Bổ sung chính sách phát triển thủy điện tích năng và điện rác
VCCI vừa có góp ý cho dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Theo VCCI, Luật Điện lực xác định năng lượng tái tạo gồm có mặt trời, gió, đại dương, địa nhiệt, thủy điện, sinh khối, chất thải. Dự thảo hiện đã có chính sách chung về phát triển năng lượng tái tạo và chính sách cụ thể cho các nguồn điện mặt trời mái nhà và điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, với thủy điện tích năng và nguồn điện từ chất thải, hiện chính sách phát triển chưa được ban hành cụ thể dù nguồn điện này phù hợp với Luật Điện lực và đều được coi là dạng năng lượng tái tạo.
VCCI đánh giá, thủy điện tích năng có ưu điểm là có khả năng lưu trữ năng lượng khi dư thừa và đưa ra sử dụng khi có nhu cầu. Cùng với đó, việc kết hợp với thời gian huy động ngắn, chỉ vài phút khiến thủy điện tích năng rất phù hợp để kết hợp với các nguồn điện gió và mặt trời trên lưới điện quốc gia.
Hiện nay, công nghệ thủy điện tích năng đã có thể thương mại hóa và cần được tập trung phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm chính sách phát triển thủy điện tích năng vào nghị định.
"Các nội dung cụ thể cần tập trung vào cơ chế giá mua điện để bơm nước và giá bán điện khi phát lên lưới. Nếu hai giá này có chênh lệch đủ lớn thì sẽ giúp dự án đầu tư thủy điện tích năng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư”, VCCI đề xuất.
Đối với nguồn điện từ chất thải, theo VCCI vẫn còn một số vấn đề môi trường, nhưng việc đốt rác phát điện được đánh giá là giảm ô nhiễm so với hình thức chôn lấp chất thải sinh hoạt đang phổ biến tại các đô thị của Việt Nam hiện nay.
Nhiều địa phương đang nghiên cứu để thay thế hình thức chôn lấp rác thải sinh hoạt sang đốt rác phát điện.
Việt Nam hiện cũng đã có chính sách phát triển điện rác tại Quyết định 31/2014. Theo Luật Điện lực 2024, chính sách phát triển điện rác tại quyết định 31 cần được đưa lên quy định tại Nghị định này.
"Nội dung về chính sách phát triển điện rác cũng nên tập trung vào cơ chế giá điện và quy định về việc dự án đáp ứng quy hoạch điện lực", VCCI khuyến nghị.
Giá thủy điện tích năng nên tính ra sao?
TS Nguyễn Huy Hoạch - chuyên gia năng lượng - đánh giá, công nghệ thủy điện tích năng đang giữ vai trò then chốt trong công cuộc chuyển dịch sang năng lượng xanh, là cầu nối thiết yếu giúp tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng không ổn định (như năng lượng gió, mặt trời).
Theo quy hoạch điện VIII đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2.400 MW công suất từ thủy điện tích năng. Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có dự án thủy điện tích năng Bác Ái (Ninh Thuận), được khởi công xây dựng vào tháng 1/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 21.100 tỷ đồng. Nhưng do nhiều khó khăn, nên tiến độ đã được điều chỉnh đưa vào vận hành chậm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra (2028).
Đặc biệt, vì chưa có khung giá thủy điện tích năng nên các nhà đầu tư chưa mặn mà xem xét đầu tư vào nguồn điện này.
Góp ý về giá điện từ thủy điện tích năng, TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng EVN đang nghiên cứu đánh giá việc áp dụng giá điện hai thành phần và dự kiến áp dụng thí điểm vào năm 2025. Do đó, ngoài việc xác định khung giá cho thủy điện tích năng, cần đưa thêm giá công suất vào tính toán cho thủy điện tích năng để phù hợp với xu thế chung về cách tính giá bán điện đang thực hiện trên thế giới.
"Khi có khung giá phát điện của nhà máy điện thủy điện tích năng phù hợp, hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và bên mua điện, chắc chắn sẽ thu hút được nguồn đầu tư cho hệ thống điện năng, cung cấp nguồn điện cho nhu cầu của đất nước", TS Nguyễn Huy Hoạch cho hay.