Liên tiếp tai nạn, vụ nào cũng nghiêm trọng
Sau hai ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 3 người tử vong và hơn 10 người bị thương, vẫn còn hành khách chưa thể xuất viện vì vết thương nặng. Nhiều người dù chỉ bị trầy xước song cũng trong trạng thái hoảng loạn. Cơ quan chức năng đang ráo riết tìm nguyên nhân.
Theo Đại tá Lê Đình Toàn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Kon Tum cho biết, sau TNGT tài xế xe khách khai rằng trước thời điểm TNGT xảy ra thì mất hơi trên hệ thống. Việc mất hơi làm vô hiệu hoá hệ thống trợ lực của phanh và vô lăng.
Cũng theo Đại tá Toàn, phải điều tra giám định mới có thể kết luận được nguyên nhân chính xác. Đèo Lò Xo nằm trên quốc lộ 14, thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum.
Đèo có chiều dài khoảng 20km, có hướng từ Quảng Nam đi Kon Tum và nằm giữa ranh giới 2 tỉnh này. Đoạn đường chỉ có vậy, song bấy lâu nay là nỗi ám ảnh của không ít người dân bởi những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra.
Vào khoảng 18h30 ngày 8-5, xe bồn BKS 43C-15776 do lái xe Đinh Văn Trọng (26 tuổi, ở TP Đà Nẵng) điều khiển chạy trên đường Hồ Chí Minh theo hướng Quảng Nam - Kon Tum, sau khi đổ đèo Lò Xo đến Km 1428+200 đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đăk Man (huyện Đăk Glei) thì tông vào ta luy lật nghiêng rồi bốc cháy.
Hậu quả, xe bồn bị thiêu rụi hoàn toàn, tài xế Đinh Văn Trọng và phụ xe Đinh Văn Nghĩa (34 tuổi, ở TP Đà Nẵng) bị thương. Do vụ việc xảy ra giữa đèo khiến giao thông ách tắc nhiều giờ với hàng chục chiếc xe xếp hàng dài hơn 2km.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2018, chiếc xe khách mang biển số tỉnh Hà Nam lưu thông theo hướng Quảng Nam - Kon Tum, lúc đổ đèo Lò Xo thì gặp nạn. Chiếc ôtô khách bất ngờ lao xuống vực sâu khoảng 70m. Hậu quả, tài xế Vũ Văn Huy bị văng ra khỏi xe, chết tại chỗ, 19 người bị thương, trong đó có 9 người bị thương nặng.
Những vụ tai nạn kể trên chưa phải là tất cả, bởi vào đêm 21-2-2017, tại Km1419 đường Hồ Chí Minh (đèo Lò Xo), xe container BKS 64C-048.96 chạy hướng Bắc - Nam do lái xe Nguyễn Văn Sang (37 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp) điều khiển trên xe có phụ xe là Phạm Hữu Phước (31 tuổi, ở Đồng Tháp) đang xuống dốc, đến đoạn đường trên đã bất ngờ bị lật nghiêng làm lái xe và phụ xe bị thương (gãy tay, chân) kẹt trong cabin.
Và rồi chỉ một tháng sau đó, ngày 30-3-2017, chiếc xe chở dầu mang BKS 43H-3667 thuộc Công ty Xăng dầu Ngọc Khánh, TP Đà Nẵng đang lưu thông bất ngờ bị lật và bốc cháy dữ dội làm 2 người thương vong.
Và hẳn nhiều người không thể quên, cách đây 13 năm, 29 thành viên Đoàn Hội Cựu chiến binh phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đã mãi mãi nằm lại đoạn dốc này trong chuyến về lại chiến trường xưa.
Sẽ đưa ra giải pháp căn cơ để khắc phục tai nạn ở đèo Lò Xo
Sau khi thăm hỏi nạn nhân trong vụ TNGT trên đèo Lò Xo, đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia đã có buổi làm việc với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Kon Tum.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Phó ban ATGT tỉnh Kon Tum đã đề xuất Ủy ban ATGT Quốc gia có ý kiến với Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát cả các “điểm đen” về TNGT tại khu vực đèo Lò Xo để có giải pháp xử lý dứt điểm; giải pháp trước mắt là nghiên cứu phương án xây dựng tường hộ lan tại một số “điểm đen” nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo ATGT.
Đồng thời, đề xuất phương án xem xét mặt đường và hạ độ dốc, bên cạnh đó mở rộng bán kính cong (bán kính cua). Nghiên cứu phương án xây dựng tường hộ lan tại một số “điểm đen” nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật.
Trước ý kiến trên, đại diện Cục Quản lý đường bộ III cho biết, 3 năm gần đây, nhiều giải pháp đảm bảo ATGT trên đường Hồ Chí Minh đã được triển khai nhằm đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu giải pháp gia cường hộ lan tại các vị trí “điểm đen” TNGT trên đèo Lò Xo.
Đặc biệt, ý kiến về giải pháp thay thế hộ lan mềm, hộ lan cứng bằng hệ thống hộ lan xoay, công nghệ mới trên thế giới.
“Khi phương tiện giao thông tông vào hộ lan xoay sẽ làm giảm thiểu việc phá hỏng hộ lan xe lao xuống vực, bên cạnh đó, hộ lan xoay còn giảm độ hư hỏng của phương tiện giao thông khi tông vào”, ông Đỗ Huy Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III nêu ý kiến.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì cho rằng, sau ngày 17-6 đến hiện trường, khảo sát dọc tuyến ở đèo Lò Xo mới có phương án căn cơ cụ thể để giảm thiểu TNGT trên đèo này.
Sau khi nghe báo cáo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, là lỗi do tài xế hay do xe. Bên cạnh đó, ông Hùng đề nghị tạm đình chỉ doanh nghiệp có xe bị tai nạn.
“Chắc chắn chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Tôi yêu cầu lực lượng Công an tạm giữ tài xế để điều tra làm rõ nguyên nhân. Cách đây mấy tháng cũng có một vụ tai nạn tương tự, nay lại xảy ra tiếp. May là chỉ có 3 người chết, nếu không có hộ lan, chắc chắn hậu quả là rất lớn. Ngay ngày mai chúng tôi sẽ tổ chức đi kiểm tra, rà soát trên toàn tuyến đèo Lò Xo để có giải pháp xử lý căn cơ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao việc triển khai công tác cứu hộ của ngành chức năng địa bàn đã nhanh, gọn, hiệu quả. Ông Khuất Việt Hùng đề nghị các cơ quan điều tra khẩn trương xác minh nguyên nhân vụ tai nạn; đặc biệt phải trả lời bằng được câu hỏi “tại lái xe hay tại xe?”. Bởi vì, nhiều vụ tai nạn tài xế khai mất phanh, mất thắng, nhưng khi trưng cầu giám định thì thắng còn nguyên.
“Tôi đề nghị tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định 86 khi để xảy ra TNGT hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bởi, theo thông tin ban đầu, xe khách không có dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong vòng 3 ngày, như vậy doanh nghiệp không có kiểm tra. Trách nhiệm rất rõ là chủ phương tiện giao phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh cho lái xe điều khiển. Đối với lái xe, nếu không bị thương nặng, sức khỏe đủ điều kiện thì phải tạm giữ để điều tra”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Ngày 17-6, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia; ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Kon Tum đã trực tiếp khảo sát thực tế trên đèo Lò Xo. Đoàn đã đặc biệt chú trọng đến những vị trí “điểm đen”, nguy cơ mất ATGT để có giải pháp căn cơ trên tuyến đường này.
Qua khảo sát thực tế, lãnh đạo Bộ GTVT và tỉnh Kon Tum thống nhất quan điểm, trước tình trạng TNGT nghiêm trọng xảy ra liên tục trên đèo Lò Xo thời gian qua, rất cần thiết phải có một giải pháp tổng thể cho vấn đề ATGT trên đoạn đường đèo này.
“Chủ trương của Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu tổng thể về giải pháp ATGT với toàn bộ chiều dài 27km của đèo Lò Xo đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể. Bộ GTVT sẽ dành kinh phí bảo trì đường bộ để thực hiện những giải pháp này. Mặc dù chưa đầu tư nâng cấp mở rộng được nhưng cố gắng đảm bảo hệ thống an toàn của tuyến đường; những đường cua có thể tiếp tục phải cắt để mở rộng tầm nhìn và mở rộng phần bụng. Lãnh đạo Bộ GTVT đã giao Cục Quản lý đường bộ III trong thời gian tới phải trình lãnh đạo Bộ phương án tổng thể, chi tiết đảm bảo ATGT cho 27km đường đèo Lò Xo và đề nghị việc triển khai trên thực địa phải hoàn thành trong năm nay”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Theo CSGT khu vực, hầu hết vụ tai nạn cháy ôtô trên đèo Lò Xo có điểm phát lửa xảy ra từ hệ thống phanh. Đèo Lò Xo là đường xấu, dốc dài, quanh co, không có trạm dừng chân… là những yếu tố khách quan buộc lái xe thường xuyên đạp phanh quá nhiều, nên phát ra lượng nhiệt lớn dễ gây ra cháy.
CSGT cũng khuyến cáo, để giảm thiểu tai nạn qua khu vực đèo Lò Xo, các hãng xe khi đưa phương tiện vào lưu hành phải được kiểm tra chặt chẽ.
Trong quá trình lưu thông, nhà xe, lái xe phải chú ý công tác bảo dưỡng, kiểm tra kỹ hệ thống thắng (phanh), hệ thống phòng cháy chữa cháy trên xe. Việc sắp xếp hàng hóa trong khoang xe, những vật dụng dễ phát sinh nguồn nhiệt cần bố trí riêng, vật dễ cháy nổ phải được xe chuyên dụng vận chuyển...