Đó là nhạc đỏ của miền Bắc, nhạc tình trước 1975 tại miền Nam cùng một số ca khúc tiêu biểu thời gian gần đây. Tất cả đồng hiện trong đêm nhạc Tình khúc Thời hoa đỏ do Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam thực hiện tối 24/4 tại trung tâm biểu diễn Âu Cơ.
Chương trình gồm 3 phần. Phần một những bông hoa lửa gồm các bài tình ca nhạc đỏ như Đợi anh về, Mời anh đến thăm quê tôi, Tình em… Phần hai Nỗi lòng tuyển chọn những tình khúc thịnh hành tại miền Nam trước 1975 như Tôi muốn, Yêu đời yêu người, Thương nhau ngày mưa, Tôi đi giữa hoàng hôn… Qua đó có thể thấy dù hoàn cảnh chính trị khác nhau, nhưng dù ở đâu con người luôn thể hiện những khao vọng sống và yêu cháy bỏng qua âm nhạc.
Phần ba Đón bình minh gồm các sáng tác thể hiện khát khao khẳng định bản ngã của những cây viết hôm nay như Lá cờ, Giấc mơ mang tên mình, Bước đi không dừng lại…
Các tiết mục được thể hiện bởi những giọng ca tiêu biểu của Nhà hát Ca Múa Nhạc qua nhiều thế hệ như NSND Thái Bảo, NSƯT Đức Long, NSƯT Ngọc Khang, Hoàng Quyên, Lương Huy, Kiều Minh, Bùi Dương Thái Hà, Hoàng Yến, cùng các nhóm Thăng Long, Pha Lê… Thể hiện sự hùng hậu trong đội ngũ của nhà hát 70 năm tuổi từng được trao tặng các danh hiệu Anh hùng Thời kỳ Đổi Mới và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Sự kết hợp này xuất phát từ ý tưởng thúc đẩy hòa hợp dân tộc nhân dịp kỷ niệm 46 năm thống nhất hai miền Nam Bắc. Phó giám đốc Nhà hát Hoàng Xuân Bình khẳng định chương trình được xây dựng từ cảm xúc, từ trái tim khát khao hòa bình độc lập dân tộc: “Dù trong hoàn cảnh chia cắt, nhạc sĩ của 2 miền đều chung tình yêu dân tộc tình yêu con người. Nghệ thuật không có giới tuyến. Thông qua âm nhạc các nghệ sĩ hướng đến một giá trị chung, thể hiện tinh thần dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam là một”.
Có mặt tại đêm nhạc, nhạc sĩ- nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha khẳng định thời mở cửa, ổn định kinh tế cho chúng ta cơ hội để hàn gắn dân tộc thông qua nghệ thuật. Ông nói: “Thời kỳ mở cửa rất quan trọng. Từ đấy chúng ta đã nhìn thấy phải tôn vinh đưa các giá trị đích của dân tộc thì mới có thể hàn gắn được nhữn gì rạn vỡ trong con người. Vì trải qua một cuộc chiến không thể nói chúng ta đứng lên một cái lành lặn ngay được. Và chương trình này đã bước đầu tiến tới một điều chúng ta hằng mơ ước đó là hàn gắn lại những thân phận, những rạn vỡ trong từng con người. Như thế chúng ta mới có thể lấy tất cả giá trí tinh hoa của dân tộc này để bước tới tương lai”.