Ảnh: Hoàng Giang.
Từ thực tế buôn bán, các bạn trẻ hiểu rõ hoạt động của nền kinh tế tự do, phương pháp quản lý của nhà nước và từ đó nêu ra ý tưởng, hành động nhằm giúp phát triển kinh tế Việt Nam.
Phiên chợ kéo bạn trẻ vào những cuộc trao đổi, mặc cả, mua bán diễn ra thật như đời sống hằng ngày trên khắp đất nước. Vừa bị mất quyền bán hàng vì vi phạm luật chơi, ngư dân Minh Châu (SV năm thứ 3- ĐH Cần Thơ) nhận thấy vì thiếu thông tin, không đi xa mở rộng thị trường nên gặp nhiều bất lợi. Qua việc nhập vai, Minh Châu cho rằng giúp ngư dân có thêm thông tin về cung- cầu cũng là việc nên làm ở người trẻ.
Trước khi tham gia phiên chợ cá, Trần Hoàng Đăng Khoa (18 tuổi, đến từ TPHCM) nghĩ rằng, dường như Nhà nước chưa can thiệp nhiều trong khắc phục khó khăn kinh tế, giá cả vẫn leo thang. Tuy nhiên, khi làm nhà buôn ở diễn đàn, Đăng Khoa nhận thấy trên thực tế, Nhà nước có nhiều động thái để thúc đẩy kinh tế phát triển, kiềm chế lạm phát, nhưng cần có sự tham gia của cả cộng đồng mới đạt được kết quả.
Theo Khoa, việc cần làm của người trẻ là tuyên truyền, nâng cao tầm nhận thức để thay đổi tâm lý tiểu nông của nhiều người dân.
Còn Hoàng Quý An (đến từ Huế) nhận thấy kinh tế đang phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khoảng cách giàu, nghèo đang có xu hướng gia tăng. Việc cần làm ngay của mỗi bạn trẻ, theo An, là điều chỉnh hành vi tiêu dùng, mua sản phẩm theo nhu cầu, không chạy theo tâm lý số đông.
Trâm Anh, du học sinh tại Canada, cho rằng, phần lớn bạn trẻ chưa có nhiều kiến thức về kinh tế, nên thiếu tự tin, thiếu định hướng khi kinh doanh.
Giải bài toán từ cuộc sống
Nhận thấy xã hội đang có nhiều vấn đề tồn tại như sự pha trộn văn hóa, ô nhiễm môi trường, bất cập trong giáo dục..., Minh Châu cho rằng, để giải bài toán từ cuộc sống, người trẻ phải đi tiên phong bằng những hành động cụ thể, dù nhỏ. Nữ sinh miền Tây này cho rằng, vì văn hóa mới thể hiện ở lối sống của người trẻ nên có thể chọn lọc văn hóa, hòa nhập nhưng không hòa tan, cải tiến những giá trị cũ cho phù hợp xu hướng.
Trúc Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) từng nung nấu kế hoạch xây dựng một thương hiệu thời trang Việt và phát triển ra thế giới. Tuy nhiên, khi đến diễn đàn, Trúc Linh quyết định tốt nghiệp cấp 3 xong sẽ dành một năm để học ca trù, chèo, để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.
“Tôi tìm thấy nhiều giá trị của Việt Nam từ diễn đàn. Kinh doanh là vấn đề lớn, ở tuổi của tôi chưa vội làm, thay vào đó, cần bắt đầu từ hành động nhỏ để giúp thay đổi về môi trường, văn hóa”, Trúc Linh nói.
Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam 2011 diễn ra 6 ngày (từ 24-7 đến 29-7) tại Hà Nội, quy tụ 30 bạn trẻ xuất sắc tuổi 18-22 trong cả nước cùng các du học sinh. Các bạn thảo luận về văn hóa, giáo dục, môi trường, kinh tế và vai trò của người trẻ.Cuối diễn đàn, các đại biểu xây dựng dự án cụ thể hành động vì cộng đồng.
Nguyễn Bích Ngọc, một trong những sáng lập viên Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam, cho biết, bạn trẻ đã có nhiều thay đổi về nhận thức, định hình cho mình hướng đi và việc làm cụ thể trong tương lai vì mục tiêu phát triển chung.