Di Li: người đẹp viết đẹp
Di Li là nhà văn chuyên nghiệp. Trong gần chục năm, cô ra hơn 20 đầu sách: truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, bút ký, hồi ký, sách chuyên ngành, truyện dịch xuôi, dịch ngược… rồi gần đây nhất là đầu năm 2012 với cuốn ký sự, chân dung nhà văn: "Chuyện làng văn".
Cách đây hơn chục năm có một cô gái rất trẻ, cao ráo, ăn mặc sang trọng, hiện đại, mắt sáng và đẹp, trên má phơ phất chút phấn mỏng thôi mà tôn vẻ mĩ miều, tới trụ sở Báo Người Hà Nội gặp thi sĩ Bế Kiến Quốc, bấy giờ là Tổng biên tập báo.
Chuyện là, Tổng biên tập Bế Kiến Quốc có đọc một truyện ngắn của tác giả Nguyễn Diệu Linh. Truyện ngắn ấy không phải xuất sắc lắm, song Bế Kiến Quốc vẫn nhận ra sau cái còn mong manh ấy một cây bút nhiều hứa hẹn.
Cũng như sự gặp gỡ ban đầu của Quốc với nhiều cây bút khác đang chập chững vào nghề, để tận tình giúp nhau sau này thành danh, đôi mắt xanh của Quốc đã tìm thấy gì ở cái cô Diệu Linh này? Bế Kiến Quốc nói chuyện với tác giả xong, đã khuyên cô gái xinh tươi ấy nên bỏ cái tên cúng cơm đi và lấy bút hiệu là Di Li.
Di Li, cái tên ấy cũng hay nhỉ? Từ đó Di Li là bút hiệu chính thức của cô gái xinh đẹp kia. Và kì lạ thay, Diệu Linh thì không kì diệu, còn Di Li thì bắt đầu diệu kì "lên hương".
Sự lên hương diệu kì của Di Li được tính từ năm 2006. Khi ấy Tạp chí Văn nghệ Quân đội có tổ chức cuộc thi truyện ngắn và cô góp vào vài truyện. Thực ra Di Li đã viết từ rất sớm. Những truyện ngắn của cô in ở Hoa Học Trò hay ở Người Hà Nội chả nên cơm cháo gì, nhưng việc cô tham dự cuộc thi truyện ngắn hai năm 2005-2006 ấy của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm "Cocktail" và "Ma học trò" đã làm nên dấu ấn của một đời văn và góp thêm cho văn đàn một giọng văn lạ, hiện đại với chất ma mị của các chi tiết truyện ngắn, nhất là trong tác phẩm "Cocktail".
Như một sự bứt rào ngoạn mục, chỉ sau đó một thời gian ngắn, Di Li trình làng cuốn "Trại Hoa Đỏ". "Trại Hoa Đỏ" thuộc thể loại trinh thám kinh dị, thể loại có ở văn chương Việt Nam ta từ trước cách mạng, với những "Người nhạn trắng", "Long hình quái khách", "Tráng sĩ một chân", "Xác chết cụt đầu" v.v… Bao nhiêu năm qua đi, những tưởng nó đã biến mất trong dòng chảy văn học, thậm chí có thời bị coi là thứ văn học rẻ tiền, kèm theo cụm từ "tiểu thuyết ba xu".
Ngày nay văn học thế giới đã thay đổi. Quan niệm này cũng đã lỗi thời. Ý thức được điều ấy, Di Li, người đầu tiên thuộc thế hệ hiện đại, đã làm sống dậy thể loại tiểu thuyết này với hương khí mới, tốc độ và văn phong hiện đại gắn với đời sống hiện đại. Nó khác hẳn với lối viết cũ chậm chạp, đôi khi sên sến của những cuốn tiểu thuyết trinh thám trước và sau năm 1945 từng in dài kỳ trên các tờ báo ăn khách.
"Trại Hoa Đỏ" chắc về cách dựng truyện, những chi tiết li kì và số phận bi thương khiến cho cuốn sách lôi cuốn và hấp dẫn. Nó từng làm xôn xao thế giới mạng và sau đó được vinh danh Giải Ba trong cuộc thi tiểu thuyết 2007- 2010 do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn tổ chức. Thế là lại có một Di Li của tiểu thuyết ngoài cái thương hiệu truyện ngắn cô vừa tạo nên ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Di Li là nhà văn chuyên nghiệp. Trong gần chục năm, cô ra hơn 20 đầu sách: truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, bút ký, hồi ký, sách chuyên ngành, truyện dịch xuôi, dịch ngược… rồi gần đây nhất là đầu năm 2012 với cuốn ký sự, chân dung nhà văn: "Chuyện làng văn".
"Chuyện làng văn" bao gồm nhiều khuôn mặt văn chương nổi tiếng và chưa nổi tiếng mà Di Li tạo dựng. Là người có mặt ở cuốn sách đó nên tôi không võ đoán nói nó hay. Song cũng như tiểu thuyết, tản văn, hồi kí hay sách dịch có tên Di Li, "Chuyện làng văn" cũng là món ăn có thể "đắt hàng". Riêng đối với văn học dịch, Di Li đã đóng góp cho văn đàn 6 cuốn tiểu thuyết. Di Li sử dụng được bốn ngoại ngữ là Anh, Pháp, Đức, Italia, từng mở cả lớp dạy tiếng Anh cho nhiều nghệ sĩ thành danh tới làm học trò.
Khả năng viết của Di Li rất nhanh nhạy. Có năm tôi đặt cô viết một truyện ngắn 2000 từ cho báo Tết, nơi tôi giúp đỡ việc biên tập. Chỉ sau vài ngày cô có truyện gửi tới. Và cái truyện ngắn viết về nhân vật chính là một cô bé ảo thuật ấy hết sức nhân ái, cảm động, đã đứng trên báo Tết một cách nghiêm túc.
Những truyện ngắn được viết theo "đơn đặt hàng" như thế, Di Li có không ít, nó tức thời không chỉ cung cấp cho văn đàn những nhu cầu truyện hay hiện tại, mà còn chứng tỏ cô phịa rất nhanh và tài. Nói tài vì có người viết chuyện thật mà như phịa, còn chuyện cô phịa, dựng lên, cả những câu chuyện về chiến tranh mà cô chưa từng tham dự, cho dù không quá xuất sắc, có kích cỡ sức vóc lớn, song nó được bạn đọc tin cậy và tin rằng câu chuyện có thật.
Trong tất cả các mảng văn học mà Di Li từng sáng tác, tạp bút, tản văn của Di Li cũng linh hoạt và thú vị. Những bài báo cô viết trong những chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới, các chuyến khám phá phượt hằng năm khi xuân về không chỉ giúp độc giả nhận ra một vùng đất lạ, mà còn làm người ta hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán vùng miền, sự sinh động của thế giới phẳng và nhất là đôi khi liên hệ một cách tế nhị tới chuyện trong nước, những tồn đọng có tính phê phán về văn hóa và lối sống, để người yêu mảnh đất sinh ra mình phải suy ngẫm, vui buồn.
Cuốn "Nhật kí mùa hạ" xuất bản năm 2011 của Di Li cũng thể hiện cái tài viết chuyện thiếu nhi cho cả người lớn và trẻ con đọc. Những câu chuyện tuổi thơ không hề giấu giếm đã vẽ ra không chỉ một khuôn mặt nghịch ngợm, cá tính từ thuở nhỏ, mà ở đó còn đầy đủ dư vị của những năm tháng không xa với những hạnh phúc, đau khổ trong con mắt trẻ thơ. Những câu chuyện mùa hạ trẻ trung, văn phong trong sáng, khác hoàn toàn với giọng văn lạnh lùng của Di Li ở tiểu thuyết, khác với giọng văn thông minh, sắc sảo ở những truyện ngắn.
Trên văn đàn Việt Nam hiện đại, nếu nói về văn chương với văn hóa vùng miền, có ba người đẹp rất sắc nét rõ ràng. Phía Bắc có nàng Đỗ Bích Thúy, như Cô gái miền sơn cước Tây Bắc, mang tới cho bạn đọc nhiều điều thú vị như âm thanh chưa nghe thấy bao giờ sau những hàng rào đá. Phía Nam có nàng Nguyễn Ngọc Tư, cho thiên hạ biết cõi trời bao la trên những cánh đồng vàng bất tận và những khuất ẩn rất vụn vặt, rất đời thường của con người.
Còn ở eo miền Trung - Huế với dải lụa buồn, có nàng Trần Thùy Mai, và người ta có thể tìm ở đó, trong nhiều áng văn của nàng, những cung bậc khác nhau của người miền Trung, có khi thăm thẳm buồn, kiểu kiều nữ mang sắc màu tím Huế.
Người đẹp Di Li sinh ra ở Hà Nội, song cô không thuộc vào miền đất nào cả. Ngay cả trong những câu chuyện cô viết tuổi thơ ở phố Đại Cồ Việt, hay những cuốn sách li kỳ mạo hiểm cũng ít mang dấu tích phong rêu của một Hà Nội thực là Hà Nội. Di Li là một điển hình của sự pha trộn văn chương ngôn ngữ Việt ở thời hội nhập, thời mà con gái đi năm châu bốn biển với nhiều ngoại ngữ…
Năm nay Di Li chả còn xuân xanh như khi cô tới gặp thi sĩ Bế Kiến Quốc nữa. Cô đã là mẹ của một cháu gái. Gái có chồng. Hằng ngày cô tíu tít tràn ngập với hàng núi việc, nào là dạy học, nào là họp báo ra mắt sách, nào là một chương trình sự kiện do cô tổ chức.
Cô thoắt ẩn, thoắt hiện khắp các nẻo miền và mất hút ở một đất nước xa xăm nào đó. Song gặp cô ở Hà Nội, dù mùa hè tới 40 độ vẫn thấy một nàng Di Li không bao giờ mang khẩu trang và áo chống nắng, cô phơi tay trần rám nắng, khuôn mặt tươi tắn mà nghiêm nghị luôn nhìn thẳng mà vẫn như có ma lực cho khối chàng trai ngoái theo tưởng lầm cô với một người mẫu thời trang hay một diễn viên nào đó.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc lại kỉ niệm gặp nữ nhà văn xinh đẹp lần đầu tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Năm đó 2006, tôi in chung trong một tập truyện ngắn chọn lọc hai chương của tiểu thuyết "Quyên" (trong tập truyện này có "Cocktail" của Di Li). Biết tôi là tác giả của "Quyên" qua lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, cô gái xinh đẹp có khuôn mặt bấy giờ còn mộc reo lên: "Em rất thích truyện ngắn của anh".
Tôi không nói gì, bởi nhiều khi người ta chả đọc gì, cứ lấy lòng nhau mà nói vậy. Di Li thông minh, nhìn cái nheo mắt của tôi mới nhận xét về các chi tiết của truyện. Việc ấy là viên gạch đầu tiên tôi tin Di Li. Rồi năm nào tôi với cô đi ra phố sách Nguyễn Xí. Vài độc giả nhận ra tôi, xin chữ kí. Di Li cười rất tự nhiên bảo, em ghen tị với anh đấy, em đã in và bán tới 6,7 đầu sách ở đây, cũng bán chạy, mà chả ai nhận ra em cả.
Tôi nhìn vào đôi mắt Di Li khi ấy. Ánh mắt vui thật, chứ không phải sự bực bội hay lấy lòng. Với tôi, Di Li luôn là người bạn văn chân thành, không khách sáo. Cuốn nào cô đọc cô nói là đọc và cuốn nào đọc cũng thường rất kĩ, để đưa ra những nhận xét tinh tế và sâu sắc với những phát hiện về chi tiết và tác giả không thua kém gì các nhà phê bình kinh viện.
Tôi rất cảm ơn bạn văn Di Li khi cô là người đầu tiên trong cuộc hội thảo về tiểu thuyết "Quyên" đã phát hiện ra tư tưởng ở hình tượng chủ định Vô Tăm Tích của tôi và phát biểu nó dưới ánh sáng triết thuyết của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow.
Tôi sống nhiều ở xứ người nên cũng chỉ thi thoảng mới có dịp gặp Di Li, nhưng mỗi lần gặp lại, lại nhận thêm một điều gì đó lấp lánh ở văn và đời của người bạn văn thật đẹp và chân thành này. Theo tôi, Di Li là "người đẹp viết đẹp" trong lứa các nhà văn đang hết sức sung sức hôm nay. Công ty sách Phương Đông cũng chuẩn bị ra mắt tập 18 truyện ngắn của Di Li được dịch sang tiếng Anh với nhan đề "The Black Diamond" (Viên kim cương đen).
Nhà văn Mỹ Charles Waugh sau khi đọc cuốn sách đã nhận xét rằng: "Di Li đã bắt mạch được xã hội Việt Nam. Với một nhận thức sắc bén về những truyền thống xưa cũ, các câu chuyện của cô đã phản ánh một cách tỉ mỉ những gì đang diễn ra ở một thế giới hiện tại bằng phong cách viết điềm tĩnh, lạnh lùng, châm biếm và không kém phần hồi hộp. Nếu bạn muốn biết những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay, nếu bạn muốn được cười, được khóc, được rùng mình vì sợ hãi, hoặc suy ngẫm sâu hơn về thế giới đương đại, hãy đọc Di Li"
Văn nghệ Công an