Thưa các bác, tương truyền xưa kia tên đảo là Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng (?) đánh giặc Ân. Ở thị trấn Cát Bà hiện nay có đền Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp, như bản đồ năm 1938 chẳng hạn còn ghi rõ là Các Bà. Như vậy tên gọi Các Bà đã bị đọc chệch thành Cát Bà như bây giờ...
Thốt nhiên tâm trí nhoáng nhoàng một kỷ niệm năm xa về cái tên Cát Bà!
Đám viết trẻ hồi ấy vẫn thi thoảng quần tụ chỗ cụ tiên chỉ Tô Hoài ở Hà Nội. Chỗ Nghĩa Tân chứ không phải Đoàn Nhữ Hài. Thường mùa nực, cụ Tô Hoài thường lánh về Nghĩa Tân. Nhân một chị viết cứ nèo cụ kể thêm về nữ sĩ Vân Đài vốn là chỗ thân thiết với cụ Tô. Lại còn bạo miệng rằng cụ có luyến ái quan chi với nữ sĩ không ạ?
Nữ sĩ là cái cách nói chữ. Thường là học hành cẩn thận, có tài văn thơ. Chẳng con nhà trâm anh thế phiệt thì cũng ít nhiều nhan sắc… Xưa có nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Thuở chưa xa có nữ sĩ Tương Phố, Sương Nguyệt Anh. Rồi Vân Đài, Anh Thơ… Cái cười kiêm chất giọng thủng thẳng của nhà văn về nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh cùng năm với nữ sĩ Vân Đài. Đây là lời tác giả Bước đường cùng thốt lên với cụ Tô Hoài rằng cái con Minh (nữ sĩ Vân Đài sinh năm 1904 ở phố Hàng Trống tên là Đào Thị Minh): Ba chị em nhà nó đẹp nhất phố Hàng Trống, nhất cả Hà Nội cũng nên. Đuôi chúng nó dài lắm. Tớ có sắp hàng thì cũng phải đứng vào loại ngoài rìa hàng tá, ăn thua mẹ gì!
Được gần, được hầu chuyện cụ tiên chỉ Tô Hoài vừa thích vừa lãi. Lần ấy nhờ cụ mà tôi biết được xuất xứ cái tên Quảng trường Ba Đình. Một bài viết mọn khiến nhà văn Thái Vũ (tác giả hai tập dầy cộp Cờ nghĩa Ba Đình) tìm tới tận nhà tôi để cảm ơn vì, là tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử ấy xuất bản từ năm 1964 mà vẫn chưa biết cái tên Ba Đình do cụ Thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai đặt.
Rồi cũng nhờ cụ giới thiệu mà tôi đã tìm gặp được chủ nhân khi ấy đương sở hữu nhiều số báo Tri Tân.
Cũng mở cái ngoặc về Tri Tân tạp chí một chút. Theo cụ Tô Hoài Tri tân xuất bản những năm 1941-1944 quy tụ những tay viết có tiếng. Phần lớn xuất thân tây học và cựu học như Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Hoàng Minh Giám, Chu Thiên, Vân Đài…
Mấy bản photo vàng xuộm phóng sự du ký về Các Bà của nữ sĩ Vân Đài tôi vẫn lưu đây.
Nữ sĩ không phải đến Các Bà trong một chuyến du lịch. Mà đã ở hẳn 4 năm ở Các Bà. Chuyện này xin được nói sau.
***
Các Bà- Cát Bà trong con mắt của nữ sĩ khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ 20. Tên tây gọi là Appovan. Người Nam gọi là Các Bà do lấy tên một ngôi mộ của hai bà nữ thần không biết tên chết ở đâu trôi dạt về và hiển linh tại đây.
Người ta lập mộ cùng miếu thờ và muốn xiển dương uy linh của các bà nên lấy tên Các Bà đặt cho hòn đảo to nhất. Và các đảo nhỏ khác quanh đó cũng có địa danh chung là Các Bà.
Trước kia đảo là sào huyệt của giặc Tàu ô, nơi tập kết buôn người của các mẹ mìn. Nay thì là nơi phố phường của người Khách trú (Hoa Kiều).
Người Hoa ở Các Bà thời bà Vân Đài chiếm phần lớn.
…Cây bút phóng sự của nữ sĩ đưa người đọc về một khu vực ngăn nắp ngoạn mục của viên đại úy người Pháp ở, còn lại Các Bà vẫn tất tật lộn xộn ô tạp thiếu vệ sinh ít ánh sáng, ẩm ướt. Lẫn lộn gà chó lợn ở chung với người.
Có hàng ngàn gia đình ở dưới thuyền, giang sơn của họ nhiều đời lênh đênh trên mặt sóng.
Tất cả thuyền cá của người Tàu từ Bắc Hải, Long Châu, Hà Cối và các cửa bể duyên hải Bắc Kỳ đều lấy Các Bà làm nơi trú và tập kết bởi hai lẽ. Có nhiều đảo nhỏ núi non quanh quất tiện cho thuyền ẩn tránh bão bùng. Và là hải trình gần nhất từ Việt Nam sang Tàu tiện cho giao thông và các thứ hàng lậu thuế.
Tất cả các thứ tiền thuế tiền lãi, cái cửa bể con con này mỗi năm cung đốn cho nhà nước hàng triệu đồng bạc. Mà hàng triệu bạc ấy chỉ trông chờ vào nghề chài lưới ở đây!
Những hải vị mà người Nam ta ao ước quý hóa như mực Bắc Hải, hải sâm, vây cá, bào ngư, long tu các bạn đừng tưởng Tàu mang sang bán cho ta mà chính thứ hải sản ấy là ở Các Bà do đám ngư phủ khách trú kiếm được!
Nữ sĩ gọi dân ở đảo Các Bà là dân Cù lao. Là hạng dân chỉ biết phục tòng và theo kỷ luật hơn tất cả dân các nơi. Ở đâu cũng vậy những hạng người gần tạo vật xa nhân gian, lòng chân thật đã có sẵn.
Người Khách sang đây chỉ với chiếc tàu ô và những cánh tay khỏe mạnh. Các Bà mỗi mùa cá có tới ngàn chiếc tàu ô.
Mỗi chiếc tàu ô thực ra là cái thuyền khổng lồ. Ở trong ấy có đủ nơi ăn chốn ngủ. Có bếp nước, có ô nuôi cá sống chứa cá chết (cá muối), nuôi gà nuôi lợn. Nuôi cả người, nếu là chiếc thuyền mua người do mẹ mìn dỗ trẻ con đem bán.
Mỗi năm họ sang đây với chiếc thuyền không từ tháng 8 đến tháng Tư năm sau. Rồi họ hành nghề một cách sung sướng rồi dong buồm về cố quận với những thuyền đầy ắp hải sản và túi nặng những tiền!
Và những thuyền buôn lậu mặc dù rất cận kề với những tàu thuyền của nhà đoan.
Cánh buồm của họ một khi đã giương lên thì chỉ chờ một cơn gió. Với chiều gió xuôi thì không có chiếc tàu đoan nào đuổi kịp!
Các hang hốc kỳ quan của tạo hóa nơi cảnh trí kỳ khu ấy không gợi cho bọn buôn lậu một chút mỹ quan nào ngoài việc làm những sào huyệt tốt nhất để trữ hàng lậu cùng lẩn trốn.
Người Nam ở Các Bà phần đông là những người nghèo khổ. Họ lấy củi, vác muối, cá thuê cho Khách trú. Họ không có gì hơn là những mảnh áo vải thô xấu. Những đứa trẻ trần truồng khi mùa hè và cả mùa đông…
Nữ sĩ viết về làng Tân Châu và Xuân Đám (nay là những phố, những phường sầm uất) thế này:
Thực sự đó là một cõi riêng gần như biệt lập với thế giới. Những cô gái mặc váy đũi. Yếm cổ xẻ. Những ông già đầu bạc chống gậy trúc, áo lụa mộc. Những nhà lá rộng rãi trong các thửa vườn vuông vắn.
Khỏe mạnh và mộc mạc, hai từ ấy để trỏ đàn ông đàn bà ở hai làng này. Thân thể đầy đặn, làn da hồng hào. Nói đến Hà Nội Hải Phòng, họ tưởng thế giới nào đó xa lạ. Thậm chí Quảng Yên - tỉnh chủ quyền cai trị hai làng ấy họ cũng chưa bao giờ biết tới?
Các Bà lúc nào cũng êm đềm. Nhưng không ủ dột.
Bãi Cát Bèo (nữ sĩ chú tên Tây là Baie des pencheus) nơi các thuyền chài người Nam ưa tụ họp. Chung quanh vây bằng những bậc thành bằng núi đá. Cây cỏ tươi mởn. Có nhiều khỉ và vượn bạc đầu. Vượn bạc đầu chính là giống vooc quý hiếm may giờ còn sót lại ít con. Thời nữ sĩ ghé đây cái giống này còn nhan nhản.
…Các Bà - Cát Bà. Du ký của Vân Đài hiển hiện sinh sắc những cảnh, những người. Và cả tả tình, thuật lòng. Khi đậm nhạt. Khi quặn thắt trong những số báo của Tri tân Tạp chí từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1944.
…Bốn năm tôi đã sống qua quãng đời yên tĩnh tịch mịch. Cuộc đời không giả dối không danh lợi Tôi chỉ ước ao sống suốt đời ở nơi danh thắng ấy, Các Bà!
…Tôi đã sống mấy năm ở xứ Ai Lao Vạn Tượng. Phong cảnh Lào tuy bí hiểm lạ lùng nhưng vẫn kém bề sáng sủa của Các Bà.
Hình như có lần nữ sĩ Vân Đài đã trở lại Các Bà. Như gặp lại cố nhân.
Ba năm một bữa trở về/ Cây vờn mái tóc hoa kề áp môi/ Yêu đương dậy lại đầy trời/ Lòng ơi/ Đường cũ/ Núi đồi còn đây/ Bể mừng muôn đợt sóng ngây…
Những dòng lẩy ra trên Tri Tân như gợi như mở. Như phát lộ như một thứ lý lịch trích ngang?
Tò mò. Háo hức… Tôi lại phải mò đến quấy quả cụ Tô Hoài.
Cụ Dế Mèn nheo nheo cặp mắt. Cuốn từ điển sống đương được lật tiếp.
…Hoa khôi phố Hàng Trống Đào Thị Minh từ chối bao mối manh theo đuổi cùng dạm hỏi. Nhưng nàng rất nhanh bén duyên với một sinh viên trường thuốc quê mãi tận trong Trà Vinh ra Hà Nội học.
Cuộc tình ấy cũng chỉ vài năm. Vân Đài lại quay ra Hà Nội. Nữ sĩ khi ấy gần độ tuổi băm, đương độ đẹp mặn mòi. Vân Đài tục huyền với Nguyễn Khắc Tường, một kỹ sư vô tuyến điện. Ông chồng kỹ sư bám sở làm đem vợ đi theo nhiều nơi. Thời gian lâu nhất xa nhất có mấy năm bên Thượng Lào, Hạ Lào và cao nguyên Boloven. Và đảo Các Bà. Thiên phóng sự trên Tri Tân như một thứ chứng chỉ!
Sau Cách mạng Tháng Tám, nữ sĩ Vân Đài và chồng đi theo kháng chiến. Chồng vào bộ đội. Bà cũng tình nguyện nhập ngũ. Năm 1948, Vân Đài gia nhập Đảng trong quân đội. Bước chân nữ sĩ đã in dấu khắp Việt Bắc. Vân Đài ở trong Ban Văn nghệ Liên khu 1 và viết cho các báo Xông pha, Bắc Sơn, Quân tiên phong. Sau năm 1954, làm báo Phụ nữ Việt Nam, báo Văn Nghệ…
Cuộc tình ngắn ngủi với anh sinh viên trường thuốc quê ở Trà Vinh đã giúp Vân Đài có được tập thơ Trà Vinh thương nhớ khá nổi tiếng. Và cả một chuyện thật buồn. Sau năm 1954, một người con trai, kết quả của cuộc hôn nhân ấy đã ra Bắc ở với mẹ Vân Đài. Nhưng anh bị chứng tâm thần. Chất giọng Tô Hoài như vắng vợi khi nói đến chi tiết anh con trai bộ dạng ngây ngô thẫn thờ chống gậy theo sau linh cữu mẹ trong đám tang nữ sĩ Vân Đài mùa đông năm 1964.
Cái thời cuối những năm 30 ấy, Các Bà - Cát Bà làm chi đã có đường bộ vo vo bánh xe lăn từ Hà Nội như bây giờ? Và bao thứ đổi thay khác so với phóng sự thuở ấy của nữ sĩ Vân Đài? Nhưng hình như Các Bà vẫn còn vẫn sót lại cái khung của trời ấy nước ấy cảnh ấy để thời cuộc làm chức phận đổi thay?
Tôi bước lên chuyến xe cuối cùng trong ngày rời đảo. Vẫn lấn bấn với câu hỏi, chẳng hay những năm cuối nữ sĩ Vân Đài có lần nào trở lại Các Bà - Cát Bà không nhỉ?