Đi 'chợ chửi' ở Hà Thành

Chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Mơ... là những địa chỉ mua sắm quần áo, giày dép của nhiều người. Tuy nhiên, những địa điểm trên cũng là nỗi e ngại của rất nhiều "thượng đế" bởi mua hàng ở đây dễ bị ăn cả “rổ chửi” cộng với cách hành xử thiếu văn hóa, thậm chí mang dáng dấp "côn đồ" của nhiều chủ hàng.

Đến "thượng đế" cũng bị chửi

Chúng tôi “căn giờ” đi chợ Ngã Tư Sở vào chiều chủ nhật. Thời điểm này ở chợ khá đông người đến mua sắm, với lại cũng là lúc các cô, các chị bán hàng ở đây “dễ tính” nhất. Vừa bước vào cổng chợ đã thấy các chị các cô mặt tươi roi rói, giọng ngọt như mía lùi, mời chào:

- “Em ơi vào xem hàng đi, nhiều kiểu dáng mẫu mã đẹp lắm”, hay "Em ơi, vào xem hàng đi em, chị bán rẻ cho...", "Em chọn đi, em thử đi, cái kiểu này rất hợp với dáng em đó".

Ấy thế mà đột nhiên lại quay ngoắt 180 độ, chuyển từ gam “ngọt ngào” sang gam “côn đồ” ngay. Đứng nhìn hàng chị mà không mua hả? Chửi. Mặc cả rồi không mua hả? Chửi. "Can tội" mặc cả thấp, nhiều khi lơ ngơ đi qua là gọi giật lại:

- Em ơi, lại đây chị bảo này? Dạ? Qua đây chị nhờ tí! Vâng (lơ ngơ láo ngáo bước lại gần).

- Em xem giúp chị đi. Thử xong thế này à? Thế là chửi, thậm chí có khi ăn đấm, ăn tát bùm bụp, rồi còn bị vu oan là ăn cắp...

Các cô, các chị bán hàng ở đây có thể loạt vào dạng ghê gớm, chua ngoa, đanh đá nhất trần đời. Kèm với chửi là cho "thượng đế" "ăn" đủ thứ... trên đời khiến khách hàng phải đỏ mặt xấu hổ mà đi.

Tôi đi ngang qua hàng một chị tầm hơn ba chục tuổi ngó nghiêng đôi giày, vậy mà chị lôi cổ vào bắt mua bằng được với lý do là "động vào hàng của chị mới chiều ngày ra". Tôi không ưng đôi giày đó, thế là bị những cái lườm nguýt, đốt vía. Một trận những lời chửi rủa và thóa mạ như tát nước vào mặt. Tôi đỏ cả mặt không nói được câu nào. Tôi bỏ đi, chị ta bắt tôi quay lại để hàng cho ngay ngắn mới được đi. Một phen hú hồn.

Linh, 19 tuổi, quê Thái Bình, lắc đầu ngán ngẩm: Có lần, em bị họ phang giày tới tấp vào người vì trả giá thấp.

Đi về phía hàng quần áo, một bạn tên Yến, 22 tuổi, quê Hải Dương đang mua quần bò. Thử mấy cái nhưng không ưng chiếc nào, Yến gửi trả lại. Thế là bị chủ hàng túm tóc, nắm chặt tay không cho đi vì chưa "mở hàng, mặc cả rồi thì phải lấy!". Rồi từ đâu xất hiện mấy người mặt mũi "rất ngầu" cùng mấy người bán ở xung quanh vây lấy đòi đánh. Yến sợ quá chẳng nói được câu nào. Chủ hàng xông vào tát mấy cái. Yến sợ hãi, mặt đỏ bừng, nước mắt chảy giàn giụa.

Hỏi ra, mới biết giá nói thách của chiếc áo là 300.000 đồng, khách chỉ trả 70.000 đồng. Thấy khách đi chợ tò mò đứng lại xem, bà chủ hàng đành buông tay, quăng cái áo vào mặt khách, miệng không ngớt ném theo những câu chửa rủa.

Lạnh te và sưng sỉa đi mua hàng

Theo các "thượng đế" hay đi mua hàng ở đây, khi vào chợ, họ luôn phải chuẩn bị tinh thần để "chiến" với các bà, các cô nanh nọc. Người bán hàng ở đây thường trông mặt mà bắt hình dong, thấy ai hiền là "xơi tái". Thế nên kinh nghiệm đi các chợ này là đi buổi trưa hoặc chiều tối, lúc ấy các bà bán hàng mới lành tính hơn, trả giá đỡ bị chửi. Đặc biệt, nên nhớ, khi vào chợ mặt cứ phải lạnh te, sưng sỉa lên và phải nhìn mặt chủ hàng trước khi nhìn hàng. Thấy cô nào, bà nào mặt ghê gớm thì phải tránh xa.

Đã có không ít những người đi chợ này một lần bị chửi thế là cạch luôn. Phương Hà (ĐH Ngoại thương) cho biết thêm, các bà bán hàng này cũng sợ Ban Quản lý chợ lắm đấy, vì thế mà gặp phải trường hợp bị đánh, chửi, vu oan, bạn bè đi cùng nên gọi Ban quản lý xuống là họ không làm gì được nữa.

Nhiều khách hàng khuyến cáo, tốt nhất nên trlánh xa các bà hàng liên tục thông báo vừa mở hàng. Đây là cớ để người bán vin vào, ép khách “mở hàng” với giá cắt cổ và “chịu trận” bão miệng nếu từ chối mua.

Theo Hoàng Liên Ni
Khoa học & Đời sống
Theo Tổng hợp