Sau nhiều lần góp ý, sửa đổi, bổ sung, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10 tới. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, với nhiều điểm mới, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động dầu khí phát triển, đóng góp sự phát triển của đất nước.
Tại cuộc toạ đàm góp ý hoàn thiện dự án luật, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) Phan Minh Quốc Bình cho rằng, hoạt động dầu khí thời gian qua đã có sự phát triển đồng bộ. Song với nhiều yếu tố mới phát sinh, luật hiện hành đã giảm phần nào tác dụng hỗ trợ khiến ngành công nghiệp dầu khí đối diện với những khó khăn, thách thức. Đáng lưu ý, trong bối cảnh tiềm năng dầu khí ngày càng hạn chế, hầu hết các mỏ dầu khí khai thác ở trong nước đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng.
Do đó, ông Bình cho rằng, Việt Nam cần xem xét các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước.
Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho rằng, trong bối cảnh cần khai thác hiệu quả tài nguyên hiện có cũng như tìm kiếm, thăm dò để phát hiện tiềm năng mới thì rõ ràng cần cơ chế, chính sách phù hợp hơn.
Theo ông Trung, dự án luật sửa đổi đã làm rõ hơn về thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ vướng mắc, vì nhiều dự án hiện không thể triển khai.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều điều khoản liên quan thuế, thu hồi chi phí cải thiện hơn so với luật hiện hành. Theo ông Trung, cần xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện hoạt động dầu khí, theo nguyên tắc mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường khác.
Với việc thông qua dự án luật này, ông Trung tin tưởng những dự án đang làm có thể tiến hành được, các dự án tận thu cũng có cơ sở triển khai, và sẽ thu hút được các dự án đầu tư mới.
Trong khi đó, ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) viện dẫn, Điều 26 Luật Dầu khí năm 1993 quy định: Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Tuy nhiên, theo ông Bắc, dự thảo Luật sửa đổi đã không còn quy định nội dung này.
Từ hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp dầu khí đang có khoảng 8 nghìn lao động này kiến nghị giữ nguyên nội dung quy định như tại Điều 26 của Luật Dầu khí 1993; đồng thời cho phép Chính phủ ban hành và phê duyệt danh mục dự án đặc thù, riêng biệt và áp dụng các cơ chế đấu thầu dịch vụ đặc thù; quy định rõ tỷ trọng nội địa hóa trong các hợp đồng dầu khí.