tiết cả biển người mặc áo mưa, tay giương ô đổ ra đường không còn một chỗ trống. Không thể nhích thêm, tôi đành quay lại chọn vị trí cao trên ban công một nhà hàng để có thể chụp ảnh và quan sát toàn cảnh lễ hội.
Với vị trí của một kẻ “ngoại đạo” như tôi, đúng hơn là đi xem lễ hội chứ không phải thưởng thức, nhìn biển người với hàng vạn chiếc ô ken kín dưới làn mưa lạnh buốt kia, tôi không hiểu động cơ nào khiến họ đổ về cái thành phố miền núi hẻo lánh này chỉ để xem cảnh thả đèn lồng?
Lạ là cái biển người ấy dẫu chỉ nhích từng bước song không hề chen lấn, xổ đẩy nhau. Tất cả đều cố gắng tiến lại càng gần càng tốt nơi sẽ tiến hành nghi thức thả 1.750 chiếc đèn lồng, chia làm 10 đợt từ 18h -21h.
Chứng kiến cảnh này, kẻ ngoài cuộc là tôi đã có lúc rùng mình nghĩ dại, ngộ nhỡ cái biển người kia mà không nhường nhịn nhau, mà thiếu ý thức một chút thôi, cảnh giẫm đạp hỗn loạn xảy ra thì…
Và thời khắc quan trọng nhất đã đến. Bầu trời Pingxi rực sáng bởi hàng ngàn chiếc đèn lồng đang từ từ bay lên, dưới mặt đất biển người đội mưa thành kính đứng dõi theo và cầu nguyện.
Theo phong tục, đèn lồng bay càng cao, càng xa, càng tốt, bởi chúng sẽ mang được ước nguyện của con người tới đấng thần linh. Đến giây phút này tôi mới lờ mờ hiểu được vì sao lễ hội này lại có sức hút kỳ lạ với người Đài đến vậy, và chỉ có thể lý giải điều này bằng niềm tin của tâm linh và tín ngưỡng mà thôi.
Đoàn nhà báo quốc tế chúng tôi rời Pingxi lúc 22h, dọc đường thùng rác được đặt khắp mọi nơi, không hề thấy một cọng rác nào bị vứt ra đường. Cả triệu lượt người đến và đi là thế mà cái TP Pingxi nhỏ bé này vẫn sạch bóng mới lạ!
Lễ hội ánh sáng ở Nantou
Trái ngược với lễ hội thả đèn lồng mang đậm màu sắc truyền thống ở Pingxi là một lễ hội của đèn lồng của công nghệ cao, của ánh sáng la-de quét ngang dọc bầu trời, của âm nhạc sôi động từ những chiếc loa thùng công suất lớn. Có cảm giác lễ hội tại Nantou (Zhongxing New Village, Đài Trung) là cuộc trình chiếu về kỹ nghệ ánh sáng hơn là nghệ thuật đèn lồng.
Linh vật của Lễ hội năm nay là chú ngựa chồm may mắn cao 23 m được làm từ trên 200 ngàn chiếc đèn LED. Du khách sẽ có cảm giác choáng ngợp bởi bữa tiệc của hiệu ứng ánh sáng kết hợp với hàng ngàn con vật và hoạt cảnh khác nhau.
Đến đây chúng tôi mới hiểu hết khái niệm đèn lồng của người Đài, hóa ra chúng không chỉ còn là những chiếc đèn lồng đỏ Trung Hoa cổ truyền mà là bất cứ hình thù gì ngày nay họ có thể nghĩ ra kết hợp với công nghệ điều khiển đèn LED hiện đại gắn bên trong.
Con ngựa may mắn tại lễ hội
Song với tôi, điều đáng ngạc nhiên nhất vẫn là cách của dân chúng xứ này đi lễ hội, ở Nantou cũng trật tự và ngăn nắp y như ở Pingxi vậy. Đông đúc là thế mà không hề hỗn loạn, không tệ nạn cờ bạc bịp hay chặt chém, móc túi…
Đông đúc là thế mà người Đài vẫn nghiêm túc chấp hành bỏ rác đúng vào thùng phân loại: rác thông thường (thùng màu đỏ), rác túi ni-lông (thùng xanh da trời) và rác tái chế (thùng xanh lá).
Đông đúc là vậy mà ngó tâm thế dân chúng nơi đây thấy thảnh thơi và ung dung lắm, có cả những cụ ông đẩy xe đẩy cho cụ bà cười mãn nguyện du xuân, không ít người bế cả chú chó cưng đi trẩy hội…
Tôi cũng có dịp viếng thăm nhiều đền chùa nổi tiếng ở xứ này như đền Matzu ở Lukang hay chùa Longshan ở Taipei. Đông đúc nhưng rất trật tự và ngăn nắp, hoàn toàn không có cảnh tiền lẻ nhét khắp nơi như ở ta, hòm công đức chỉ duy nhất một chiếc, nhiều nơi không thấy.
Khách đi chùa chỉ mua hương hoa làm lễ, không hề có xôi, oản hay gà, lợn như ở ta. Mỗi khách một thẻ hương, nhẹ nhàng trút bỏ bao hương vào thùng rác, châm hương trên các ngọn lửa nhỏ như ngọn nến được đốt cháy liên tục bằng khí gas rất sạch sẽ.
Ngẫm ra, sự giàu có và văn minh ở hòn đảo này đâu chỉ thể hiện ở mức sống và bộ mặt phố xá, ở phương tiện giao thông công cộng hiện đại như tàu ngầm hay tàu cao tốc liên tỉnh 300km/h, ở những ngành công nghệ cao hàng đầu thế giới, mà sâu xa hơn còn nằm ở chính cái cách mà người Đài đi lễ hội hay thăm viếng đền chùa.